Người trẻ kiệt sức: Học cách kết nối lại với chính mình

Kiều Giang

Phóng viên

Ngày càng nhiều người trẻ rơi vào trạng thái kiệt sức tâm lý – hay còn gọi là burnout. Đây không chỉ là cảm giác mệt mỏi thông thường, mà là sự cạn kiệt toàn diện về thể chất, cảm xúc và tinh thần. Khi đó, người trẻ mất động lực, thiếu cảm hứng, và dần không còn thấy ý nghĩa trong công việc lẫn cuộc sống.

b.o

Burnout – cái giá của một thế hệ sống nhanh?

Với Gen Z – thế hệ sinh ra trong thời đại số, lớn lên giữa mạng xã hội, khát vọng thành công sớm, và những tiêu chuẩn hà khắc về “sự khác biệt” – burnout không còn là điều xa lạ.

Những hình mẫu thành công trẻ tuổi tràn ngập trên mạng có thể vô tình trở thành hình mẫu để so sánh, thành áp lực con nhà người ta, áp lực đồng trang lứa…

Theo các chuyên gia, gốc rễ vấn đề không ở mạng xã hội hay kỳ vọng bên ngoài, mà ở chỗ: Nhiều người trẻ chưa hiểu rõ giới hạn của chính mình.

Họ tin rằng càng nỗ lực sẽ càng thành công, mà quên rằng con người không phải là… carbon – không phải cứ chịu áp lực sẽ trở thành kim cương.

Rất nhiều bạn trẻ đã vỡ vụn, mất phương hướng, và rơi vào khủng hoảng vì chính những tiêu chuẩn mà mình tự áp lên bản thân.

Một người có thể đang cận kề burnout khi xuất hiện các dấu hiệu như: mệt mỏi kéo dài, mất ngủ, dễ cáu gắt, mất hứng thú với những điều từng yêu thích, hoặc cảm thấy “trống rỗng” dù đang rất bận rộn.

Nếu không được nhận diện sớm, burnout dễ dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, và trong nhiều trường hợp cần can thiệp chuyên sâu.

Những cách hiệu quả để xoa dịu burnout

Chữa lành burnout là việc hoàn toàn có thể. Theo nhiều chuyên gia, bước quan trọng nhất là học cách kết nối lại với chính mình – điều tưởng chừng đơn giản, nhưng lại dễ bị bỏ quên giữa nhịp sống hiện đại. Chúng ta cứ mải miết hướng ra bên ngoài – cố gắng đạt kỳ vọng, hoàn thành chỉ tiêu, theo đuổi thành tích – mà quên mất việc lắng nghe cơ thể, tâm trí mình. 

Vì vậy, dù đang cảm thấy thế nào – giữa nhịp sống hối hả hàng ngày – bạn cũng đừng quên:

Nhận diện sớm và gọi đúng tên cảm xúc

Đừng vội gạt đi cảm giác mệt mỏi kéo dài. Hãy tự hỏi: “Mình đang thực sự kiệt sức, hay chỉ đang lười một chút?” Khi gọi đúng tên cảm xúc, bạn mới có thể tìm đúng cách để chữa lành, thay vì tiếp tục buông xuôi.

Thiết lập lại ranh giới công việc – đời sống

Hãy bắt đầu từ những ranh giới nhỏ: đừng check email sau giờ làm, tắt thông báo công việc vào buổi tối và cuối tuần, và quan trọng nhất – học cách nói “không” với những việc vượt quá sức mình.

 Nghỉ ngơi đúng nghĩa, không mặc cảm

Nghỉ ngơi không đồng nghĩa với lười biếng hay thất bại. Đó là khoảng lặng cần thiết để hồi phục – khi bạn cho phép mình thật sự kết nối với những gì đang hiện diện: đi dạo, nấu ăn, nghe nhạc hay đơn giản chỉ là lắng nghe cơ thể, không làm gì cả.

 Ưu tiên giấc ngủ

Giấc ngủ chất lượng là liều thuốc phục hồi tự nhiên nhất. Hãy cố gắng ngủ đúng giờ mỗi ngày và tránh dùng điện thoại ít nhất 30 phút trước khi ngủ .

Kết nối trở lại với những người “lành”

Đừng ngại chia sẻ với người thân, bạn bè đáng tin cậy – đôi khi một cuộc trò chuyện chân thành đã đủ để xoa dịu áp lực. Ở gần những người mang lại cảm giác bình an cũng giúp bạn điều hòa cảm xúc (hiệu ứng co-regulation).

Thực hành các kỹ thuật thư giãn

Thiền chánh niệm, thở sâu, yoga, đi bộ chậm, tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ… đều giúp làm dịu hệ thần kinh.

Chỉ cần 5–10 phút mỗi ngày, nhưng hãy thực hành đều đặn.

Viết nhật ký cảm xúc

Ghi lại những gì khiến bạn thấy mệt mỏi, những lúc mình thấy ổn, thấy được kết nối.

Đây là cách để nhìn rõ các “điểm chạm burnout” và lý do khiến bạn mất năng lượng.

 Điều chỉnh kỳ vọng cá nhân

Bạn không cần làm được tất cả, cũng không cần luôn “tốt hơn hôm qua”.

Học cách chấp nhận sự không hoàn hảo là cách chữa lành rất sâu sắc.

Thay đổi cách nhìn về thành công

Thành công không nhất thiết phải gắn liền với thành tích cao và sự mệt mỏi kéo dài. Đôi khi, một cuộc sống bình thường nhưng ý nghĩa – nơi bạn được sống đúng với giá trị của mình và có thời gian thảnh thơi – mới chính là thành tựu đáng mơ ước nhất.

Trong một thế giới luôn thúc giục phải tiến lên, dám dừng lại đúng lúc là một sự can đảm. Can đảm để không chạy theo những kỳ vọng quá sức mình. Can đảm để chọn sống chậm hơn nhưng lành mạnh hơn.

BÀI LIÊN QUAN