Nguyễn Mạnh Đức – Chàng tiến sĩ trẻ mang tri thức đi xa, mang khát vọng trở về

Ánh Dương

Biên tập viên

Trong một thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ, các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và quản lý năng lượng thông minh trở thành những điểm nóng. Nguyễn Mạnh Đức, kỹ sư người Việt tại Hàn Quốc mang đến những góc nhìn đầy tâm huyết về khát vọng kết nối, phát triển công nghệ và đào tạo nhân sự chất lượng cao tại Việt Nam.

Hành trình thay đổi tư duy và bản lĩnh

Tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông tại Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2012, anh Nguyễn Mạnh Đức quyết định rẽ hướng đi du học tại Đại học Ulsan (Hàn Quốc). Bước ngoặt quan trọng trong hành trình học thuật của anh không chỉ nằm ở việc tiếp cận môi trường nghiên cứu nghiêm túc và cởi mở, mà là những chuyến đổi trong tư duy và cách nhìn nhận về tri thức khoa học.

“Khoảnh khắc khiến mình nhận ra đã chọn đúng con đường là khi cảm nhận được rõ sự thay đổi trong tư duy, điều mà mình chưa đạt được khi học phổ thông và đại học ở Việt Nam”, anh chia sẻ.

Trong môi trường quốc tế, anh không chỉ tiến xa về mặt chuyên môn mà còn xây dựng cho mình một mạng lưới học thuật đa dạng với các giáo sư, nhà nghiên cứu, kỹ sư tại Hàn Quốc và từ nhiều quốc gia khác, cũng như cộng đồng trí thức Việt toàn cầu. 

Một điều nữa khiến anh đặc biệt trân trọng hành trình du học, là sự thay đổi về bản lĩnh cá nhân. Những va vấp đã giúp anh tạo dựng được sự tự tin, linh hoạt để sẵn sàng đón nhận những khái niệm, lĩnh vực mình chưa từng tiếp cận.

Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, Mạnh Đức đầu quân cho nhiều startup trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại các trung tâm công nghệ của Hàn Quốc, hiện anh đang giữ vị trí kỹ sư tại Lucid Microsystems. Đối với anh, thiết kế IC là một hành trình gian nan nhưng xứng đáng, đòi hỏi kỹ năng về tự học, lên kế hoạch và xử lý áp lực cao.

Anh nhớ lại những dấu mốc đầu tiên trong nghề khi tham gia một dự án cải tiến sản phẩm, áp lực từ yêu cầu khắt khe về tiến độ và chất lượng đã giúp anh mài giũa kỹ năng và tinh thần. Khi đã vượt qua giai đoạn đó, anh bắt đầu được giao nhiều trách nhiệm hơn, từng bước nhìn ra bức tranh toàn diện về quy trình tạo chip hoàn chỉnh chứ không chỉ một phần chức năng riêng lẻ.

Thử thách lớn nhất theo anh không nằm ở chuyên môn mà nằm ở việc thích nghi với văn hóa và cách làm việc quốc tế. Đối với anh, việc dám tiếp nhận những nhiệm vụ chưa từng làm, những kiến thức chưa từng biết là yếu tố then chốt để bước xa trong ngành. Cách anh chọn là giữ tinh thần học hỏi, dám sai, dám sửa và luôn biết điều chỉnh bản thân để phù hợp với mục tiêu chung.

Trở lại Việt Nam trong vai trò đại biểu Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Đức xem đây là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và tham gia đề xuất giải pháp thiết thực. 

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Đức cùng các đại diện của VINK tại Lễ ra mắt Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc (BAVIK).

Dù ở đâu vẫn một lòng hướng về hành trình phát triển quê hương

Anh Nguyễn Mạnh Đức đã tham gia nhiều buổi làm việc với các đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang Hàn, cũng như các cuộc gặp gỡ, trao đổi, đóng góp ý kiến thông qua cộng đồng tri thức người Việt tại Hàn – VINK, nơi chiến lược phát triển ngành bán dẫn luôn là một chủ đề nóng. 

