Những lưu ý khi bổ sung sắt để phòng ngừa bệnh thiếu máu

Phạm Sinh

Phóng viên

Bổ sung sắt đúng cách là yếu tố then chốt trong điều trị và phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt. Tuy nhiên, việc bổ sung này phải phù hợp với thể trạng của từng đối tượng…

Những nhóm đối tượng cần bổ sung sắt

Sắt là một khoáng chất quan trọng cho cơ thể, là thành phần thiết yếu của hemoglobin – huyết sắc tố cấu tạo nên hồng cầu, có chức năng vận chuyển oxy từ phổi đến các mô.

Dồng thời, sắt hỗ trợ quá trình trao đổi chất của cơ và các mô liên kết và cần thiết cho sự tăng trưởng thể chất, phát triển thần kinh, hoạt động sống của tế bào và tổng hợp một số hormon.

Thiếu sắt tiến triển từ việc cạn kiệt lượng sắt dự trữ (thiếu sắt nhẹ), đến thiếu sắt tạo hồng cầu và cuối cùng là thiếu máu do thiếu sắt.

Trong đó, các triệu chứng thiếu sắt có thể biểu hiện như mệt mỏi, suy nhược, khó thở, hội chứng pica và pagophagia, nhịp tim nhanh, trạng thái tinh thần thay đổi, hạ thân nhiệt và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Thiếu sắt có liên quan đến chế độ ăn uống kém, rối loạn hấp thu và mất máu nên những người bị thiếu sắt thường bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác.

sat FE

Bổ sung sắt giúp có thể tránh nguy cơ thiếu máu – ảnh minh họa

Vì vậy, việc bổ sung sắt, đặc biệt ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao cần được quan tâm và tư vấn bởi các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng:

Đầu tiên là phụ nữ mang thai: Trong thời kỳ mang thai, thể tích huyết tương và khối lượng hồng cầu tăng lên do việc sản xuất hồng cầu của người mẹ tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu của thai nhi và nhau thai.

Trong giai đoạn này, thiếu sắt có thể làm tăng nguy cơ sinh non và nhẹ cân ở trẻ. Bổ sung sắt cho bà bầu là việc cần thiết để đảm bảo sự phát triển an toàn cho cả mẹ và bé

Thứ hai là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc có mẹ bị thiếu sắt, có nguy cơ bị thiếu sắt bởi nhu cầu về sắt cao do tốc độ tăng trưởng nhanh.

Trong khi đó, trẻ đủ tháng thường có đủ lượng sắt dự trữ và cần rất ít chất sắt từ các nguồn bên ngoài cho đến 4 – 6 tháng tuổi. Do đó việc bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh là cần thiết và nên được tư vấn bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Thứ ba, phụ nữ bị chảy máu kinh nguyệt nhiều: Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị rong kinh hoặc chảy máu nhiều bất thường trong kỳ kinh nguyệt có nguy cơ thiếu sắt cao hơn.

Thứ tư, người hiến máu thường xuyên: Trong một nghiên cứu trên 2.425 người hiến máu, những người đàn ông đã hiến máu ít nhất 3 lần và phụ nữ đã hiến ít nhất 2 lần trong năm trước có nguy cơ bị cạn kiệt lượng sắt dự trữ cao hơn gấp 5 lần so với những người hiến máu lần đầu. 

Thứ năm, người mắc bị ung thư: Có tới 60% bệnh nhân ung thư ruột kết bị thiếu sắt khi chẩn đoán, có thể là do mất máu mãn tính. Trong khi đó, tỷ lệ thiếu sắt ở bệnh nhân mắc các loại ung thư khác dao động từ 29% đến 46%.

Nguyên nhân chính gây thiếu sắt ở người mắc bệnh ung thư là thiếu máu do bệnh mãn tính và thiếu máu do hóa trị. Tuy nhiên, mất máu mãn tính và thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu sắt ở nhóm đối tượng này.

