Người trẻ thiếu định hướng nghề nghiệp: Thách thức mang tính thời đại

Kiều Giang

Phóng viên

Khi cánh cửa phổ thông dần khép lại, cũng là lúc hàng triệu học sinh trên khắp thế giới phải đối mặt với một trong những quyết định quan trọng nhất đời mình: chọn ngành, chọn nghề, chọn đường đi tương lai.
Ảnh: Anh Tuấn (Znews)

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố vào tháng 7/2025, gần 40% học sinh 15 tuổi trên toàn cầu không có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp – một con số khiến các nhà hoạch định chính sách không khỏi lo ngại.

Đây không chỉ là câu chuyện cá nhân của từng học sinh, mà còn là dấu hiệu cho thấy sự thiếu kết nối giữa hệ thống giáo dục và thị trường lao động – một khoảng trống mà cả thế giới cần chung tay thu hẹp.

 Khi người trẻ lúng túng giữa ngã ba đường

Báo cáo “Tình trạng Chuẩn bị Nghề nghiệp Toàn cầu cho Thanh thiếu niên” (OECD, 2025) khảo sát gần 700.000 học sinh tại 81 quốc gia, đưa ra những dữ liệu khiến ai cũng phải suy ngẫm:

  • 39% học sinh 15 tuổi chưa xác định được nghề nghiệp mong muốn.
  • 21% mong muốn làm các nghề cao cấp (bác sĩ, luật sư, kỹ sư…) nhưng không có kế hoạch học tập phù hợp.
  • 33% cho rằng nhà trường không cung cấp đủ kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn.

Những con số này phản ánh một thực trạng: dù học lực tốt, nhiều học sinh vẫn thiếu năng lực định hướng nghề nghiệp, dễ rơi vào trạng thái hoang mang, chọn ngành theo cảm tính hoặc xu hướng.

Vì sao học sinh dễ… chọn sai?

Thiếu trải nghiệm thực tế

Theo OECD, chỉ 35% học sinh từng tham gia hội chợ nghề, và chưa đến một nửa từng tham quan nơi làm việc hoặc trò chuyện với người làm nghề. Việc thiếu tiếp xúc thực tiễn khiến lựa chọn nghề nghiệp của nhiều bạn trẻ chỉ dựa trên tưởng tượng hoặc lời người lớn – dễ dẫn tới những quyết định sai lầm, chọn ngành vì “nghe hay”, “oách” hay “bố mẹ bảo thế”.

Tham vọng chịu ảnh hưởng từ hoàn cảnh

Tham vọng nghề nghiệp của học sinh không chỉ phụ thuộc vào năng lực cá nhân, mà bị chi phối mạnh bởi điều kiện gia đình. Học sinh từ hộ nghèo thường đặt mục tiêu thấp hơn, chọn ngành ít cạnh tranh, ít rủi ro hơn.

Trong khi đó, học sinh đến từ các gia đình khá giả có xu hướng dám mơ lớn và tự tin chọn những ngành khó – bởi họ có “vốn xã hội”: sự hỗ trợ, thông tin, và niềm tin vào khả năng thành công.

Quá nhiều thông tin, nhưng thiếu người dẫn đường

Thế hệ Gen Z có trong tay cả thế giới thông tin nhờ Internet, nhưng điều đó đôi khi khiến họ choáng ngợp và càng hoang mang. Nhiều bạn chọn nghề theo trào lưu hoặc “tên ngành sang trọng”. Hơn 50% học sinh chỉ tập trung vào 10 ngành hot, bỏ qua những lĩnh vực tiềm năng khác như điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, logistics, công nghệ xanh…

“Biết quá nhiều, mà không biết mình hợp gì” – đó là nghịch lý lớn nhất của người trẻ thời nay.

“Chọn con tim hay là nghe lý trí”: Những băn khoăn của người trẻ Việt

Tại Việt Nam, những băn khoăn trong việc chọn nghề cũng là điều phổ biến. Nhiều bạn trẻ chỉ thực sự hiểu mình thích gì, phù hợp với ngành nghề nào sau một thời gian va vấp với thực tế học tập hoặc công việc.

Nguyễn Minh Anh (22 tuổi, sinh viên ngành Thiết kế đồ họa) từng theo học Kinh tế theo lời khuyên của bố mẹ. Nhưng chỉ sau một năm, cô nhận ra mình không hề có hứng thú với những con số hay nguyên lý thị trường.

“Mình học cũng tạm ổn, nhưng không thấy vui. Quyết định chuyển sang Thiết kế đồ họa vì đó mới là thứ khiến mình hứng khởi mỗi ngày. Khi được học, được vẽ, mình mới cảm thấy sống đúng với bản thân,” Minh Anh chia sẻ.

Với nhiều người trẻ, lựa chọn nghề nghiệp ban đầu đôi khi chỉ là sự tính toán dựa trên hoàn cảnh: ngành dễ xin việc, thu nhập ổn định, hay đơn giản là theo truyền thống gia đình. Không ít người phải tạm gác đam mê sang một bên vì cho rằng “thực tế mới quan trọng”.

Hoàng Nam (24 tuổi, kỹ sư phần mềm) kể:

“Mình mê âm nhạc từ nhỏ, nhưng đến lúc chọn ngành, mình vẫn quyết định học Công nghệ thông tin vì thấy ngành này đang hot, dễ kiếm việc, thu nhập cao. Mình nghĩ, khi công việc đã ổn định, mình sẽ đầu tư cho âm nhạc như một phần thưởng.”

Trong khi đó, Thu Trang (21 tuổi, sinh viên ngành Truyền thông) lại mang trong mình một nỗi trăn trở không hề hiếm gặp ở nhiều bạn trẻ Việt Nam: đứng giữa kỳ vọng của gia đình và mong muốn cá nhân.

