Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, có thể gây tử vong hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh, bao gồm cả tàn tật tạm thời hoặc vĩnh viễn. Ngoài các nguyên nhân thông thường, việc ăn tối muộn, thức khuya, ít vận động buổi tối và uống rượu trước khi ngủ cũng có thể gây nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ nguy hiểm như thế nào?
Theo y văn, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, có thể gây tử vong hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh, bao gồm cả tàn tật tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Các di chứng phổ biến bao gồm liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm nhận thức, thay đổi tính cách, khó nuốt, và các vấn đề về thị giác.
Ngoài ra, đột quỵ còn có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, động kinh, trầm cảm, loét do tì đè, và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ.
Cụ thể, CDC Mỹ cho biết, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ tư tại Mỹ với hơn 162.639 người chết vào năm 2023.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới và một nửa trong số đó dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nghiêm trọng.
Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế tại nước ta…
Nguyên nhân cơ bản gây nên bệnh đột quỵ.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh đột quỵ là do tắc nghẽn mạch máu não (đột quỵ thiếu máu cục bộ) hoặc vỡ mạch máu não (đột quỵ xuất huyết). Các yếu tố nguy cơ bao gồm tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, béo phì và tuổi tác.
Cụ thể, những nguyên nhân trực tiếp bao gồm:
Đột quỵ thiếu máu cục bộ: Xảy ra khi một cục máu đông hoặc mảng xơ vữa làm tắc nghẽn động mạch cung cấp máu cho não, làm gián đoạn hoặc giảm lưu lượng máu đến não, dẫn đến thiếu oxy và chất dinh dưỡng, gây tổn thương hoặc chết tế bào não.
Đột quỵ xuất huyết: Xảy ra khi một mạch máu não bị vỡ, gây chảy máu vào não hoặc khoang xung quanh não. Nguyên nhân phổ biến là do tăng huyết áp kéo dài không được kiểm soát hoặc các dị dạng mạch máu não.
Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ gây nên đột quỵ có thể kể đến các yếu tố sau:
Tăng huyết áp: Là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ, làm tăng áp lực lên thành mạch máu, khiến chúng dễ bị tổn thương và vỡ.
Bệnh tim mạch: Các bệnh như rung nhĩ, hở van tim, suy tim và bệnh động mạch vành đều làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và gây đột quỵ.
Tiểu đường: Người bị tiểu đường có nguy cơ cao bị đột quỵ do các vấn đề về mạch máu và rối loạn chuyển hóa.
Rối loạn lipid máu: Mức cholesterol cao có thể dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, làm hẹp lòng mạch và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Hút thuốc lá: Gây tổn thương mạch máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và làm tăng huyết áp.
Béo phì và ít vận động: Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, và tăng huyết áp, tất cả đều là yếu tố nguy cơ của đột quỵ.
Tuổi tác: Nguy cơ đột quỵ tăng lên theo tuổi, đặc biệt là sau 55 tuổi.
Tiền sử gia đình: Có người thân bị đột quỵ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Sử dụng thuốc lá và lạm dụng rượu bia: Các chất kích thích này có thể gây tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ đột quỵ.
Chế độ ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn nhiều muối, chất béo bão hòa và đường có thể góp phần gây ra tăng huyết áp, tiểu đường và béo phì…
Một số yếu tố “bất ngờ” có thể dẫn đến đột quỵ:
Thực tế, các nghiên cứu cho thấy, có tới 84% các ca đột quỵ liên quan đến các yếu tố lối sống có thể thay đổi được.
Một phần trong số đó bắt nguồn từ những thói quen trong giờ làm việc, nhưng những gì bạn làm hoặc không làm sau giờ tan sở cũng có thể ảnh hưởng lâu dài đến nguy cơ đột quỵ.
Dưới đây là 4 thói quen ban đêm nên tránh để giảm nguy cơ đột quỵ mà họ khuyến cáo:
Thứ nhất, ăn tối muộn, có thể là một phần bình thường trong thói quen của bạn, nhưng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe não bộ và tim mạch.
Theo thạc sĩ Michelle Routhenstein – một chuyên gia dinh dưỡng chuyên về sức khỏe tim mạch, cho biết: “Ăn tối muộn có thể làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể và ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp và quá trình trao đổi chất. Theo thời gian, những gián đoạn này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, bao gồm cả đột quỵ”.
