Một buổi chiều tại huyện Thành, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, Ren Jingtao hái từng cây nấm matsutake từ sâu trong rừng và đưa lên ống kính livestream. Người xem đánh dấu sản phẩm “nấm rừng tự nhiên” và chỉ sau vài giờ lượng đặt hàng lên tới 320.000 đơn, thu về hơn 10 triệu NDT (khoảng 36 tỷ đồng).
Hình ảnh Ren, thanh niên 9x quay về quê và trở thành influencer (người ảnh hưởng) nông nghiệp, là minh chứng cho làn sóng số hóa nhanh chóng trải rộng khắp vùng nông thôn Trung Quốc nhiều năm qua.
Nhờ livestream, nông sản không chỉ được tiêu thụ nội địa mà còn quảng bá hiệu quả thương hiệu địa phương, qua đó nâng cao thu nhập và thúc đẩy khởi nghiệp trên quê hương.
Livestream – Lực đẩy tái thiết nông thôn
Nông thôn Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức như dân số suy giảm, kinh tế trì trệ và khoảng cách số ngày càng tăng trong nhiều thập kỷ. Nhiều ngôi làng vật lộn để giữ chân thế hệ trẻ, những người thường di cư đến các thành phố để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Các sáng kiến về làng thông minh cố gắng đảo ngược xu hướng này bằng cách ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống nông thôn, thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới và hợp lý hóa quản trị.
Theo Chinadaily, chính quyền Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng các trung tâm thương mại nông thôn và hỗ trợ mô hình livestream từ cấp huyện đến xã. Chẳng hạn, tại tỉnh Cam Túc, đến năm 2024, đã có 3.000 trung tâm giao dịch livestream nông sản ở cấp huyện và hơn 158.000 điểm hỗ trợ e‑commerce tại cấp xã.
Tương tự, ở tỉnh Giang Tô tổ chức các khóa đào tạo livestream dành cho nông dân về quay video, kỹ năng giới thiệu sản phẩm và phát sóng trên nền tảng như WeChat, ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội phổ biến nhất nước này.
Các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Pinduoduo và Taobao cho phép nông dân và doanh nhân nông thôn bán sản phẩm của họ trực tiếp cho người tiêu dùng, bỏ qua các trung gian trong chuỗi cung ứng truyền thống.
Mô hình trực tiếp đến người tiêu dùng này giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho những người nông dân quy mô nhỏ, những người có thể tận dụng tiếp thị trực tuyến, chiết khấu khi đặt hàng số lượng lớn và bán hàng phát trực tiếp để tiếp cận người mua ở thành thị.
Ví dụ, các ngôi làng ở tỉnh Chiết Giang và Sơn Đông đã xây dựng Taobao Villages, nơi các hợp tác xã địa phương sử dụng nền tảng kỹ thuật số để bán nông sản tươi sống, hàng thủ công và các sản phẩm nông nghiệp đặc sản.
Tờ Tân Hoa Xã mô tả, tại Thẩm Dương, chỉ cần cán bộ thôn cầm một chùm khoai tây trên livestream, vài phút sau là đơn hàng “nổ” tới tấp, khách hàng không chỉ mua khoai mà còn tò mò về cách chế biến, về câu chuyện làng quê.
Chính phủ Trung Quốc cũng xác nhận 1,4 triệu chương trình livestream nông sản đã diễn ra trên nền tảng Taobao vào năm 2020, phủ sóng tới hơn 2.000 huyện, khiến việc bán nông sản trở nên ngang tầm sản xuất công nghiệp.
Ngoài kinh tế, các nền tảng kỹ thuật số hiện đóng vai trò trung tâm trong quản lý làng xã, phân phối phúc lợi và giáo dục, tái cấu trúc các hoạt động lâu đời của địa phương. Vai trò của số hóa không chỉ là cải thiện hiệu quả mà còn là xác định lại cách thức hoạt động của cộng đồng.
Một khía cạnh bị bỏ qua của quá trình chuyển đổi số là vai trò trong việc bảo tồn di sản và văn hóa nông thôn. Tại tỉnh Quý Châu, làng Đan Trại đã thành lập kho lưu trữ kỹ thuật số để ghi lại các mẫu thêu truyền thống của người Miao, phương ngữ và nhạc dân gian, đảm bảo quá trình hiện đại hóa không phai mờ bản sắc văn hóa. Các kho lưu trữ kỹ thuật số đóng vai trò là công cụ giáo dục để thúc đẩy các nghệ nhân địa phương, tích hợp việc bảo tồn di sản với các cơ hội kinh tế.
Các sáng kiến du lịch kỹ thuật số cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Tại Vũ Lăng Nguyên, một khu danh lam thắng cảnh được UNESCO công nhận ở tỉnh Hồ Nam, công nghệ VR và nền tảng livestream cho phép người xem ở thành thị trải nghiệm cuộc sống nông thôn, lễ hội văn hóa và các điểm đến du lịch sinh thái từ xa.
Tại Giang Tô, ngôi làng Đông Sơn sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để quảng bá văn hóa trà địa phương, thu hút người tiêu dùng thành thị tham gia các hội thảo pha trà phát trực tuyến. Những sáng kiến này tạo ra thêm doanh thu cho cộng đồng địa phương và tạo ra các cơ hội việc làm mới ở các vùng nông thôn.
