Người trẻ chống biến đổi khí hậu: Biến nỗi lo thành hành động

Anh Thịnh

Biên tập viên

Đối mặt với khủng hoảng khí hậu, người trẻ không chọn im lặng mà biến lo âu thành hành động, cùng nhau đứng lên vì tương lai trái đất.

Thế hệ trẻ hiện nay có thể cảm thấy mình ít có khả năng tác động đến những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, họ chính là những người sẽ phải gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng này trong tương lai.

Viễn cảnh phải sống trong một cuộc khủng hoảng khí hậu cận kề do mực nước biển dâng cao hay các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng, đã gây ra tình trạng khủng hoảng tâm lý sâu sắc ở giới trẻ.

Nhiều người trong số họ mất niềm tin, thất vọng với các thế hệ đi trước vì đã để lại gánh nặng quá lớn, đồng thời lo sợ điều kiện sống có thể khắc nghiệt trong vài thập kỷ tới.

Thế nhưng, điều đó cũng đang tạo nên một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ giữa những người trẻ, những người đang cùng nhau cất tiếng nói và hành động, trở thành thế hệ lên tiếng mạnh mẽ nhất vì hành tinh.

“Tình trạng khẩn cấp khí hậu đã ở ngay trước mắt”, Jeeva Senthilnathan, 19 tuổi, sinh viên kỹ thuật tại Trường Mỏ Colorado, chia sẻ với ABC News. “Chúng ta đang chứng kiến ​​toàn bộ tình trạng khẩn cấp ngay trước mắt mình”.

Bác sĩ tâm thần Lise Van Susteren, chuyên gia nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe tâm thần giới trẻ, cho rằng các thế hệ lớn tuổi cũng có trách nhiệm nuôi dưỡng và khuyến khích mục tiêu bảo vệ hành tinh của người trẻ.

Người trẻ ngày càng lo lắng, quan tâm đến thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. (Ảnh: UNDP)

Cất tiếng nói trong cuộc chiến vì khí hậu

Người trẻ có thể làm gì để mang lại hiệu quả trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu? Một trong những lợi thế lớn nhất mà giới trẻ có trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là khả năng lan tỏa tiếng nói trên phạm vi toàn cầu.

Năm 2018, cô bé Thụy Điển Greta Thunberg truyền cảm hứng cho hàng triệu học sinh nghỉ học để biểu tình vì khí hậu. Kể từ đó, truyền thông thế giới đã chú ý hơn đến các cuộc biểu tình do thanh thiếu niên tổ chức.

Các cuộc biểu tình đầy đam mê và được dẫn dắt bởi Thunberg (hiện 19 tuổi), đã tạo tiếng vang lớn, phản ánh sự bức xúc và bất an của giới trẻ về tương lai.

Bác sĩ Van Susteren cho rằng thanh thiếu niên là chuyên gia trong việc tranh luận với cha mẹ và khi đề cập về biến đổi khí hậu, đó là sự giải tỏa “cực kỳ quan trọng.”

“Đừng giữ trong lòng”, bà nói. “Nếu bạn đang bức bối trong người, hãy nói ra. Hãy trò chuyện, đừng ngừng nói về nó”.

Nhiều học sinh, đồng thời phải đối mặt với các khủng hoảng chồng chéo như đại dịch COVID-19 hay phân biệt chủng tộc, đang thúc đẩy việc đưa những chủ đề đó vào giảng dạy trên lớp.

Senthilnathan, người không chỉ lãnh đạo các cuộc đình công vì khí hậu mà còn gặp gỡ các nhà lập pháp địa phương để thảo luận về chính sách, cho biết những hoạt động như vậy sẽ giúp người trẻ nâng cao nhận thức.

“Khi người trẻ cùng nhau cất tiếng nói, tác động sẽ lớn hơn rất nhiều”, bác sĩ Van Susteren nhận định. “Hãy tạo ra càng nhiều tiếng vang càng tốt.”

Giáo sư Morgan Edwards, Chủ nhiệm Phòng thí nghiệm Hành động Khí hậu Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), lưu ý thêm rằng việc chỉ tập trung giảm phát thải cá nhân hoặc chỉ trích lối sống người khác thường không hiệu quả.