Thứ sáu, người bị rối loạn tiêu hóa hoặc đã từng phẫu thuật đường tiêu hóa: Những người bị rối loạn tiêu hóa (chẳng hạn như bệnh celiac, viêm loét đại tràng và bệnh Crohn) hoặc những người đã trải qua một số phẫu thuật đường tiêu hóa (chẳng hạn như cắt dạ dày hoặc cắt bỏ ruột) có nguy cơ thiếu sắt cao hơn.

 Sự kết hợp giữa lượng sắt đưa vào thấp và lượng sắt mất đi nhiều có thể dẫn đến cân bằng sắt, giảm sản xuất huyết sắc tố hoặc thiếu máu hồng cầu nhỏ, nhược sắc.

Thứ bảy, người bị suy tim: Khoảng 60% bệnh nhân suy tim mạn tính bị thiếu sắt và 17% bị thiếu máu do thiếu sắt, điều này có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn ở nhóm đối tượng này.

 Các nguyên nhân tiềm ẩn gây thiếu sắt ở người bị suy tim bao gồm dinh dưỡng kém, kém hấp thu, khả năng dự trữ sắt kém, suy tim, sử dụng aspirin và thuốc chống đông máu đường uống, có thể dẫn đến mất máu ở đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, việc bổ sung sắt cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao cần được theo dõi và tư vấn bởi bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Đặc biệt, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến thiếu sắt hoặc thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cách bổ sung sắt an toàn và hiệu quả.

Những điều cần lưu ý khi bổ sung sắt

Theo các chuyên gia cũng y tế lưu ý việc bổ sung sắt cần chú ý đến các vấn đề sau:

Đầu tiên, lựa chọn viên bổ sung sắt phù hợp: Viên bổ sung sắt hiện nay có nhiều dạng khác nhau như viên nén, viên nang, dạng lỏng hoặc nhỏ giọt… Một số sản phẩm có thể mua không cần đơn, trong khi các loại liều cao hơn hoặc có phối hợp với thuốc khác thường được kê theo đơn.

Ba dạng sắt phổ biến trong viên uống là sắt fumarate, sắt sulfate và sắt gluconate. Mỗi loại có hàm lượng sắt nguyên tố, mức độ dung nạp khác nhau.

Sắt fumarate chứa khoảng 33% sắt nguyên tố, sắt sulfate chứa khoảng 20%, còn sắt gluconate chỉ khoảng 12%. Những người thiếu máu nặng thường được ưu tiên sử dụng các dạng có hàm lượng sắt nguyên tố cao hơn. Tuy nhiên, nồng độ sắt cao cũng đi kèm với nguy cơ tăng tác dụng phụ như buồn nôn, táo bón hoặc kích ứng đường tiêu hóa.

Một số sản phẩm bổ sung sắt còn được phối hợp với vitamin C để hỗ trợ hấp thu, hoặc acid folic nhằm thúc đẩy quá trình tạo máu. Với những người có bệnh lý tiêu hóa như viêm loét dạ dày hoặc hội chứng ruột kích thích, nên ưu tiên các dạng sắt hữu cơ (như sắt bisglycinate, sắt polymaltose) hoặc sắt lỏng, vì chúng thường dễ hấp thu, ít gây kích ứng hơn các dạng vô cơ truyền thống.

Thứ hai, bổ sung sắt đúng thời điểm để tăng hấp thu: Thời điểm uống sắt ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thu.

 Nên uống sắt khi bụng đói, thường là 1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau ăn. Tuy nhiên, nếu bị đau dạ dày hoặc buồn nôn khi uống sắt lúc đói, có thể uống sau bữa ăn nhẹ.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, không nên uống sắt cùng lúc với canxi hoặc viên đa vi chất chứa canxi vì canxi có thể làm giảm hấp thu sắt tới 40%. Nếu phải bổ sung cả hai, nên cách nhau ít nhất 2 giờ để tránh cạnh tranh hấp thu trong ruột.

Thứ ba, không lạm dụng liều cao khi bổ sung sắt: Đối với người lớn bị thiếu máu do thiếu sắt, liều điều trị thường được khuyến nghị là 50-100 mg sắt nguyên tố mỗi ngày.

