Tháng 2/2024, Lauren Bannon ở bang North Carolina, Mỹ, bắt đầu gặp khó khăn khi gập các ngón tay vào buổi sáng và buổi tối. Sau bốn tháng, người phụ nữ 40 tuổi được các bác sĩ chẩn đoán mắc viêm khớp dạng thấp, dù kết quả xét nghiệm cho thấy cô âm tính với căn bệnh này.
Bannon sau đó phải chịu những cơn đau bụng dữ dội và sút tới 6,3 kg chỉ trong một tháng. Các bác sĩ cho rằng nguyên nhân là do trào ngược axit.
Tuyệt vọng vì không tìm được nguyên nhân thực sự cho các triệu chứng của mình, Bannon tìm đến ChatGPT, mô hình ngôn ngữ lớn do OpenAI phát triển.
Chatbot này cho rằng Bannon có thể mắc bệnh Hashimoto, chứng rối loạn tự miễn trong đó hệ miễn dịch tấn công tuyến giáp, khiến nó bị viêm và dần dần hoạt động kém đi.
“Tôi từng dùng ChatGPT hỗ trợ công việc. Khi tôi hỏi về những căn bệnh có triệu chứng giống viêm khớp dạng thấp,ChatGPT trả lời: ‘Bạn có thể mắc Hashimoto, hãy yêu cầu bác sĩ kiểm tra chỉ số kháng thể peroxidase tuyến giáp (TPO)'”, Bannon cho hay.
Bất chấp sự dè dặt từ phía bác sĩ, Bannon vẫn kiên quyết yêu cầu được xét nghiệm bệnh Hashimoto vào tháng 9/2024. Tất cả đều sững sờ khi phát hiện của ChatGPT hoàn toàn chính xác, dù gia đình cô không ai có tiền sử mắc bệnh.
Việc này khiến các bác sĩ quyết định siêu âm tuyến giáp của cô, từ đó phát hiện hai khối u nhỏ ở cổ. Đến tháng 10/2024, các khối u này được xác nhận là ung thư.
Bannon cho biết sẽ không bao giờ phát hiện ra căn bệnh ung thư ẩn giấu nếu không nhờ ChatGPT và tin rằng chính chatbot này cứu mạng cô.
“Các bác sĩ làm tôi thất vọng. Cứ như thể họ chỉ cố kê đơn thuốc để đẩy bệnh nhân ra khỏi phòng khám càng nhanh càng tốt”, Bannon chia sẻ.
Sau khi được chẩn đoán ung thư vào tháng 1/2025, Bannon đã phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp cùng hai hạch bạch huyết ở cổ. Cô sẽ phải được theo dõi suốt đời để đảm bảo ung thư không tái phát.
“Nếu tôi không hỏi ChatGPT, có lẽ tôi đã dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp và để ung thư lan từ cổ ra khắp nơi”, Bannon nói. “ChatGPT đã cứu sống tôi”.
Bannon khuyến khích những người khác sử dụng ChatGPT để tìm hiểu về những vấn đề sức khỏe của chính họ, nhưng nhấn mạnh nên “tham khảo một cách thận trọng”.
Bác sĩ Harvey Castro, chuyên gia y khoa cấp cứu được chứng nhận và diễn giả quốc gia về trí tuệ nhân tạo tại Dallas, Texas, cho biết ông hoan nghênh vai trò của các công cụ AI như ChatGPT trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động nhanh hơn, nhưng cũng cảnh báo nên cẩn trọng.
“AI không thể thay thế kiến thức chuyên môn y tế của con người”, bác sĩ Castro nói với Fox News. “Những công cụ này có thể hỗ trợ, cảnh báo và thậm chí an ủi nhưng chúng không thể chẩn đoán, khám hay điều trị”.
Ông nhấn mạnh: “Nếu được sử dụng đúng cách, AI có thể nâng cao kết quả chăm sóc sức khỏe. Nhưng nếu lạm dụng, nó có thể gây nguy hiểm”.