Theo Sohu, Trung Quốc gần đây ghi nhận làn sóng lo ngại về nguy cơ cháy nổ liên quan đến sạc dự phòng, sau khi các thương hiệu nội địa lớn như Romoss, Anker Innovation… đồng loạt thông báo thu hồi hơn 1,2 triệu thiết bị do lỗi lõi pin tiềm ẩn nguy cơ tự cháy.
Cùng thời điểm, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc ra quy định mới cấm hành khách mang sạc dự phòng không có chứng nhận 3C (CCC – tiêu chuẩn an toàn bắt buộc) hoặc nhãn mác không rõ ràng, thiết bị nằm trong diện thu hồi lên máy bay nội địa từ ngày 28/6/2025.
Lo ngại an toàn về sạc dự phòng không có chứng nhận 3C không phải chuyện thiếu cơ sở. Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người dùng đăng tải tình trạng sạc dự phòng các thương hiệu như Romoss bị phồng, quá nóng bất thường hoặc hiển thị dung lượng pin ảo (báo đầy pin nhưng không thể sạc).
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Hàng không Dân dụng Trung Quốc, chỉ riêng nửa đầu năm 2025, nước này ghi nhận 15 vụ cháy nổ sạc dự phòng trên máy bay, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ lỗi lõi pin, gây ra tình trạng tự cháy.
Lo nhưng khó xử lý
Tuy nhiên, khi người tiêu dùng muốn hưởng ứng thu hồi hoặc vì lo ngại an toàn mà gửi trả các thiết bị không đạt chuẩn, họ lại vướng phải “nút thắt” trong khâu vận chuyển.
Tại thành phố Hàng Châu, bà Wang, người mua mẫu Anker A1681 nằm trong danh sách thu hồi, cho biết dù hãng gửi túi chống nổ và hẹn lấy hàng tận nơi, nhân viên giao hàng đến rồi lại từ chối nhận đơn với lý do “sạc dự phòng là hàng cấm gửi”. Sau đó, bà liên hệ nhiều hãng chuyển phát khác cũng đều bị từ chối.
Nhiều hãng vận chuyển lớn như SF Express, STO, YTO, ZTO, Yunda, China Post và JD Logistics khẳng định không thể gửi sạc dự phòng. Có hãng chấp nhận vận chuyển nhưng với điều kiện rất nghiêm ngặt: dung lượng không quá 20.000mAh, không hư hỏng, không thuộc diện thu hồi, có nhãn chứng nhận 3C rõ ràng.
Một số hãng lại đưa ra phương án xử lý đáng lo ngại: nếu không gửi được, khách có thể tự ngâm thiết bị vào nước muối 24 giờ, chụp ảnh gửi lên rồi mới được hoàn tiền.
Trả lời tờ Pháp Trị Nhật Báo, bộ phận chăm sóc khách hàng của Romoss và Anker xác nhận phương án trên “đúng theo hướng dẫn nội bộ”, nếu nằm trong diện thu hồi mà không thể gửi, khách có thể tự xử lý vô hại rồi đăng ký hoàn tiền.
Tuy vậy, phương pháp lập tức vấp phải chỉ trích với hai luận điểm chính:
Thứ nhất, chuyển gánh nặng môi trường cho người dùng. Sau khi ngâm nước muối, pin lithium vẫn là rác thải nguy hiểm. Nước muối chứa kim loại nặng nếu xả trực tiếp xuống cống sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Việc xử lý nên do doanh nghiệp chịu trách nhiệm qua kênh chuyên nghiệp.
Thứ hai, xem nhẹ an toàn người tiêu dùng. Người dùng thiếu kiến thức và thiết bị bảo hộ, có thể gặp rủi ro rò điện, chập mạch, thậm chí cháy nổ khi thao tác.
Một số chuyên gia trong ngành thừa nhận hiện nay việc thu gom và xử lý pin lithium nhỏ như sạc dự phòng vẫn chưa có hệ thống quy chuẩn đầy đủ.
Không thể trả hàng, xử lý tại nhà lại đầy rủi ro, hàng triệu sạc dự phòng lỗi trở thành “quả bom hẹn giờ” bên cạnh người tiêu dùng.
Phó giáo sư Vương Kỳ, Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, cảnh báo: “Nếu vứt những thiết bị này như rác thải sinh hoạt, trong quá trình nén rác, lõi pin có thể chập điện gây cháy. Ngoài ra, các kim loại nặng như cobalt, lithium, nickel… từ pin thải có thể thẩm thấu xuống đất và nước ngầm, gây ô nhiễm nghiêm trọng”.
Tuy vậy, hệ thống thu gom sạc dự phòng không có chứng nhận 3C ở Trung Quốc hiện vẫn chưa hoàn chỉnh.