 Với trẻ em, liều dùng được tính theo cân nặng, dao động từ 3-6 mg/kg thể trọng/ngày, tùy theo mức độ thiếu máu và tình trạng hấp thu. Đặc biệt, không nên tự ý tăng liều mà không có chỉ định của bác sĩ vì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là ngộ độc sắt cấp tính, có thể xảy ra khi dùng liều trên 200 mg sắt nguyên tố mỗi ngày.

Các chuyên gia cúng đưa ra khuyến cáo, để đảm bảo dùng đúng liều lượng, hãy kiểm tra lượng sắt nguyên tố được liệt kê trên nhãn sản phẩm và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh dùng quá nhiều sắt có thể gây nguy hiểm.

Thứ tư, không nên uống sắt kéo dài khi chưa xác định nguyên nhân thiếu máu: Thiếu máu có thể do nhiều nguyên nhân tiềm ẩn như: Thiếu sắt, thiếu vitamin B12, thiếu folate, mất máu mạn tính, hoặc liên quan đến các bệnh lý mạn tính như suy thận, viêm ruột, ung thư… Vì vậy, việc tự ý bổ sung sắt mà không có chẩn đoán chính xác không chỉ không mang lại hiệu quả, mà còn che lấp triệu chứng, ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán.

Trước khi điều trị, người bệnh cần được làm các xét nghiệm cần thiết để xác định chính xác loại thiếu máu đang mắc phải và từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Đặc biệt, trong trường hợp thiếu máu không bắt nguồn từ thiếu sắt, chẳng hạn do thiếu vitamin B12 hoặc do bệnh lý mạn tính, bổ sung sắt sẽ không giúp cải thiện triệu chứng. Ngược lại, sắt dư thừa có thể tích tụ trong cơ thể, làm tăng nguy cơ tổn thương gan, tim, gây rối loạn chuyển hóa.

Thứ năm, theo dõi hiệu quả điều trị và điều chỉnh liều sắt: Trong quá trình điều trị, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm máu định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để đánh giá hiệu quả điều trị cũng như tình trạng dự trữ sắt trong cơ thể, từ đó điều chỉnh liều lượng phù hợp.

Thông thường, nồng độ hemoglobin bắt đầu cải thiện sau khoảng 1-2 tuần, các triệu chứng thiếu máu như mệt mỏi, hoa mắt, khó tập trung cũng sẽ thuyên giảm.

Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần tiếp tục sử dụng viên uống bổ sung sắt trong vài tháng (thường là 3-6 tháng, thậm chí lâu hơn) để khôi phục lượng sắt dự trữ trong cơ thể. Việc tự ý ngừng điều trị quá sớm sẽ dễ dẫn đến tái phát thiếu máu.

Thứ sau, cẩn trọng khi bổ sung sắt cho phụ nữ mang thai: Nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai tăng đáng kể, đặc biệt từ tam cá nguyệt thứ hai do sự gia tăng thể tích máu, sự phát triển của thai nhi và nhau thai.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thai phụ nên bổ sung từ 30-60 mg sắt nguyên tố mỗi ngày, kết hợp với 400 mcg acid folic, nhằm phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt và dị tật ống thần kinh ở thai nhi.

Theo nghiên cứu, một số thai phụ có thể gặp tác dụng phụ như buồn nôn, khó chịu dạ dày, đặc biệt trong tam cá nguyệt đầu tiên. Khi đó, có thể chia nhỏ liều sắt trong ngày, uống sau bữa ăn hoặc vào buổi tối. Ngoài ra, lựa chọn các dạng sắt hữu cơ như sắt bisglycinate hoặc sắt polymaltose có thể giúp cải thiện khả năng dung nạp, hấp thu.

