Ngô Lan Hương bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 2017, khi tham gia một cuộc thi âm nhạc. Với khả năng sáng tác ấn tượng và giọng hát nội lực, nữ ca sĩ gốc Thanh Hóa sở hữu nhiều “bản hit” đình đám: Anh muốn đưa em về không, Xin đừng lòng vòng, Đi giữa trời rực rỡ, Tuổi 23,…
Gần đây, Ngô Lan Hương tham gia sáng tác ca khúc chủ đề cho chương trình truyền hình thực tế “Về quê làm giàu”. Ca khúc mang màu sắc gần gũi, nhẹ nhàng được Ngô Lan Hương tâm huyết chắp bút với nhiều ca từ ý nghĩa.
Trong cuộc trò chuyện mới đây, nữ ca sĩ cũng chia sẻ những tâm tư của bản thân về việc người trẻ về quê lập nghiệp và thông điệp gửi gắm thông qua qua khúc chủ đề của chương trình “Về quê làm giàu”.
Ca khúc chủ đề “Về quê làm giàu” xuất phát từ khát khao cống hiến cho quê hương
Xin chào Ngô Lan Hương! Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với “Về quê làm giàu” và ca khúc chủ đề của chương trình?
Cơ duyên đưa tôi đến với “Về quê làm giàu” cũng khá đơn giản. Khi nhận được lời mời từ ekip, tôi thấy thú vị về format và ý nghĩa thiết thực mà chương trình mang lại.
Ngoài ra, bất ngờ hơn nữa khi biết Long Vũ và Thu Hà Ceri là thành viên trong dàn cast chính thức. Đây là những người bạn, người em mà tôi rất yêu mến sau khi có cơ hội làm việc chung ở bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ”.
Về bài hát chủ đề của chương trình “Về quê làm giàu”, khi nhận được lời mời viết ca khúc tôi rất vui và tự hào. Chương trình mong muốn sẽ có một bài hát với tinh thần tươi trẻ, mang đậm tính quê hương và truyền được động lực như “Đi giữa trời rực rỡ”. Vậy nên ca khúc này đã được hình thành theo cách đó.
Bạn có gặp khó khăn khi viết ca khúc về chủ đề nông thôn, khởi nghiệp?
Thực ra tôi không gặp khó khăn khi viết về chủ đề này. Với vai trò là một người trẻ, tôi biết rằng việc hướng về quê hương, làm giàu cho quê hương đất nước là việc cực kỳ quan trọng.
Tôi luôn ủng hộ và mong ngóng được đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Nên khi viết ca khúc chủ đề cho chương trình “Về quê làm giàu” tôi dùng chính tâm tư, cảm xúc và những mong muốn, khao khát tuổi trẻ của mình, khát khao cống hiến cho quê hương đất nước để đưa vào bài hát.
Vậy bạn có lấy cảm hứng, tham khảo câu chuyện của ai để hình thành ca từ trong bài hát?
Tôi đã dùng chính những cảm xúc của mình để viết nên những ca từ trong bài hát. Có lẽ cũng chính từ việc được tham gia một chặng hành trình của “Về quê làm giàu” cùng chú Quyền Linh, Long Vũ và Thu Hà Ceri đến Hải Dương. Tôi được tìm hiểu và bắt tay vào làm đặc sản Hải Dương, nên cảm nhận được tình cảm quê hương, con người địa phương.
Từ những trải nghiệm thực tế, cộng thêm khát khao được cống hiến, đóng góp cho quê hương đất nước. Tổng hòa những điều đó lại giúp tôi viết nên được những ca từ trong bài hát dành cho “Về quê làm giàu”.
Sự giống nhau giữa ca khúc của “Về quê làm giàu” và “Đi giữa trời rực rỡ” là có chủ đích
Ca khúc chủ đề của “Về quê làm giàu” có giai điệu khá giống với “Đi giữa trời rực rỡ”. Ngô Lan Hương có chia sẻ gì về điều này?
Tôi cũng xin chia sẻ thật là 2 ca khúc này, mọi người thấy có sự tương đồng là có chủ đích. Tôi lấy cảm hứng từ ca khúc “Đi giữa trời rực rỡ” để viết nên ca khúc dành riêng cho “Về quê làm giàu”.
Bố cục và vòng hòa thanh của 2 ca khúc này là một. Nếu mọi người hát ca khúc chủ đề của “Về quê làm giàu” trên beat “Đi giữa trời rực rỡ” hoặc ngược lại đều được, không khác nhau nhiều lắm.
