Nhiều chính sách kinh tế, xã hội quan trọng có hiệu lực từ ngày 1/7 người dân cần biết

Phạm Sinh

Phóng viên

Từ ngày 1/7/2025, hàng loạt chính sách kinh tế, xã hội quan trọng bắt đầu có hiệu lực mà người dân cần biết để đảm bảo quyền lợi của mình…

Đầu tiên, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) đến hết năm 2026:

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giảm thuế GTGT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Nghị quyết này tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hoá, dịch vụ quy định tại Luật Thuế GTGT năm 2024, trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ, gồm: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hoá và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Thứ hai, giao dịch thanh toán bằng tiền mặt sẽ không được khấu trừ thuế GTGT:

Cụ thể, từ ngày 1/7, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024 chính thức có hiệu lực, thay thế Luật Thuế GTGT năm 2008.

tien
Từ ngày 1/7 giao dịch thanh toán bằng tiền mặt sẽ không được khấu trừ thuế GTGT – ảnh minh họa

Trong đó, một trong những thay đổi quan trọng là việc siết chặt điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Cụ thể, theo Luật Thuế GTGT năm 2024, người nộp thuế được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu đáp ứng đủ các điều kiện như: có hoá đơn GTGT hoặc chứng từ nộp thuế tại khâu nhập khẩu; có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào (trừ một số trường hợp đặc biệt được Chính phủ quy định); đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu: điều kiện khấu trừ còn cần thêm hoá đơn, hợp đồng, tờ khai hải quan, chứng từ thanh toán, vận đơn…

Nói cách khác, kể từ 1/7, mọi giao dịch không phân biệt giá trị đều bắt buộc phải chuyển khoản để được khấu trừ thuế GTGT. Trừ một số trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định, đáp ứng điều kiện thì vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu thanh toán tiền mặt.

Điều này thay thế cho Luật thuế GTGT năm 2008 quy định hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng không cần có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để khấu trừ thuế GTGT.

Thứ ba, sàn thương mại điện tử (TMĐT) phải nộp thuế thay người bán:

Trước đó, theo quy định tại Nghị định số 117/2025/ND-CP về quản lý thuế đối với kinh doanh trên nền tảng TMĐT ban hành ngày 9/6, bắt đầu từ ngày 1/7, tổ chức quản lý nền tảng TMĐT trong và ngoài nước (bao gồm cả chủ sở hữu trực tiếp hoặc người được uỷ quyền) có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thuế thay cho người bán là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT.

Các sàn TMĐT phải khấu trừ và nộp thay số thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT đối với từng giao dịch. Đối tượng áp dụng bao gồm hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT phát sinh doanh thu ở trong nước.

Bên cạnh đó, nền tảng TMĐT phải khấu trừ và nộp thay số thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT đối với từng giao dịch.

Về thuế thu nhập cá nhân, sàn TMĐT phải khấu trừ và nộp thay người bán theo quy định đối với từng giao dịch. Đối tượng áp dụng bao gồm các cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, phát sinh doanh thu trong và ngoài nước; cá nhân không cư trú có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, phát sinh doanh thu trong nước.

Thứ tư, quy định mới về tham gia Bảo hiểm xã hội:

Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định ngừng giải quyết BHXH một lần cho người gia nhập hệ thống từ ngày 1/7/2025, trừ một số trường hợp quy định. Đó là người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; suy giảm khả năng lao động 81% trở lên, khuyết tật đặc biệt nặng.

Bên cạnh đó, lao động tham gia trước 1/7/2025, đóng BHXH dưới 20 năm, sau 12 tháng nghỉ việc vẫn được rút nếu có yêu cầu.

Cùng với đó, Luật BHXH mới cũng sửa đổi quy định lao động tham gia đủ 15 năm BHXH trở lên, đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng hưu trí.

Thời điểm luật có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của lao động nam đủ 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ 56 tuổi 8 tháng. Tuổi hưu sau đó tăng dần theo lộ trình cho đến khi đạt 62 với nam năm 2028 và 60 với nữ năm 2035.

Đồng thời, cũng bổ sung tầng an sinh mới dành cho người đủ 75 tuổi trở lên mà không hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; người già từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Các chế độ gồm trợ cấp hưu trí xã hội, hỗ trợ chi phí mai táng và hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) từ ngân sách Nhà nước.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội do Chính phủ quy định tùy điều kiện kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và định kỳ 3 năm một lần rà soát để điều chỉnh.

Dự kiến sẽ có thêm 700.000 người được thụ hưởng khi chính sách có hiệu lực.

Thứ năm, thêm 4 nhóm được Nhà nước hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế:

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực từ ngày 1/7 mở rộng 4 nhóm được ngân sách nhà nước chi trả tiền mua BHYT bao gồm:

– Người nhận trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng, tức là từ đủ 75 tuổi trở lên và áp dụng từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

– Nhóm đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (do thân nhân đã mất, thường là vợ/chồng), gồm người từ đủ 75 tuổi trở lên và đủ 70 đến dưới 75 thuộc hộ cận nghèo, trong khi quy định hiện hành là 80 tuổi.

– Nhóm tham gia BHXH nhưng chưa đủ 15 năm, đủ tuổi về hưu nhưng chưa đến tuổi nhận trợ cấp hưu trí mà nhận trợ cấp hàng tháng từ tiền đóng góp vào Quỹ. Đây là nhóm không có thu nhập và đối mặt với rủi ro sức khỏe cao nhất.

– Nhóm dân quân thường trực, lực lượng sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ đột xuất như phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Luật sửa đổi quy định mức đóng của các nhóm này tối đa bằng 6% mức tham chiếu và do ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Tham chiếu quy định hiện hành là 2,34 triệu đồng, tương đương mức đóng tối đa của các nhóm được hỗ trợ là 1,404 triệu đồng/người/năm.

Cuối cùng, chủ tịch xã được cấp sổ đỏ:

Theo Nghị định 151/2025 về phân cấp, phân quyền lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7, chủ tịch UBND cấp xã sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) lần đầu cho người dân.

So do
Từ ngày 1/7, chủ tịch xã được cấp sổ đỏ – ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cấp xã được cấp sổ đỏ theo phương án góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh đất đai được phê duyệt. Nhiệm vụ này trước do cấp tỉnh và huyện đảm nhiệm.

Các trường hợp cấp sổ đỏ thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh sẽ giao về xã, phường, đặc khu gồm: Cấp sổ đỏ cho tổ chức trong nước như: Cơ quan nhà nước; cơ quan Đảng; đơn vị vũ trang; Mặt trận Tổ quốc; tổ chức chính trị – xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…

Chính phủ cũng giao UBND cấp xã được xác định lại diện tích đất ở và cấp sổ đỏ trong trường hợp thửa đất có vườn, ao, đất thổ cư được cấp sổ đỏ trước ngày 1/7/2004.

Cùng với đó, hàng loạt thẩm quyền khác được chuyển giao từ cấp huyện về chủ tịch UBND cấp xã, như: Chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế; phê duyệt phương án sử dụng đất lúa của cá nhân; thu hồi đất; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt phương án cưỡng chế và kinh phí cho hoạt động cưỡng chế; quyết định giá đất cụ thể; quyết định giá bán nhà ở tái định cư trong địa bàn.

Một điểm mới nữa là chủ tịch UBND cấp xã được thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cũng như quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với cá nhân, trước đây thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.

BÀI LIÊN QUAN