“Các chương trình thu hồi của doanh nghiệp chỉ áp dụng cho một số mẫu cụ thể, trong khi hàng loạt sản phẩm không có chứng nhận hoặc có nguy cơ khác lại không có kênh xử lý. Địa điểm thu gom rác độc hại trong khu dân cư còn ít, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ”, ông Dương Thượng Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công pháp tại Đại học Luật Tây Nam, cho biết: “Hệ thống phân loại và xử lý sau đó cũng còn yếu. Các doanh nghiệp tái chế chuyên nghiệp lại gặp khó khăn do người dân chưa có thói quen phân loại rác điện tử, sản lượng thu gom ít, chi phí xử lý cao”.
Theo ông Dương, cốt lõi vấn đề là thiếu hệ thống thu hồi hiệu quả và doanh nghiệp với tư cách chủ thể sản xuất, chưa chủ động xây dựng hệ thống thu hồi trách nhiệm.
Bất chấp những cảnh báo về an toàn, nhiều người bán đã “hô biến” những lô sạc dự phòng tồn kho thành “hộp mù” hấp dẫn trên các nền tảng thương mại điện tử đồ cũ. Những sản phẩm này thuộc nhiều thương hiệu và có chất lượng khác nhau, được đóng gói trong thiết kế hộp giống nhau, cùng quảng cáo là “hàng thu giữ ở sân bay”, giá bán rất rẻ chỉ 10 – 30 nhân dân tệ (36.000 – 109.000 đồng), thậm chí có loại bạn theo cân với giá từ 7 tệ/kg (khoảng 25.000 đồng).
Tuy nhiên, giới chức hàng không Trung Quốc khẳng định các thiết bị bị thu giữ tại sân bay sẽ được tiêu hủy hoặc chuyển giao cho đơn vị xử lý, không quay lại thị trường. Trên thực tế, nhiều người bán lợi dụng tâm lý thích đồ rẻ để đẩy hàng tồn, hàng lỗi, thậm chí không rõ nguồn gốc.
Người mua sau đó liên tục phản ánh tình trạng sạc ảo, sạc chậm, bị phồng nhẹ… nhưng gần như không thể khiếu nại vì người bán ghi rõ “không nhận đổi trả”, hoặc bỗng dưng xóa tài khoản, “biến mất”.
Giải pháp để đảm bảo an toàn
Trước hàng loạt vấn đề về an toàn, xử lý, tái chế và giám sát thị trường, các chuyên gia Trung Quốc kêu gọi trong nước cần sự phối hợp từ chính quyền, doanh nghiệp, nền tảng thương mại, sân bay…
Theo Phó giáo sư Vương Kỳ, nhà sản xuất phải là bên chịu trách nhiệm chính với sản phẩm lỗi, chịu toàn bộ chi phí thu hồi, chủ động xây dựng mạng lưới thu hồi đa kênh như qua cửa hàng, trung tâm dịch vụ… và đảm bảo xử lý vô hại. Quy trình thu hồi cần cải tiến để người dùng dễ hoàn trả, không thể “đá quả bóng trách nhiệm” cho người tiêu dùng với giải pháp như “ngâm nước muối”.
Sân bay cần cải thiện dịch vụ. Cho phép hành khách lưu ký sạc dự phòng không đạt chuẩn, phối hợp mở tuyến vận chuyển hàng hóa đường bộ an toàn cho các thiết bị bị thu giữ, đồng thời lắp thêm trạm sạc chia sẻ để giảm nhu cầu mang thiết bị cá nhân.
Ông Dương Thượng Đông bổ sung rằng chính quyền cần tăng cường giám sát và định hướng, sớm hoàn thiện luật tái chế pin nhỏ, hỗ trợ tài chính cho các đơn vị tái chế chuyên nghiệp, công bố rõ ràng quy định xử lý – tra cứu sạc dự phòng hợp lệ qua kênh chính thống, buộc doanh nghiệp sản xuất xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, nền tảng thương mại cần siết kiểm duyệt. Các nền tảng đồ cũ phải yêu cầu người bán cung cấp chứng nhận 3C cho sạc dự phòng, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới.
Ngoài ra, cần xây dựng mạng lưới tái chế hiệu quả, kết hợp cả online và offline, như tích hợp trên ví điện tử, liên kết với cửa hàng tiện lợi, bưu cục để đặt điểm thu gom, do đơn vị chuyên nghiệp định kỳ thu dọn.
Người dùng cũng nên ngưng sử dụng sạc không có chứng nhận hoặc nghi ngờ lỗi, ưu tiên liên hệ hãng chính thức để xử lý, tránh vứt bừa hay mua hàng trôi nổi giá rẻ, đồng thời chủ động báo cáo nếu phát hiện vi phạm.