Nhưng về phần giai điệu, cũng như lời bài hát và nhịp phách có điểm khác nhau nhất định. Vì tôi muốn 2 ca khúc không giống nhau quá nhiều, chỉ giống về tinh thần thôi.
Trước đó khi một số đoạn cắt của chương trình “Về quê làm giàu” được đưa lên kèm theo nhạc của “Đi giữa trời rực rỡ”, tôi cảm thấy đã rất phù hợp. Tinh thần đó, nhịp điệu và cảm giác rất khớp nhau.
Nên khi viết một ca khúc mới mà đem lại sự phù hợp như thế, tôi nghĩ không còn cách nào khác ngoài việc vẫn lấy cảm hứng từ “Đi giữa trời rực rỡ” để mang sang bài hát này.
Nhưng phần nội dung, cách thức thay đổi để phù hợp với thông điệp tôn vinh vẻ đẹp quê hương và chương trình. Nên nếu mọi người có cảm nhận 2 ca khúc này giống nhau thì đó là chủ đích của tôi.
Ngô Lan Hương có lo ngại sẽ bị cho là đang lặp lại chính mình?
Không sao! Tôi có những mục đích nhất định ở các ca khúc khác nhau. Tôi không áp lực bài sau phải khác biệt hoàn toàn hay quá mới mẻ, tạo dấu ấn mới.
Mục đích của tôi là đi đúng tinh thần mình muốn hướng tới. Như bài “Đi giữa trời rực rỡ” được viết ra để phục vụ cho bộ phim cùng tên. Còn bài chủ đề của “Về quê làm giàu” để phục vụ cho show truyền hình thực tế với nội dung tương tự.
Nên tôi luôn muốn làm cách nào đó để bài hát của mình phù hợp nhất có thể trong từng hoàn cảnh. Về việc có lặp lại bản thân hay không tôi thấy không quan trọng lắm. Dù có lặp lại hay không thì vẫn là Ngô Lan Hương thôi.
Hương từng chia sẻ “biết đâu sẽ tạo hit khi làm nhạc cho chương trình”, vậy bạn kỳ vọng ca khúc này sẽ đạt thành công ra sao?
Khi viết ra một ca khúc, tôi thường nói rằng “biết đâu nó thành hit thì sao”, chứ không phải đặt kỳ vọng các bài hát đều phải trở thành hit.
Tôi không thể đoán định được tương lai của ca khúc khi phát hành, chỉ biết cố gắng làm sao để hay nhất và chỉn chu nhất. Còn để trở thành hit được hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Với ca khúc lần này, tôi đã đặt để nhiều tâm tư vào đó. Cách tôi sử dụng từ ngữ và triển khai giai điệu đều muốn hướng tới sự dễ nghe, gần gũi, chân phương. Viết về chủ đề quê hương đất nước nhưng không quá hô hào một cách sáo rỗng mà tôi muốn làm điều gì đó gần nhất với trái tim của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Nên nếu ca khúc này trở thành một bản hit nữa thì quá tuyệt vời. Còn nếu như chưa thành hit được thì tôi nghĩ cũng không phải là vấn đề.
Vậy liệu sẽ có một “Đi giữa trời rực rỡ” thứ 2?
Nếu được vậy thì tốt quá (cười). Đây là ca khúc mà tôi nghĩ sẽ sử dụng được trong nhiều dịp. Ví dụ như dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước 30/4 sắp tới, câu hát “Đất nước ta bạc vàng núi sông, đi làm sao hết nơi để về” rất phù hợp. Hoặc là một sự kiện nào đó tôn vinh vẻ đẹp của quê hương đất nước Việt Nam.
Nên đây là bài hát mang ý nghĩa gợi những giá trị cao. Nếu được trở thành một “Đi giữa trời rực rỡ” thứ 2 thì còn gì tuyệt vời hơn.
“Nếu không đi hát, có lẽ tôi đã làm một nhân viên ngân hàng ở quê”
Bạn có nghĩ âm nhạc có thể trở thành một phần của công cuộc “giữ chân người trẻ ở lại quê hương” không?
Đối với tôi, việc đi xa để trở về là một bài học, một nhiệm vụ cần rất nhiều bản lĩnh và ý chí của các bạn trẻ.
Bản thân tôi cũng là người đã xa quê khá lâu, tôi thấy để có động lực trở về xây dựng quê hương sẽ có nhiều yếu tố tác động. Nên tôi cực kỳ trân trọng những ai có tinh thần quay về như vậy.
