Những dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim.
Nhồi máu cơ tim, hay còn gọi là đau tim, là tình trạng một phần cơ tim bị tổn thương hoặc chết do dòng máu cung cấp cho tim bị gián đoạn hoặc giảm đột ngột.
Điều này thường xảy ra khi một trong các động mạch vành (cung cấp máu cho tim) bị tắc nghẽn, thường do cục máu đông hình thành trên mảng xơ vữa. Nhồi máu cơ tim nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại nhiều hậu quả và biến chứng sau vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tim là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ, ước tính cướp đi sinh mạng của khoảng 17,9 triệu người mỗi năm trên thế giới.
Dù nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột hoặc không có cảnh báo, nhiều bệnh nhân có thể nhận thấy các tín hiệu sớm hằng giờ, ngày, tuần trước đó.
Để hạn chế bệnh nhồi máu cơ tim, Tiến sĩ Brajesh Mittal lưu ý một số dấu hiệu sau:
Thứ nhất, đau ngực thường xuyên: Khi bạn có thể cảm thấy ngực căng, bị ép hoặc bóp chặt.
Cảm giác khó chịu này thường đi kèm với khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn và có thể lan đến cánh tay, cổ, hàm, lưng, dạ dày.
Nếu bị đau ngực hoặc khó chịu kéo dài hơn vài phút, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp ngay lập tức.
Tiến sĩ Brajesh Mittal cũng lưu ý, không phải tất cả người bị nhồi máu cơ tim đều cảm thấy khó chịu ở ngực, một số người có thể chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không thấy bất thường nào.
Thứ hai, đau bụng: Hơn một nửa số cơn nhồi máu cơ tim ở cả hai giới đều liên quan đến khó chịu ở bụng.
Các triệu chứng có thể bao gồm đau bụng, buồn nôn dù bụng no hay đói hoặc cảm thấy đầy hơi. Nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim bị bỏ qua do nhầm với trào ngược axit hoặc ợ nóng.
Nếu có điều gì đó không ổn, hãy lắng nghe cơ thể và tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
Thức ba, chóng mặt: Cảm giác chóng mặt hoặc choáng váng có thể là triệu chứng của nhồi máu cơ tim. Đặc biệt, nếu chóng mặt đi kèm với khó chịu ở ngực hoặc khó thở, đó có thể là dấu hiệu nguy hiểm.
Tiến sĩ Brajesh Mittal nhấn mạnh, tình trạng này có thể do lượng máu cung cấp cho não giảm hoặc nhịp tim không đều, liên quan đến cơn nhồi máu cơ tim.
Thứ tư, đổ mồ hôi bất thường: Đổ mồ hôi quá nhiều hoặc đột nhiên toát mồ hôi lạnh ungc có thể là một dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim.
Thứ năm, nhiipj tim không đều: Nhịp tim không đều có thể là dấu hiệu của rung nhĩ, một rối loạn nhịp tim.
Bên cạnh đó, cảm giác khó thở, hụt hơi hoặc thở khò khè, ho cũng là những triệu chứng tiềm ẩn khác của nhồi máu cơ tim.
Khó thở thường đi kèm với đau ngực hoặc khó chịu, mệt mỏi, chóng mặt hoặc buồn nôn.
Hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn đang gặp vấn đề về hô hấp.
Cách phòng chống nhồi máu cơ tim:
Để giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, các chuyên gia cho rằng cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý như:
– Duy trì lối sống lành mạnh: Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát cân nặng hợp lý.
– Bỏ hút thuốc: Nếu bạn đang hút thuốc, hãy dừng ngay lập tức. Nguy cơ mắc bệnh tim có thể giảm đáng kể chỉ bằng cách bỏ thuốc lá.
– Kiểm soát bệnh nền: Dùng thuốc đúng cách và điều chỉnh lối sống để kiểm soát tốt các bệnh như tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao.
– Giảm căng thẳng: Áp dụng các phương pháp thư giãn như yoga, thiền hoặc các bài tập thở sâu để kiểm soát căng thẳng. Stress kéo dài có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, khám sức khỏe định kỳ hoặc có những dấu hiệu bất thường liên quan đến sức khỏe để các bác sĩ đánh giá sức khỏe tổng quát và xác định nguy cơ mắc bệnh về tim.
Đặc biệt, trong trường hợp khẩn cấp phải tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức vì nếu chậm trễ có thể làm tăng tổn thương cho tim. Cụ thể:
– Liên hệ ngay với dịch vụ y tế khẩn cấp.
– Khi nhân viên y tế cấp cứu đến, hãy cung cấp cho họ càng nhiều thông tin càng tốt về các triệu chứng hiện tại, tiền sử bệnh lý và bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng.