Kazutoshi Kodama, một nhà tư vấn bất động sản kiêm “thợ săn ma” tại Nhật, thường xuyên đến kiểm tra căn nhà ở Chiba gần Tokyo, nơi bảy năm trước một cụ bà treo cổ tự tử trong phòng tắm.
Năm ngoái con trai bà qua đời trong cô độc, thi thể chỉ được phát hiện sau khoảng 10 ngày.
Ông Kodama đã ở lại ngôi nhà này gần 20 lần từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng, mang theo đủ loại thiết bị như camera nhiệt, máy đo từ trường, máy ghi âm để chắc chắn không có hiện tượng siêu nhiên.
Khi mọi thứ ổn, ông sẽ cấp giấy xác nhận “nhà không có ma”.
Ở Nhật, những ngôi nhà từng xảy ra các vụ án nghiêm trọng, tự sát hay có người qua đời lâu ngày không ai phát hiện được gọi là “jiko bukken” (bất động sản xui xẻo).
Theo quan niệm Thần đạo lâu đời, người chết còn tiếc nuối sẽ lưu lạc trần gian, mang theo oán hận hay sầu khổ, thường quanh quẩn chính nơi họ mất. Vì vậy, các ngôi nhà này từ lâu rất khó tìm người thuê hoặc mua.
Tuy nhiên, điều đó đang dần thay đổi.
Với giá nhà đất leo thang chóng mặt do chi phí vật liệu, nhân công tăng và dòng tiền đầu tư ngoại ồ ạt, phần nhờ đồng yen yếu, nhiều người bắt đầu cân nhắc mua các bất động sản loại này.
Theo công ty dịch vụ bất động sản Tokyo Kantei, giá trung bình căn hộ cũ 70 m2 tại 23 quận trung tâm Tokyo đã tăng hơn một phần ba trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 100,9 triệu yen (khoảng 697.000 USD).
Ông Kodama nói: “Trước kia tìm người thuê là chuyện gần như không thể. Nhưng giờ đây, nhiều người bắt đầu xem jiko bukken là lựa chọn”.
Không chỉ người trẻ Nhật tỏ ra cởi mở hơn, mà cả giới đầu tư, đặc biệt từ Trung Quốc, cũng sẵn sàng chi tiền vì lợi suất cao.
Theo công ty MarksLife chuyên làm lễ siêu độ cho các ngôi nhà kiểu này, lợi nhuận đầu tư bình quân của họ lên đến 8,4%, so với chỉ 3,55% cho căn hộ studio ở trung tâm Tokyo.
Các môi giới cho biết, nếu là hiện trường án mạng, giá có thể giảm tới 80% hoặc không bán được, nhưng các trường hợp chết cô độc thường chỉ giảm khoảng 20%.
Nhật Bản đang già hóa nhanh chóng. Số người trên 65 tuổi sống một mình chiếm 14% tổng hộ gia đình, dự kiến sẽ lên tới 20% trong 20 năm nữa.
Điều này dẫn tới nhiều cái chết không ai phát hiện. Báo cáo đầu tiên của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật cho biết năm ngoái có gần 21.900 trường hợp người chết bị phát hiện sau 8 ngày trở lên.
Do lo sợ nhà mình trở thành “nhà xui xẻo”, nhiều chủ nhà không muốn cho người cao tuổi thuê.
Để giảm bớt rào cản, từ năm 2021, chính phủ Nhật khuyến nghị rằng sau ba năm kể từ cái chết, ngôi nhà có thể không còn bị coi là jiko bukken nữa. Song các chủ nhà và môi giới vẫn phải tiết lộ lịch sử của căn nhà cho người mua hoặc người thuê nếu được hỏi.
Ông Kodama cho biết đã thực hiện hơn 70 cuộc kiểm tra “tìm ma” nhưng chỉ một số ít phát hiện ra nhiễu từ trường bất thường.
Tuy vậy, không phải ai cũng đủ can đảm để ở những nơi như thế. Mari Shimamura, một nhân viên văn phòng 24 tuổi, nói: “Dù có giảm giá, tôi cũng không dám ở. Không chỉ sợ ma, mà còn rợn người vì lịch sử kỳ quái, xui xẻo của nó”.
Câu chuyện về các ngôi nhà ám bởi quá khứ đau thương ở Nhật cho thấy sự chuyển mình đáng chú ý, đó là từ chỗ bị xa lánh, giờ trở thành hàng hot trên thị trường.
Điều đó vừa phản ánh sức ép giá bất động sản, vừa gợi mở góc nhìn mới về niềm tin và sự thực dụng của con người trước nhu cầu nhà ở.
Nhưng điều đó cũng khiến người ta phải suy nghĩ, liệu chúng ta đã chai lì cảm xúc trước những mất mát, đau thương từng diễn ra, chỉ để đổi lấy lợi ích về tiền bạc?