Mẹ đưa tôi xem thiệp cưới, khuôn mặt bà đau khổ làm tôi ngạc nhiên. Mở ra xem, tôi càng bàng hoàng bởi tên chú rể.
Năm tôi 6 tuổi, bố mẹ ly hôn. Sau đó, bố tôi đi biệt tăm, không bao giờ về thăm tôi hay gửi cho tôi một đồng quà bánh nào. Tuổi thơ tôi chất đầy những tổn thương và căm hờn, những giọt nước mắt khi bị bạn bè chọc ghẹo, hắt hủi vì không có bố. Dù vậy, tôi vẫn mong đợi một ngày sẽ được gặp ông, một ngày ông sẽ về, thăm và gọi tôi bằng 2 từ “con gái”. Tôi tin rằng, bất cứ đứa trẻ nào có một gia đình không trọn vẹn đều sẽ có những khao khát giống tôi.
20 năm trôi qua, tôi đã trưởng thành, đủ lớn để thôi mong đợi sự trở về của bố. Mẹ tôi thỉnh thoảng cũng nhắc đến ông như một người xưa cũ và cũng như để tôi đừng lãng quên bố. Bà không đi bước nữa dù bên cạnh có nhiều người đàn ông theo đuổi. Tôi hay khuyên mẹ, nếu tìm được ai ưng ý thì cứ tái hôn cho cuộc đời đỡ đơn độc lúc về già. Bà lắc đầu, mắt nhìn xa xăm như đang hồi tưởng về điều gì đó mà tôi không nắm rõ.
Hôm qua, tôi đi chơi với nhóm bạn về. Vừa vào nhà, mẹ đã đưa tôi một cái thiệp cưới. Khuôn mặt mẹ buồn thiu, nước mắt lưng tròng. Mở ra xem, tôi bàng hoàng khi thấy tên chú rể. Là tên của bố tôi, một người đàn ông hơn 50 tuổi, giờ lại tiếp tục kết hôn và còn tổ chức đám cưới, mời tôi đến dự. Ông ghi trong thiệp là “mời con gái yêu quý” khiến tôi bật cười trong đau đớn. Thật là “yêu quý” biết bao nhiêu?
Thấy tên chú rể trong thiệp cưới, tôi bàng hoàng, đau đớn. (Ảnh minh họa)
Mẹ nói bố tôi đến đưa thiệp cưới, có hỏi xin số điện thoại của tôi. Ông ấy bảo mình sống cách đây hơn 50km thôi nhưng vì nhiều lý do mà không thể về thăm mẹ con tôi được. Hồi trước, ông cũng từng quen một người phụ nữ khác nhưng họ chung sống với nhau, không làm đám cưới. Được hơn 10 năm thì chia tay. Giờ ông quen người khác, người này đòi hỏi phải tổ chức lễ cưới đàng hoàng chứ không chịu “sống thử”. Bất đắc dĩ, ông mới làm lễ cưới lần 2 trong đời và mong tôi có mặt để chúc mừng. Mẹ bảo bố sẽ sớm gọi cho tôi thôi.
Tôi cầm thiệp cưới vứt thẳng vào sọt rác. Đến nước này thì thôi, tôi cũng chẳng cần đợi chờ ông trở về làm gì nữa. Nhưng thấy mẹ đau lòng, thấy tóc mẹ đã lấm tấm sợi bạc mà bên cạnh chẳng có ai bầu bạn, tôi lại xót xa. Lễ cưới của bố, chắc chắn tôi sẽ không tham dự. Nhưng tôi vẫn không cam tâm. Tôi có nên đến đó, làm bẽ mặt ông rồi về không?