Anh cho biết, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi Chính phủ ban hành những chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, Quyết định 1018/QĐ-TTg nhấn mạnh các mục tiêu cụ thể đến 2030 và tầm nhìn 2050. Cụ thể bao gồm việc có 100 công ty thiết kế chip, 1 nhà máy sản xuất chip, 10 nhà máy đóng gói & kiểm thử và 50.000 kỹ sư bán dẫn.

Anh tư duy rõ về việc Việt Nam cần chủ động trong việc làm chủ quy trình và sản phẩm. Để hiện thực hoá điều đó, không thể thiếu vai trò của các ông lớn trong ngành như Viettel, FPT, Vingroup… trong việc dẫn dắt hệ sinh thái, đặc biệt là cung cấp hạ tầng, tạo động lực cho việc phát triển bền vững hệ sinh thái bán dẫn trong nước. 

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Đức tham dự buổi gặp gỡ với Bộ Khoa học và Công nghệ ở Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Đức cũng đặc biệt quan tâm đến Nghị quyết 59-NQ/TW, trong đó đề cập đến vấn đề hội nhập quốc tế trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với góc nhìn của một kỹ sư IC đang làm việc tại một trong những trung tâm bán dẫn hàng đầu thế giới, anh cho rằng Nghị quyết 59 là định hướng lớn để Việt Nam tăng tốc hội nhập, tận dụng nguồn lực chất lượng cao và kết nối hiệu quả hơn với chuỗi giá trị toàn cầu. 

Theo anh, các kỹ sư Việt đang làm việc ở nước ngoài, trong đó có anh, hoàn toàn có thể đóng góp cụ thể. Từ hỗ trợ các nhóm thiết kế chip Việt tiếp cận chương trình quốc tế, phối hợp với trường đại học hoặc doanh nghiệp Hàn chia sẻ dữ liệu, đến giới thiệu chuyên gia, tạo cầu nối cho các dự án, thậm chí hỗ trợ chi phí.

Anh đưa ra thông điệp rằng, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái đào tạo đồng bộ hơn, đẩy mạnh hợp tác giữa đại học – doanh nghiệp – chuyên gia quốc tế, đặc biệt là tạo điều kiện cho các sáng kiến đổi mới được thử nghiệm và thương mại hóa nhanh chóng.

Dù đang xây dựng sự nghiệp ở nước ngoài nhưng Tiến sĩ Đức vẫn theo dõi sát các hoạt động của ngành bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt từ các đơn vị như Viettel và FPT. Đây là những doanh nghiệp anh đánh giá là đóng vai trò chủ lực trong hệ sinh thái công nghệ. 

Anh mong rằng trong tương lai, sẽ có thêm những công ty lớn như VNPT, Vingroup tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực bán dẫn, không chỉ bằng đầu tư mà còn bằng cách đưa ra các bài toán công nghệ cụ thể nhằm thúc đẩy sự hoàn thiện của của các startup trong nước. 

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Đức cùng các đại diện của VINK.

Ngoài ra, anh vẫn duy trì mối liên kết với bạn bè trong ngành, đồng thời tham gia các cuộc trao đổi cùng với mạng lưới VINK và các trường đại học lớn tại Việt Nam để nắm bắt xu hướng và tìm hướng đóng góp phù hợp.

Về kế hoạch dài hạn, anh Nguyễn Mạnh Đức cũng cho biết bản thân luôn cân nhắc khả năng tham gia sâu hơn vào quá trình phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam: “Về cá nhân mình, cũng có thể là sắp hoặc trong tương lai khi điều kiện phù hợp, có thể tham gia lập công ty fabless start-up, tham gia xây dựng viện nghiên cứu bán dẫn, hoặc mở chi nhánh cho công ty nước ngoài tại Việt Nam hoặc ngược lại, mở chi nhánh ở Hàn Quốc, cho công ty hoặc có vốn từ Việt Nam.”