Khi viết ca khúc chủ đề cho chương trình “Về quê làm giàu” tôi cũng mong một phần nào đó chạm đến tiềm thức của các bạn về tinh thần yêu quê hương.
Thực ra có trở về quê hay không còn tùy thuộc vào con đường mà các bạn lựa chọn nữa, rồi các yếu tố trong cuộc sống, điều kiện sống khác nhau. Nhưng khi một phần nào đó trong trái tim được đánh thức, bởi một yếu tố nào đó ví dụ như ca khúc của “Về quê làm giàu”. Thì biết đâu đến một ngày các bạn lại trào dâng, sôi sục mong muốn về quê làm giàu thì sao.
Với Ngô Lan Hương, bạn gắn bó với quê hương ra sao?
Quê hương trong tôi là điều không gì có thể thay thế được. Tôi sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa. Tôi đã có một tuổi thơ thật đẹp, gắn liền với mảnh đất này.
Tôi luôn biết ơn khi được sinh ra, lớn lên tại mảnh đất địa linh nhân kiệt. Quê hương là gia đình, vì người thân vẫn đang sinh sống và làm việc tại đây.
Bản thân tôi cũng luôn mong ngóng được trở về với quê hương, gia đình vì cũng xa quê đã lâu, cách đây khoảng 8 năm, từ khi học Đại học. Mỗi khi nhắc đến quê hương, cảm xúc của tôi bồi hồi lắm.
Nếu không bén duyên với nghệ thuật, liệu Ngô Lan Hương có chọn ở quê để lập nghiệp?
Chắc là có. Nếu như không bén duyên với ca hát, có khi tôi đã ở quê làm một cô nhân viên ngân hàng. Vì được ở gần gia đình, bố mẹ thì ai chẳng thích.
Thực ra con đường nghệ thuật đã dẫn tôi đến mảnh đất TP.HCM bởi vì đây là nơi phù hợp để phát triển sự nghiệp. Nhưng khi có cơ hội, tôi luôn mong muốn được trở về quê hương để biểu diễn, phục vụ cho khán giả, bà con quê nhà Thanh Hóa.
Theo Ngô Lan Hương, lý do gì khiến nhiều người trẻ vẫn e ngại chuyện về quê lập nghiệp?
Tôi thấy hiện nay các bạn không còn quá e ngại về việc trở về quê lập nghiệp nữa. Như lần về Hải Dương, tôi thấy có những bạn đã học các ngành khác ở thành phố lớn, nhưng đã về khai thác đặc sản quê hương, trong đó có sản phẩm từ ổi, thậm chí còn làm thành thương hiệu được chứng nhận, xuất khẩu.
Cũng như một số bạn bè của tôi, mọi người cũng rất sẵn sàng về quê lập nghiệp. Rất nhiều người bạn học cùng Đại học ở Hà Nội đã về Thanh Hóa, làm việc và lập gia đình. Nên nói các bạn trẻ ngại về quê thì cũng không hẳn đâu.
Có thể ngày xưa là như vậy nhưng bây giờ có nhiều sự thay đổi. Ở các thành phố lớn đông đúc, chi phí đắt đỏ, xa gia đình, cạnh tranh công việc cao nên mọi người chọn về quê nhiều lắm. Nên không cần lo lắng chuyện các bạn trẻ có muốn về quê làm giàu, xây dựng quê hương nữa hay không mà mọi người đang làm như vậy rồi.
Ở vai trò một nghệ sĩ và cũng là một người trẻ hướng về quê hương, Ngô Lan Hương sẽ gửi gắm điều gì tới những bạn trẻ đang loay hoay giữa phố thị và ý định về quê?
Tôi muốn gửi gắm đến mọi người rằng các bạn hãy hiểu bản thân cần gì, phù hợp với điều gì và mong muốn cái gì. Nếu hiểu bản thân như vậy thì sẽ đưa ra được những quyết định đúng đắn cho chính mình.
Thay vì nghĩ phải làm việc ở đâu, đi đến đâu, có vị trí ở nơi nào thì cứ hiểu bản thân trước. Sau đó nếu phù hợp ở thành phố lớn thì vẫn có thể chọn ở đó, không vấn đề gì cả, tùy thuộc vào mục đích và điều kiện của mỗi người.
Còn nếu thấy phù hợp quay về để xây dựng quê nhà, tìm cơ hội để đóng góp cho quê hương thì hãy tự tin với điều đó. Tôi mong rằng mọi người sẽ hiểu rõ và có được sự lựa chọn chính xác cho bản thân mình.
Cảm ơn Ngô Lan Hương với những chia sẻ!