Người phụ nữ trẻ chuyển vào khu dưỡng lão sống và không muốn rời đi

Chí Phú

Biên tập viên

Một căn hộ rẻ, một cộng đồng giàu tình cảm và một cái nhìn hoàn toàn mới về tuổi già đã khiến một phụ nữ 38 tuổi ở Úc thay đổi cách sống.

Chuyển đến sống ở khu dưỡng lão khi mới 38 tuổi là điều mà ít ai hình dung. Đó không phải là lựa chọn phổ biến và chắc chắn cũng không phải là điều khiến người khác dễ hiểu. 

Nhưng với Alice Amayu, một người phụ nữ tại thành phố Melbourne, Úc, quyết định ấy lại trở thành cột mốc quan trọng giúp cô xây dựng lại cuộc sống sau biến cố cá nhân và tìm thấy sự bình yên mà trước nay cô chưa từng có.

Sau khi mối quan hệ lâu dài đổ vỡ, cô rời khỏi căn nhà từng chia sẻ với người yêu cũ và bắt đầu hành trình tìm kiếm chốn ở mới. 

Hai tháng sống tạm tại căn hộ cho thuê của Airbnb khiến chi phí sinh hoạt leo thang. Trong lúc vẫn chưa tìm được căn hộ phù hợp với mức tài chính, Alice đến thăm người dì đang sống tại một khu dưỡng lão và bất ngờ biết được có căn hộ trống trong khu này. 

Mặc dù có giới hạn về độ tuổi, nhưng hội đồng quản trị khu dưỡng lão sẵn sàng xem xét hồ sơ theo từng trường hợp cụ thể. Cô nộp đơn, kèm thư giới thiệu từ người dì, lịch sử thuê nhà và giấy tờ tài chính. Sáu tuần sau, hồ sơ được duyệt.

phunu38t_01

Mức thuê căn hộ hai phòng ngủ chỉ 500 đô la Úc mỗi tháng, đã bao gồm phí dịch vụ. Trong khi đó, giá thuê căn hộ tương tự tại Melbourne thường dao động từ 2.800 đến 3.200 đô la Úc. Nhưng điều khiến Alice bất ngờ không phải là số tiền thuê, mà chính là sự phù hợp kỳ lạ của môi trường sống này đối với tinh thần và cảm xúc của mình.

“Tôi chưa từng cảm thấy lạc lõng và việc sống gần những người không bị cuốn vào nhịp sống vội vàng hay công nghệ đã giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tinh thần của tôi. Đây giống như một nơi trú ẩn”, Alice chia sẻ.

Cuộc sống hàng ngày trong khu dưỡng lão diễn ra nhẹ nhàng và gắn kết. Tiếng nhạc xưa của hàng xóm vang lên mỗi sáng, cà phê nóng, báo giấy, đi dạo dưới nắng sớm. Cô tham gia lớp yoga ghế, chơi bingo vào mỗi thứ Tư và thi thoảng đạp xe. Buổi chiều là thời gian dành cho công việc freelance, còn tối đến là dịp để nướng bánh, đi dạo hoặc trò chuyện cùng hàng xóm trên hiên nhà.

Không khí ở đây khác hẳn những khu căn hộ nhộn nhịp của người trẻ. Không có tiếng chuông điện thoại liên tục, không có sự vội vã. Thay vào đó là sự chia sẻ, là những người bạn tóc bạc kể lại chuyện đời, tặng nhau bát súp gà nóng, dạy nhau cách làm bánh chanh hay đơn giản chỉ là cùng ngồi lặng yên nhìn chiều xuống.

“Thật nhẹ nhõm khi nhận ra tuổi 70 hay 80 không đáng sợ như mình từng nghĩ. Dù ở độ tuổi nào, người ta vẫn có thể tự quyết định, làm tình nguyện, kết bạn hoặc bắt đầu một sở thích mới”, Alice nói.

Khu dưỡng lão mà cô từng nghĩ chỉ dành cho người cao tuổi nay đã trở thành ngôi nhà đích thực. Ban đầu, gia đình không đồng tình, một số người bạn cho rằng điều đó thật lạ lẫm. Nhưng chỉ cần nhìn thấy cuộc sống hiện tại của cô  êm ả, hạnh phúc và kết nối, nhiều người bắt đầu suy nghĩ lại.

“Tôi đã ngừng coi nơi đây là trạm dừng tạm thời. Giờ nó là mái nhà của tôi”, Alice chia sẻ.

Hình minh họa. Ảnh: Internet
Hình minh họa. Ảnh: Internet

Giữa những hoài nghi, Alice vẫn tin mình đã chọn đúng. Bởi mỗi tuần, khi quay lại phòng sinh hoạt chung để chơi bingo cùng những người bạn đầu bạc, cô lại thấy lòng mình yên ổn hơn bao giờ hết.

BÀI LIÊN QUAN