“Bố mẹ mình muốn mình học Kế toán vì đó là nghề ‘có đầu ra’. Nhưng mình thích sáng tạo, thích giao tiếp, làm nội dung – nên muốn học Truyền thông hơn. Thực sự mình rất phân vân: nên nghe lời bố mẹ hay theo sở thích của bản thân, vì lỡ sau này ngành mình chọn không tìm được công việc ổn định thì sao.”

Nỗi băn khoăn ấy phản ánh một thực tế chung của rất nhiều người trẻ: khi thiếu kinh nghiệm sống, thiếu cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp thực tế và thiếu cả kiến thức chọn ngành, chọn nghề – việc đưa ra một quyết định đúng đắn trở nên vô cùng áp lực.

Ở độ tuổi đôi mươi, phần lớn bạn trẻ vẫn đang trong hành trình khám phá bản thân. Họ có thể cảm thấy “mình thích cái này”, nhưng lại chưa chắc chắn “liệu mình có đủ giỏi để theo đuổi nó không” – nhất là khi giấc mơ ấy đi ngược lại với kỳ vọng của gia đình, hay không nằm trong những nghề nghiệp được coi là “an toàn, dễ xin việc”.

Giữa vô vàn thông tin trái chiều, lời khuyên từ người lớn, bạn bè và mạng xã hội, nhiều bạn cảm thấy lạc lối giữa hai ngả đường: chọn con tim hay nghe theo lý trí. Và đôi khi, không có đáp án nào là hoàn hảo. Chỉ là, bạn có đủ dũng khí để bước đi và điều chỉnh sau mỗi lựa chọn hay không.

Những thay đổi cấp thiết: Hướng nghiệp không thể làm qua loa

Trở lại với cáo của OECD – không chỉ chỉ ra thực trạng đáng báo động, OECD còn đưa ra hàng loạt khuyến nghị cụ thể để giúp người trẻ định hướng nghề nghiệp đúng đắn; và sâu xa hơn, để thu hẹp khoảng cách giữa trường học và đời sống lao động thực tế. Những khuyến nghị đó là:

 Bắt đầu hướng nghiệp từ sớm

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất là: định hướng nghề nghiệp cần được triển khai từ sớm, lý tưởng là ngay từ bậc trung học cơ sở, thay vì chờ đến năm cuối cấp 3 mới “chạy nước rút”.

Khi học sinh được tiếp cận sớm với thông tin nghề nghiệp, các em sẽ có thời gian tìm hiểu, trải nghiệm và điều chỉnh kế hoạch học tập phù hợp hơn với năng lực và mục tiêu cá nhân. 

Gắn lý thuyết với trải nghiệm thực tế

OECD nhấn mạnh vai trò của các hoạt động thực tiễn như: tham quan doanh nghiệp, hội chợ nghề, thực tập ngắn hạn, hoặc giao lưu với người làm nghề thật. Đây là những cơ hội quan trọng giúp học sinh hiểu rõ hơn bản chất công việc – từ đó không lựa chọn nghề chỉ vì “nghe tên hay” hay “được điểm cao là đủ”.

Thực tế cho thấy, nhiều học sinh sau khi đến thực tập tại doanh nghiệp mới vỡ lẽ rằng công việc mơ ước không hề giống như mình tưởng. Việc va chạm thực tế giúp các em ra quyết định chính xác và trưởng thành hơn trong suy nghĩ nghề nghiệp.

Giáo viên và cố vấn học đường phải được đào tạo đúng vai

Để hướng nghiệp hiệu quả, giáo viên không thể chỉ giảng dạy kiến thức mà còn cần trở thành người dẫn đường. OECD đề xuất đào tạo bài bản cho đội ngũ cố vấn học đường – những người có đủ kỹ năng để lắng nghe, phân tích, và giúp học sinh hiểu rõ hơn về chính mình, cũng như thị trường việc làm.

 Ở nhiều nước phát triển, vai trò của “career counselor” (cố vấn nghề nghiệp) đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục.

 Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp

Một trong những điểm then chốt là: kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp cần được tăng cường, để học sinh có thể tiếp cận sớm với các xu hướng nghề nghiệp, kỹ năng đang được thị trường yêu cầu, và các cơ hội việc làm thực tế. Việc mời doanh nghiệp tham gia giảng dạy, chia sẻ hoặc tổ chức các chương trình mentoring (cố vấn cá nhân) cũng là những cách hiệu quả để lấp đầy khoảng trống giữa đào tạo và nhu cầu xã hội.

  Cá nhân hóa quá trình hướng nghiệp

Không thể hướng nghiệp theo kiểu “một khuôn cho tất cả”. Mỗi học sinh có hoàn cảnh, sở trường, tính cách và mơ ước khác nhau – do đó, quá trình định hướng nghề cần được cá nhân hóa, thông qua các công cụ đánh giá năng lực, trắc nghiệm tính cách, phỏng vấn một – một… Việc tư vấn đại trà, chung chung không chỉ không hiệu quả, mà đôi khi còn khiến học sinh càng thêm bối rối.

Tóm lại, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với thất nghiệp, bất ổn kinh tế và biến đổi nghề nghiệp nhanh chưa từng có, việc hỗ trợ người trẻ chọn nghề phù hợp không còn là nhiệm vụ riêng của giáo dục, mà là mệnh lệnh xã hội.

Hướng nghiệp không còn là “môn phụ” hay hoạt động phụ trợ, mà là một phần thiết yếu để chuẩn bị cho thế hệ tương lai, không chỉ bước vào đời, mà còn biết đi đúng hướng.

BÀI LIÊN QUAN