Đây không chỉ là mục tiêu cá nhân, mà còn là một phần trong mong muốn lâu dài của anh, là đưa những kinh nghiệm quốc tế tích lũy được trở về phục vụ ngành công nghệ cao của quê hương.

Việt Nam cần chủ động trong “cuộc chơi công nghệ” toàn cầu

Trong bối cảnh AI đang thâm nhập mọi ngành nghề, Tiến sĩ Đức nhận định đây là cơ hội vàng để Việt Nam rút ngắn khoảng cách công nghệ nếu biết chủ động ứng dụng và tham gia vào tiến trình toàn cầu. 

Anh khẳng định rằng bên cạnh cơ hội, việc phát triển AI cũng kéo theo trách nhiệm rất lớn về đạo đức, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát rủi ro, những vấn đề này cần được đặt ở tầm luật pháp quốc gia chứ không chỉ dừng lại ở cấp khuyến nghị kỹ thuật.

Anh cho rằng nếu Việt Nam xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng và đồng thời thúc đẩy đào tạo nhân lực AI có nền tảng tốt, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị AI khu vực.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Đức cùng đoàn đại biểu trong buổi gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Khi được hỏi về mong muốn hợp tác, anh Đức khẳng định anh luôn tích cực giao lưu trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước, xem việc duy trì mạng lưới tri thức là một ưu tiên hàng đầu. 

Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần này, anh tham gia nhóm chuyên đề về phát triển bền vững. Với anh, đây không chỉ là định hướng nhất thời mà là nguyên tắc cần có trong mọi lĩnh vực, đặc biệt với ngành công nghệ lõi như bán dẫn. 

Không chỉ dừng ở các ý tưởng, anh hiện đang cùng Giáo sư Nguyễn Xuân Trường (ĐHQG Seoul), cũng là một đại biểu của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, tham gia xây dựng Viện Công nghệ Bán dẫn Văn Lang (VIST) tại Việt Nam. 

Dự án này kỳ vọng trở thành một trung tâm thu nhỏ để nghiên cứu và chia sẻ tri thức về công nghệ bán dẫn hệ thống cho các ứng dụng AI. Viện cũng sẽ là cầu nối để đào tạo nhân lực, thương mại hóa ý tưởng, giúp đỡ tape-out (giai đoạn cuối cùng của quá trình thiết kế, khi dữ liệu thiết kế cuối cùng được gửi đi để sản xuất) cũng như hợp tác song phương giữa Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực này.

Từ chính kinh nghiệm của mình, anh cũng gửi gắm lời khuyên đến các bạn sinh viên Việt Nam muốn theo đuổi ngành bán dẫn, thiết kế IC như anh, đặc biệt nếu có ý định phát triển sự nghiệp ở môi trường quốc tế.

“Chuẩn bị tốt về tiếng Anh là điều bắt buộc. Nhưng ngoài ngôn ngữ, các bạn cũng nên tìm hiểu văn hóa, lịch sử và con người của những nước có nền công nghiệp bán dẫn mạnh như Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan (Trung Quốc). Đã xác định làm quốc tế nên rèn luyện tư duy và suy nghĩ theo hướng mở, dễ hòa nhập, tránh cái tôi trong tính cách”, nam tiến sĩ chia sẻ.

Anh cũng lưu ý rằng, ngành bán dẫn không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn là một hành trình dài hơi, cần ý chí và sức bền. Việc giữ gìn sức khỏe và xây dựng hình ảnh cá nhân chỉn chu cũng rất quan trọng, bởi đó là nền tảng để đi đường dài, không chỉ trong nghề nghiệp mà cả trong cuộc sống.

Với tinh thần cầu tiến, tư duy cởi mở và khát vọng đóng góp, Nguyễn Mạnh Đức không chỉ là một kỹ sư IC thành công tại nước ngoài, mà còn là một nhịp cầu kết nối tri thức toàn cầu với Việt Nam, một đại diện tiêu biểu của thế hệ trí thức trẻ sẵn sàng cống hiến cho tương lai công nghệ đất nước.

BÀI LIÊN QUAN