Số hóa thay đổi làng xã
Công nghệ mới đang thay đổi các cấu trúc và xu hướng xã hội ở Trung Quốc. Một số người trẻ tuổi, bị thu hút bởi tinh thần kinh doanh kỹ thuật số, đang trở về nhà. Ví dụ, tại huyện Dung An, tỉnh Quảng Tây, các doanh nhân trẻ sử dụng các chương trình nhỏ trên ứng dụng WeChat và phát trực tiếp Douyin (TikTok phiên bản Trung) để tiếp thị cam địa phương trực tiếp đến người tiêu dùng, phục hồi nền kinh tế địa phương.
Vai trò của phụ nữ cũng đang thay đổi. Trước đây phụ nữ thường bị gạt ra ngoài lề trong các quyết định về nông nghiệp, nhưng hiện giờ nhiều người đang điều hành các doanh nghiệp nông sản, tận dụng thương mại điện tử để có được sự độc lập về tài chính.
Nông nghiệp thông minh và quản lý tài nguyên tự động cũng đang chuyển đổi việc làm. Nhà kính tự động, canh tác bằng máy bay không người lái và hệ thống giám sát chăn nuôi do AI điều khiển đang giúp gia tăng năng suất.
Ngoài ra, tài chính kỹ thuật số đang định hình lại nền kinh tế địa phương. Các nền tảng thanh toán di động như Alipay và WeChat Pay đã trở thành một phần không thể thiếu của thương mại nông thôn, cho phép các nhà cung cấp nhỏ vận hành các doanh nghiệp không dùng tiền mặt.
Quả ngọt không dễ hái
Xu hướng số hóa, nông dân livestream bán nông sản đã mang lại nhiều thành quả rõ rệt cho nông thôn Trung Quốc, nhưng đằng sau thành công vẫn tồn tại vấn đề khó giải.
Đầu tiên là áp lực cạnh tranh và chi phí quảng cáo leo thang. Khi hàng triệu nông dân đồng loạt bước lên nền tảng livestream, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Những người mới bước vào thị trường gần như bắt buộc phải trả tiền để sản phẩm được hiển thị tốt hơn trên các nền tảng như Douyin, Kuaishou hay Taobao Live. Điều này nhanh chóng biến livestream thành một cuộc đua tiêu tốn chi phí.
Theo một nghiên cứu do Viện Chính sách Nông thôn Trung Quốc công bố năm 2023, hơn 60% nông dân tham gia livestream trong các làng thí điểm cho biết chi phí marketing vượt quá lợi nhuận thu được trong vòng 6 tháng đầu.
Tiến sĩ Jinghao Lu, chuyên gia nghiên cứu về chuyển đổi kỹ thuật số nông thôn tại Viện Phát triển Trung Quốc, nhận định: “Khi livestream trở thành một ngành có tính chuyên nghiệp cao, người nông dân nhỏ lẻ gặp bất lợi rõ rệt nếu không có hệ thống hỗ trợ bài bản từ chính quyền hoặc các doanh nghiệp địa phương”.
Từ nông dân thành doanh nhân là một bước chuyển không dễ dàng. Livestream nông sản không chỉ yêu cầu kỹ năng quay hình hay nói chuyện lôi cuốn. Người làm nội dung còn phải am hiểu cách đóng gói, chăm sóc khách hàng, xử lý đơn hàng và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Bà Li Xueqin, 46 tuổi, một nông dân trồng táo ở Sơn Tây, chia sẻ với SCMP: “Tôi từng nghĩ chỉ cần bật máy quay lên là sẽ có người mua. Nhưng sau vài tháng học hỏi, tôi nhận ra mình cần cả một ê-kíp để làm được việc đó. Một mình tôi thì không thể lo nổi”.
Một khảo sát tại huyện Tonglu, tỉnh Chiết Giang cho thấy, chỉ khoảng 18% nông dân tham gia livestream có thể tự vận hành toàn bộ quy trình bán hàng online, từ sản xuất, giới thiệu, đến đóng gói và vận chuyển. Số còn lại phải nhờ đến con cháu, hợp tác xã hoặc công ty trung gian để hỗ trợ. Điều này làm phát sinh thêm chi phí, đồng thời khiến người nông dân phụ thuộc vào người khác ngay cả trong chính công việc kinh doanh của mình.
Bên cạnh những khó khăn về kỹ năng và chi phí, khoảng cách thế hệ cũng là một rào cản lớn trong quá trình số hóa nông thôn Trung Quốc. Trong khi giới trẻ dễ dàng tiếp cận công nghệ, những người lớn tuổi vốn chiếm phần lớn lực lượng lao động nông nghiệp, lại loay hoay với những thao tác cơ bản trên điện thoại thông minh.
Chương trình thử nghiệm tại một số làng thuộc tỉnh Cát Lâm cho thấy, dù có sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên công nghệ, nhiều nông dân lớn tuổi vẫn không thể duy trì livestream hiệu quả vì gặp khó khăn trong việc kết nối mạng, sử dụng ứng dụng và xử lý các sự cố kỹ thuật đơn giản.
Giáo sư Zhang Li, Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết: “Không phải ai cũng có thể trở thành livestreamer. Cần một mức độ hiểu biết công nghệ và khả năng thích ứng khá cao. Đây là điều mà nhiều nông dân lớn tuổi không dễ dàng đạt được, trừ khi có sự huấn luyện liên tục và dài hạn”.