Bên cạnh đó, nên bổ sung sắt qua chế độ ăn uống từ các thực phẩm như gan động vật, thịt đỏ, cá, đậu lăng, rau bina…

Thứ bảy, chế độ ăn phối hợp giúp tăng hấp thu sắt hiệu quả: Để đạt hiệu quả tối ưu và duy trì nồng độ sắt ổn định lâu dài, cần kết hợp với một chế độ ăn khoa học, giàu dinh dưỡng như đã nói ở trên bởi sắt có trong thực phẩm động vật (sắt heme) được hấp thu dễ dàng hơn nhiều so với sắt từ thực vật (sắt non-heme).

Tuy nhiên, kết hợp thực phẩm giàu sắt thực vật với nguồn vitamin C như ớt chuông, cà chua, bưởi, cam, hoặc nước chanh có thể giúp tăng khả năng hấp thu sắt đáng kể, nhờ vai trò xúc tác của vitamin C trong việc chuyển đổi sắt non-heme sang dạng dễ hấp thu hơn. Ngược lại, một số thực phẩm và đồ uống như trà, cà phê… có thể cản trở quá trình hấp thu sắt nếu sử dụng cùng bữa ăn.

Vì vậy, tốt nhất nên tránh dùng những loại đồ uống này trong vòng 1-2 giờ trước hoặc sau khi ăn hoặc uống sắt để đảm bảo hiệu quả điều trị.

thuc-pham-giau-sat

Một số thực phẩm có khả năng bổ sung sắt cho cơ thể – ảnh minh họa

Thứ tám, lưu ý tác dụng phụ khi uống sắt và cách giảm thiểu: Tác dụng phụ thường gặp khi bổ sung sắt là táo bón, buồn nôn, khó chịu dạ dày, phân đen…

Vì vậy, việc chia làm nhiều lần hoặc dùng kèm men vi sinh để hỗ trợ tiêu hóa. Cạnh đó, uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, rau củ quả cũng giúp hạn chế táo bón do sắt gây ra.

Thứ chín, cẩn trọng khi bổ sung sắt ở người có bệnh lý nền: Bổ sung sắt ở những người có bệnh lý nền cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt trong các trường hợp như bệnh gan, rối loạn huyết sắc tố (ví dụ thalassemia) hoặc tình trạng viêm mạn tính.

Theo nghiên cứu, ở những đối tượng này, nguy cơ tích lũy sắt trong cơ thể cao hơn bình thường, do cơ chế điều hòa hấp thu và thải trừ sắt bị ảnh hưởng.

Việc dư thừa sắt có thể lắng đọng tại gan, tim, tuyến tụy, gây tổn thương và rối loạn chức năng các cơ quan này.

Ngoài ra, người mắc bệnh tim mạch hoặc đái tháo đường cũng nên được đánh giá nồng độ ferritin và chỉ số bão hòa transferrin trước khi sử dụng sắt trong thời gian dài.

Đặc biệt, một số bằng chứng cho thấy sắt dư thừa trong máu có thể liên quan đến tăng stress oxy hóa, góp phần thúc đẩy tiến trình xơ vữa động mạch và ảnh hưởng tiêu cực đến chuyển hóa lipid…

Trong khi đó, đối với người mắc thalassemia thể nhẹ, dù mức độ thiếu máu thường không nghiêm trọng, nhưng lại có nguy cơ tích lũy sắt mạn tính nếu bổ sung không kiểm soát.

Thứ mười, cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng lâu dài: Không nên tự ý bổ sung sắt dài hạn mà không có chỉ định y khoa vì có thể gây thừa sắt, ảnh hưởng đến gan và tim, đồng thời cản trở hấp thu các khoáng chất khác như kẽm, đồng, mangan…

Qua kiểm tra, các bác sĩ sẽ dựa trên các chỉ số xét nghiệm (Hb, ferritin, MCV, transferrin saturation) để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Đặc biệt, các trường hợp như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần liều riêng biệt.

Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện nguyên nhân tiềm ẩn gây thiếu sắt như chảy máu tiêu hóa, loét dạ dày, nhiễm giun móc hoặc hội chứng kém hấp thu….

Phạm Sinh 

BÀI LIÊN QUAN