Hình ảnh về cuộc sống đại học tại Mỹ thường gắn liền với những bữa tiệc xuyên đêm, các mối tình bốc đồng và quan hệ tình dục phóng khoáng. Giới sinh viên được cho là vừa học vừa tận hưởng những trải nghiệm tuổi trẻ. Nhiều bộ phim hay chương trình truyền hình cũng khai thác hình ảnh tràn ngập rượu bia và các mối quan hệ chóng vánh trong ký túc xá.
Tuy nhiên, thực tế dường như khác xa. Một khảo sát nội bộ năm 2024 tại Đại học Harvard cho thấy, cứ 5 sinh viên năm cuối thì có một người chưa từng quan hệ tình dục.
Theo The Economist, trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ quan hệ tình dục ở nhóm tuổi sinh viên tại Mỹ đã giảm gần một nửa. Xu hướng suy giảm không chỉ xảy ra trong môi trường đại học mà còn kéo dài cả sau khi tốt nghiệp. Tình trạng này dẫn đến một hiện tượng được gọi là “khoảng cách bằng cấp” trong đời sống tình dục.
Từ năm 2002 – 2023, người Mỹ trong độ tuổi 25–35 có bằng cử nhân quan hệ tình dục ít hơn 11% so với mức trung bình, còn người có bằng sau đại học ít hơn 13%.
Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, những người chỉ có bằng trung học phổ thông quan hệ nhiều hơn 7 – 8% so với cử nhân, chưa kể các yếu tố như độ tuổi, tình trạng hôn nhân, sức khỏe và công việc.
Ngay cả trong nhóm độc thân, những người có trình độ học vấn cao cũng ít quan hệ hơn khoảng 6%. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều nước châu Âu.
Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào đưa ra lời giải thích đầy đủ về lý do người có học vấn cao ở Mỹ lại quan hệ tình dục ít hơn.
Việc kết hôn muộn và tỷ lệ kết hôn giảm được cho là góp phần làm giảm tần suất quan hệ, bởi nghiên cứu cho thấy các cặp vợ chồng “yêu” nhiều gấp đôi người độc thân. Dù vậy, người có bằng đại học lại kết hôn với tỷ lệ cao hơn và có xu hướng duy trì hôn nhân lâu dài.
Không ít ý kiến cho rằng việc sử dụng thiết bị điện tử là nguyên nhân chính nhưng thực tế, nhóm học thức cao lại ít chơi game hoặc xem phim hơn. Tỷ lệ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu cũng được cân nhắc, nhưng nhóm học vấn cao thường có sức khỏe tinh thần tốt, khiến các giả thuyết này kém thuyết phục.
Một giả thuyết khác là tâm lý “xứng đôi vừa lứa” trong nhóm người có học vấn cao, đặc biệt là phụ nữ.
“Khi phụ nữ đạt trình độ học vấn cao và công việc với thu nhập tốt, họ thường khó tìm được bạn đời tương xứng. Điều đó ảnh hưởng đến chuyện lập gia đình và quan hệ tình dục”, Giáo sư Peter Ueda tại Đại học Karolinska (Thụy Điển) nhận định.
Nhà báo Magdalene Taylor cho rằng những người học vấn cao thường có khả năng kiểm soát ham muốn tốt hơn, điều này ảnh hưởng đến hành vi tình dục của họ.
Một số chuyên gia khác cũng đồng tình rằng những người học giỏi và thành công thường có lối sống thận trọng và ngại rủi ro, khiến họ ít quan hệ tình dục hơn.
“Người trẻ tập trung học hành, phát triển sự nghiệp và theo đuổi thành công thường có xu hướng cẩn trọng hơn, khiến đời sống tình dục của họ kém cuồng nhiệt”, Giáo sư Brad Wilcox tại Đại học Virginia cho hay.