“Việc chỉ nghĩ đến việc cắt giảm phát thải cá nhân có thể khiến bạn cảm thấy cô lập, trong khi nếu là một phần của điều gì đó lớn hơn, chẳng hạn tham gia cộng đồng để hành động cùng nhau, đó mới là cách tiếp cận truyền cảm hứng và giúp ta tập trung vào những người thực sự phải chịu trách nhiệm, chứ không phải cá nhân một người”, bà Edwards giải thích.

Gắn đam mê cá nhân với cuộc chiến vì khí hậu

Người trẻ không cần phải trở thành nhà hoạt động toàn thời gian để góp phần bảo vệ môi trường.

“Cách hiệu quả nhất để hành động vì khí hậu là gắn nó với những gì bạn đã yêu thích”, Giáo sư Edwards cho hay. “Nếu bạn là nghệ sĩ, hãy tạo nghệ thuật về khủng hoảng khí hậu. Nếu bạn là nhà văn, hãy kể những câu chuyện”.

Giáo sư Edwards nói thêm: “Dù bạn quan tâm đến điều gì, khí hậu luôn có liên hệ. Mang chủ đề khí hậu vào những thứ bạn đã yêu thích là một trong những cách bền vững nhất để hành động”.

Trong quá trình học kỹ thuật, Senthilnathan phát hiện rằng khoảng 40 – 50% ô nhiễm bắt nguồn từ ngành xây dựng. Cô hy vọng sẽ góp phần thay đổi thực trạng này trong tương lai.

Đối với sinh viên đại học cho rằng ngành học của mình không liên quan đến môi trường, Senthilnathan nhấn mạnh luôn có cách để gắn kết. Ví dụ, sinh viên ngành quản trị kinh doanh hay bất động sản có thể nghiên cứu cách xây dựng và vận hành công trình bằng vật liệu bền vững và giảm chất thải độc hại.

“Chúng ta cần thật nhiều góc nhìn khác nhau trong cuộc khủng hoảng khí hậu, để hiểu được sự giao thoa của nó với các lĩnh vực”, Giáo sư Edwards nêu quan điểm. “Đây không chỉ là vấn đề của khoa học, chính sách hay kỹ thuật”.

Biến nỗi lo thành hành động

Senthilnathan tận mắt chứng kiến mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng khí hậu khi nhiều đám cháy rừng thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà gần Boulder, Colorado, năm 2022.

Gió mạnh đến mức thổi tung cửa sổ nhà cô, một tuần mà cô mô tả là “kinh hoàng” và “đầy cảm xúc”. Bụi và mảnh vỡ phủ khắp hạt Jefferson, nơi cô sống. Khi đó, do cha cô nhiễm COVID-19, cô không thể đi trú ẩn nơi khác.

Với Senthilnathan, hoạt động vì môi trường là cách duy nhất để kiểm soát vận mệnh của mình, thay vì sống trong sợ hãi.

Bác sĩ Van Susteren cũng cho rằng điều quan trọng là giới trẻ cần tìm được bạn bè cùng chí hướng để chia sẻ ý tưởng. Khi còn trẻ, rất dễ cảm thấy cô lập, đặc biệt khi người lớn luôn nói rằng bạn “còn quá nhỏ để hiểu chuyện”.

“Ngày trước, những đứa trẻ có mối quan tâm về khí hậu thường bị xem là lập dị”, bà nói. “Nhưng khi chia sẻ với nhau, những đứa trẻ tìm thấy sự đồng cảm và đó là điều rất quan trọng, vì khiến chúng cảm thấy không cô độc”.

Bà cũng khuyên người trẻ nên tìm một người hướng dẫn sẵn sàng lắng nghe và không xem nhẹ nỗi lo của họ.

“Các bạn trẻ mong muốn thầy cô, nhà trường dành thời gian và không gian để thảo luận về nỗi lo sợ này. Họ muốn chương trình học cho phép họ được nói về khí hậu, cũng để thấy rằng người lớn đang thực sự hiểu những gì họ nghĩ về tương lai”, bà Van Susteren nói.

BÀI LIÊN QUAN