Nhà vệ sinh công cộng giá 1 triệu USD: Hợp lý hay phung phí?

Chí Phú

Biên tập viên

Một loạt nhà vệ sinh công cộng “tương lai” vừa được lắp đặt tại các công viên New York (Mỹ) với giá tới 1 triệu USD mỗi cái, làm dấy lên tranh luận liệu đây là sự đầu tư thiết thực hay chỉ là khoản chi lãng phí?

Portland_Loos-1

Thành phố New York (Mỹ) vừa chi 5 triệu USD để lắp đặt 5 nhà vệ sinh công cộng bằng thép không gỉ tại các công viên, mỗi chiếc trị giá khoảng 1 triệu USD. 

Được mệnh danh là “Portland Loos”, những cabin nhà vệ sinh này không chỉ gây choáng ngợp bởi vẻ ngoài bóng bẩy mà còn bởi mức giá đắt đỏ, cao gấp nhiều lần giá bán lẻ vốn chỉ khoảng 185.000 USD.

Nhiều người dân New York thắc mắc vì sao thành phố lại chi ra một khoản lớn đến vậy, trong khi đây vốn chỉ là công trình vệ sinh công cộng. 

Tiv Adler, 29 tuổi, cư dân ở Bushwick, chia sẻ tại công viên Irving Square Park: “Điều đó làm tôi thấy bực bội. Tôi ước số tiền ấy được dùng cho các nguồn lực cộng đồng khác”.

Portland_Loos-2

Nhưng cũng có những người cho rằng, chuyện cấp bách như “nhu cầu sinh lý” thì phải có chỗ để giải quyết, bất kể chi phí. 

Valeria Martinez, 23 tuổi, một cư dân Astoria, dù chỉ trích dự án là “lãng phí tiền bạc”, vẫn thừa nhận: “Đến lúc cần thì cũng phải có nơi để đi chứ”.

Việc thành phố chi tiền khủng cho các nhà vệ sinh công cộng đặt ra nhiều vấn đề. 

Một mặt, đây là giải pháp trước tình trạng thiếu nghiêm trọng nhà vệ sinh công cộng tại New York. Thành phố hiện chỉ có khoảng 1.100 nhà vệ sinh cho 8,6 triệu dân, tức trung bình 7.800 người mới có một phòng vệ sinh công cộng. 

Một dự luật do Hội đồng thành phố thông qua yêu cầu chính quyền phải xây thêm ít nhất 2.120 nhà vệ sinh công cộng đến năm 2035, một nửa trong số đó thuộc sở hữu công.

Portland_Loos-3

Tuy vậy, người dân không khỏi băn khoăn về hiệu quả chi tiêu. Các nhà vệ sinh mới này còn phát sinh “chi phí phụ” như điện, nước, lát nền, khiến tổng mức đầu tư mỗi điểm lên tới 1 triệu USD.

Mike Graffiti, 27 tuổi, cư dân ở Williamsburg, nói rằng: “Một triệu nghe có vẻ hơi cao thật. Nhưng ở New York này, chuyện gì mà chẳng đắt đỏ. Chỉ là có nhiều thứ cũng cần ưu tiên hơn”.

Nhiều người còn lo ngại về tình trạng vệ sinh và an toàn. 

Elise Verstraete, 39 tuổi, sống tại Bushwick, nói: “Liệu nó có sạch sẽ không? Chúng tôi không biết. Có thể ban đêm họ khóa lại thì sẽ giữ được phần nào, nhưng rồi cũng sẽ nhanh bẩn thôi. Không nhà vệ sinh công cộng nào mà sạch sẽ được mãi cả”.

Ngoài ra, tình trạng người vô gia cư tụ tập về đêm cũng khiến công viên thường xuyên bị đóng cửa ban đêm. Điều này dấy lên câu hỏi liệu những “toilet tương lai” có thực sự phục vụ được người dân, hay rồi lại trở thành nơi khóa cửa im lìm vì sợ mất an toàn?

Portland_Loos-4

Thị trưởng Eric Adams cho rằng đây là bước quan trọng để giải quyết nhu cầu cơ bản, giúp người dân tận hưởng công viên lâu hơn mà không phải lo “chạy đi tìm toilet”. 

Ông nhấn mạnh trong thông cáo: “Thành thật mà nói, theo tiếng gọi của tự nhiên, người dân New York không nên phải cắt ngắn niềm vui chỉ vì không tìm ra chỗ đi vệ sinh”.

Dự án nằm trong chương trình thí điểm trị giá 6 triệu USD, mang tên “Ur In Luck”, khởi động từ tháng 6/2024. Thành phố dự kiến sẽ xây gần 50 nhà vệ sinh mới và cải tạo thêm 36 nhà vệ sinh cũ đến năm 2029.

Điều đáng nói là mỗi nhà vệ sinh “Portland Loo” được quảng bá rất bền bỉ, có thể dùng hàng chục năm nếu bảo trì tốt, thiết kế chống phá hoại, tường chống vẽ bậy, mái che thông thoáng để cảnh sát có thể giám sát. Thậm chí còn có bàn thay tã cho em bé, đủ tiện nghi cho mọi đối tượng.

Thế nhưng, nếu không đi kèm cam kết duy tu, vệ sinh định kỳ, những công trình bạc triệu này rất có thể sẽ nhanh chóng xuống cấp, lại khóa cửa “treo bảng cấm”, trở thành ví dụ điển hình của một thành phố chi nhiều mà không hiệu quả.

Portland_Loos-5

Chuyện xây nhà vệ sinh giá 1 triệu USD không chỉ là chuyện đắt rẻ. Nó cho thấy áp lực lớn của một siêu đô thị phải phục vụ hàng triệu người dân và khách du lịch mỗi ngày, nơi mỗi mét vuông đất đều vô giá, mọi hạng mục đều đội chi phí lên cao.

Tuy nhiên, để những nhà vệ sinh đắt đỏ này không trở thành “bài học phí”, thành phố cần minh bạch chi phí, giải trình rõ cho người dân hiểu, đồng thời duy trì quản lý, vệ sinh nghiêm ngặt để tránh lãng phí. Bởi một công trình dù tân tiến đến mấy mà đóng cửa, bỏ hoang thì cũng vô nghĩa.

BÀI LIÊN QUAN