Nghiên cứu phát hiện, ăn bữa cuối cùng trong ngày sau 21h liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn so với ăn tối sớm.
Một nguy cơ gia tăng tương tự cũng liên quan đến việc ăn sáng muộn, cho thấy thời điểm ăn cả bữa đầu tiên và bữa cuối cùng của bạn có thể đóng vai trò lớn hơn trong nguy cơ đột quỵ.
Vì vậy việc tạo thói quen ăn sớm hơn cả vào buổi sáng, tối, có thể hỗ trợ nhịp điệu tự nhiên của cơ thể bạn và ngừa đột quỵ.
Thứ hai, nằm dài trên ghế: Sau bữa tối, bạn có thể muốn nằm dài trên ghế để thư giãn vào buổi tối, đặc biệt là sau một ngày bận rộn. Việc nghỉ ngơi là quan trọng, tuy nhiên dành quá nhiều thời gian thư giãn vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là nếu bạn đã ngồi nhiều suốt cả ngày và ngay cả khi bạn còn trẻ.
Nghiên cứu phát hiện, những người không hoạt động thể chất dưới 60 tuổi dành hơn 8 giờ mỗi ngày để xem ti vi, sử dụng máy tính hoặc đọc sách, có khả năng đột quỵ cao gấp 3,5 lần so với những người dành ít thời gian rảnh rỗi hơn cho các hoạt động ít vận động.
Theo Tiến sĩ Aseem Malhotra – một bác sĩ tim mạch người Anh, đi bộ sau bữa tối trong 20 phút có thể giúp tiêu hóa trong khi tối ưu hóa việc kiểm soát lượng đường trong máu. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ tiền tiểu đường, tiểu đường, huyết áp cao và cuối cùng là bệnh tim và đột quỵ.
Nếu bạn đang đi bộ để giảm nguy cơ đột quỵ, việc tăng tốc độ có thể giúp ích nhiều hơn nữa.
Theo một phân tích tổng hợp, tăng một km mỗi giờ đi bộ sẽ giúp giảm 13% nguy cơ đột quỵ.
Thứ ba, nhâm nhi một ly rượu trước khi đi ngủ: Nếu sử dụng một hoặc 2 ly rượu vang, bia hoặc rượu bourbon, có thể đang tạo điều kiện cho đột quỵ mà không hay biết. Trong khi các nghiên cứu trước đây cho thấy, việc uống rượu có thể bảo vệ chống lại đột quỵ, thì các bằng chứng gần đây đã thách thức quan điểm đó.
“Rượu làm tăng tình trạng viêm và gây tổn thương tế bào” – Tiến sĩ Troy Alexander-El cho biết.
Một trong những nghiên cứu quốc tế lớn nhất về nguy cơ đột quỵ phát hiện lượng rượu vừa phải và cao liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn. Ngay cả việc uống 5 ly trở lên mỗi ngày chỉ một lần một tháng cũng làm tăng nguy cơ của một người.
Do đó, việc thay thế rượu trước khi đi ngủ bằng một tách trà thảo mộc hoặc một ly mocktail có thể là một cách đơn giản để giảm nguy cơ đột quỵ.
Thứ tư, thức khuya: Thức khuya để xem tivi, lướt điện thoại hoặc làm việc có thể đang gây hại nhiều hơn là có lợi.
Tiến sĩ Malhotra cho biết: “Giấc ngủ là trụ cột tuổi thọ cơ bản và là thói quen lối sống bị đánh giá thấp nhất”.
Nghiên cứu phát hiện rằng, ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều thậm chí còn có hại hơn là không ngủ đủ.
Một phân tích tổng hợp cho thấy, những người ngủ 5 tiếng trở xuống mỗi đêm có khả năng bị đột quỵ cao hơn 33%. Tuy nhiên, tỷ lệ đó tăng lên 71% ở những người ngủ 8 tiếng trở lên mỗi đêm.
Do cả ngủ quá ít và quá nhiều đều có vấn đề, ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm là một mục tiêu tốt.
Tiến sĩ Malhotra cho biết thêm, việc duy trì giờ đi ngủ và giờ thức dậy nhất quán, ngay cả vào cuối tuần, cũng có thể hữu ích.