Người trẻ và sứ mệnh giữ hồn văn hoá dân tộc trong kỷ nguyên số

Kiều Giang

Phóng viên

Trong thời đại mà chỉ với một cú chạm tay, chúng ta có thể kết nối với cả thế giới, sự hiện diện của những giá trị văn hóa truyền thống đối mặt với nguy cơ bi mai một. Thế nhưng, cũng chính trong bối cảnh đó, thế hệ trẻ – với tri thức, tình yêu cội nguồn và khả năng làm chủ công nghệ, đang trở thành lực lượng quan trọng trong công cuộc gìn giữ và hồi sinh bản sắc văn hoá dân tộc.

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để giữ hồn văn hoá truyền thống. Ảnh: NVN
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để giữ hồn văn hoá truyền thống. Ảnh: NVN

Bản sắc văn hóa quan trọng thế nào với người trẻ?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ, người trẻ Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội để học hỏi, tiếp cận với tri thức và văn hóa nhân loại.

Tuy nhiên, chính sự cởi mở ấy cũng kéo theo một thách thức không nhỏ: nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh các xu hướng toàn cầu ngày càng len lỏi nhanh chóng vào đời sống, nếu thiếu ý thức gìn giữ cội nguồn, giới trẻ rất dễ rơi vào tình trạng xa rời cộng đồng nơi mình sinh sống – xa lạ, thậm chí thờ ơ với những giá trị văn hóa mà cha ông đã dày công vun đắp.

Trong bức tranh phát triển của đất nước, bản sắc văn hóa dân tộc chính là nền tảng tinh thần, là phần “gốc rễ” không thể thay thế. Giới trẻ – lực lượng chủ đạo trong xây dựng tương lai – cần hiểu rằng: giữ gìn bản sắc không phải là giữ lấy những điều cũ kỹ, mà là giữ lấy những giá trị cốt lõi làm nên bản lĩnh và bản chất của một dân tộc.

Đó là tiếng nói mẹ đẻ, là trang phục truyền thống, là phong tục tập quán, là lối sống, tín ngưỡng và những di sản phi vật thể hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử. Những giá trị này không chỉ tạo nên sự khác biệt, mà còn là điểm tựa để người trẻ phát triển một cách tự tin trong thế giới nhiều biến động.

Việc gìn giữ bản sắc văn hóa còn giúp người trẻ nhận diện được chính mình trong cộng đồng đa văn hóa, từ đó xây dựng bản lĩnh cá nhân và lòng tự hào dân tộc.

Ở một góc nhìn sâu xa hơn, bản sắc văn hóa còn là mối dây liên kết giữa các thế hệ. Khi người trẻ trân trọng văn hóa truyền thống, họ không chỉ giữ được kết nối với quá khứ, mà còn có khả năng truyền cảm hứng cho tương lai. 

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ở một góc nhìn sâu hơn, cũng chính là giữ gìn bản sắc cá nhân. Bởi mỗi con người sinh ra không chỉ mang danh tính riêng, mà còn mang trong mình một phần hồn cốt dân tộc – thể hiện qua ngôn ngữ, tập quán, lối sống, cách cảm thụ cái đẹp…

Một cá nhân biết mình thuộc về đâu sẽ có gốc rễ tinh thần để đứng vững giữa thế giới đa dạng và nhiều biến động. Những người trẻ biết trân trọng và gìn giữ bản sắc sẽ không bị cuốn trôi trong cơn lốc kết nối, số hóa, mạng xã hội… Họ sẽ bình tâm trước mọi thay đổi – bởi trong họ luôn có một nền tảng văn hóa làm điểm tựa.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là một trách nhiệm, mà còn là nhu cầu tự thân của mỗi người trẻ khi khao khát khẳng định mình giữa thế giới rộng lớn. Một dân tộc mạnh là dân tộc có những người trẻ hiểu rõ mình là ai, đến từ đâu – và tự hào vì điều đó.

Công nghệ số “chắp cánh” cho văn hóa truyền thống

Bìa sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX. Ảnh: Phụ nữ online
Bìa sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX. Ảnh: Phụ nữ online

Thời gian gần đây, nhiều người trẻ đã chủ động quay trở về với văn hóa dân tộc,  không phải sao chép nguyên trạng, mà bằng việc ứng dụng công nghệ và nội dung số để sáng tạo, làm mới, kết nối giá trị truyền thống với hơi thở đương đại.

Nếu như trước đây, việc gìn giữ văn hóa thường gắn liền với bảo tàng, sách vở hay các chương trình truyền hình đặc thù, thì ngày nay, thế giới số mở ra một không gian mới cho văn hóa truyền thống được sống lại, lan tỏa và biến hóa đầy sức sống.

Một trong những ví dụ tiêu biểu là họa sĩ – giảng viên Trần Minh Nhựt, người đã bỏ ra hơn sáu năm miệt mài nghiên cứu, truy tìm rồi đưa bộ tranh minh họa trang phục cung đình triều Nguyễn trở về Việt Nam qua cuốn sách “Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX”.

Bộ tranh mang tên Grande Tenue de la Cour d’Annam, gồm 54 bức vẽ màu nước, được họa sĩ Nguyễn Văn Nhân thực hiện vào tháng 12/1902 dưới triều vua Thành Thái.

Trong hành trình đó, Trần Minh Nhựt đã kết nối với Phòng Trưng bày Quốc gia Singapore để tiếp cận bản scan kỹ thuật số sắc nét vào năm 2021 – quả là kỳ công khi tác phẩm này đã lưu lạc nước ngoài hơn 120 năm.

Việc ứng dụng công nghệ số và mạng xã hội đã giúp anh phục dựng, giải mã và phổ biến tư liệu quý này, đưa trang phục triều Nguyễn đến gần công chúng hơn – tạo cú hích để văn hóa truyền thống được tiếp nhận dưới góc nhìn hiện đại và đa chiều.

Không chỉ dừng lại ở việc phục dựng, nhiều bạn trẻ ngày nay còn sử dụng công nghệ như một cầu nối để đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với công chúng. Tại đình Tiền Lệ (Hà Nội) – một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia – một nhóm bạn trẻ đã tiến hành số hóa toàn bộ không gian di tích, lưu trữ dữ liệu 3D phục vụ công tác trùng tu và quảng bá trên các nền tảng số.

Đặc biệt, chiếc hương án thời Hậu Lê từng bị cháy rụi cũng được tái hiện bằng công nghệ 3D, tạo nên một phiên bản “ảo” sống động, giúp thế hệ sau có thể hình dung và cảm nhận rõ nét hơn về giá trị văn hóa xưa.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ còn tổ chức các dự án sáng tạo văn hóa trên nền tảng số như làm vlog trải nghiệm lễ hội truyền thống, thiết kế trò chơi dân gian trên ứng dụng điện thoại, hay mở lớp dạy múa dân gian, học chữ Nôm online…

Một số nhóm khởi nghiệp còn phát triển các sản phẩm thời trang ứng dụng họa tiết truyền thống, kết hợp cùng công nghệ in hiện đại, vừa tôn vinh giá trị văn hóa vừa tạo ra sản phẩm thương mại có giá trị cao.

Ở không gian mạng, tinh thần gìn giữ văn hóa cũng được thể hiện theo cách gần gũi, mới mẻ. Những tài khoản TikTok, YouTube, Instagram chuyên kể chuyện xưa, nấu món truyền thống hay giới thiệu nét đẹp dân gian đang ngày càng thu hút người trẻ.

Điều đáng quý là các nội dung ấy không khô cứng mà mang hơi thở đời sống hiện đại – gần gũi, vui nhộn và dễ cảm – khiến văn hóa truyền thống trở nên “thân thiện” hơn với thế hệ Gen Z.

Có thể kể đến những cái tên tiêu biểu như Vũ Thị Quỳnh Trang – cô gái Hà Nội tạo dấu ấn với kênh TikTok kể chuyện dân gian bằng hoạt họa, mỗi video thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Hay Nguyễn Đình Huy, 9X xứ Huế đã phát triển ứng dụng “Dạo Cố Đô”, giúp người dùng khám phá di tích Huế bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR) ngay trên điện thoại thông minh.

Có thể thấy, công nghệ và sự sáng tạo của người trẻ đang mở ra một cánh cửa mới để văn hóa truyền thống không chỉ tồn tại, mà còn hiện diện sống động trong đời sống hiện đại.

Tuy nhiên, không phải cứ làm mới là giữ gìn. Việc cách tân, nếu thiếu hiểu biết, rất dễ khiến văn hóa bị bóp méo, thậm chí đánh mất tinh thần cốt lõi.

Bởi vậy, để bản sắc dân tộc thực sự “sống” trong thời đại số, người trẻ – bên cạnh sự sáng tạo và nhiệt huyết – cần được trang bị nền tảng vững chắc về kiến thức lịch sử, văn hóa… Chỉ khi đó, những giá trị xưa cũ mới có thể được gìn giữ, lan tỏa và tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong thời đại số.

BÀI LIÊN QUAN