Nghiện mua sắm, bà lão thuê nguyên căn hộ chứa hàng chưa mở

Anh Thịnh

Biên tập viên

Một bà lão ở Trung Quốc chi hơn 7 tỷ đồng mua việc mua sắm trực tuyến và thuê hẳn căn hộ riêng chỉ để chứa các gói hàng chưa mở.

Người phụ nữ họ Wang, 66 tuổi, ở Thượng Hải (Trung Quốc), thuê nguyên một căn hộ chỉ để chứa các gói hàng chưa mở, sau khi đã chi tới 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 7,2 tỷ đồng) để mua sắm trực tuyến.

Sự việc gẫy “bão” mạng xã hội Trung Quốc và châm ngòi cho cuộc tranh luận sôi nổi về sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi.

Các gói hàng chưa mở chất đống trong căn hộ của bà Wang. (Ảnh: SCMP)

Bà Wang sống một mình trong căn hộ ở quận Gia Định, ngoại ô Thượng Hải. Trong vài năm qua, bà đã chi hơn 2 triệu tệ để mua sắm trên các nền tảng trực tuyến.

Phần lớn số hàng hóa bà mua đều chưa mở hộp, bị chất đống và bừa bộn trong nhà. Hàng xóm phải phàn nàn vì mùi hôi, cho biết thường xuyên nhìn thấy ruồi và gián quanh khu căn hộ của bà Wang.

Bà Wang thừa nhận nghiện mua sắm trực tuyến và việc tiêu tiền khiến bà cảm thấy phấn khích. Bà cho biết thêm mục đích tiêu tiền nhiều là để người thân và bạn bè không tìm đến vay mượn.

“Nhiều năm trước, tôi bán căn hộ ở trung tâm thành phố Thượng Hải để mua căn nhà hiện tại ở vùng ngoại ô Gia Định. Điều đó khiến người ta nghĩ rằng tôi còn nhiều tiền”, bà Wang nói.

“Để tránh việc họ tới vay mượn, tôi chọn cách tiêu hết vào mua sắm. Khi họ thấy nhà tôi chất đầy hàng hóa như vậy, họ sẽ cảm thấy không tiện mở lời vay mượn”, bà chia sẻ thêm.

Bà Wang cho biết mình thường mua hàng qua các phiên livestream. Những món bà mua chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và trang sức vàng.

Các gói hàng được chất cao tới trần nhà, đến mức bà cho biết không còn chỗ để ngủ.

Cả gara dưới tầng hầm mà bà sở hữu cũng chất đầy hàng hóa. Vài tháng trước, bà còn thuê thêm một căn hộ khác để làm kho chứa.

Nhân viên ban quản lý chung cư hỗ trợ bà Wang dọn dẹp căn hộ nhưng rồi đâu lại vào đấy. (Ảnh: SCMP)

Theo ban quản lý khu dân cư, con gái bà Wang hiện đang sống ở nước ngoài, còn họ hàng thì hiếm khi lui tới hỏi thăm. Họ từng liên hệ với người thân của bà Wang để hy vọng có thể giúp bà thay đổi, nhưng không mang lại kết quả.

Tháng 5 năm ngoái, ban quản lý khu dân cư tổ chức dọn dẹp nhà cửa cho bà Wang, nhưng sau đó tình trạng tích trữ lại tiếp diễn.

Bác sĩ Shi Yanfeng, chuyên gia tâm thần tại Thượng Hải, cho biết nhiều bệnh nhân mắc chứng rối loạn tích trữ thường đi kèm trầm cảm và lo âu xã hội. Việc điều trị chứng rối loạn tích trữ là một quá trình lâu dài.

Một người dùng mạng bình luận: “Gốc rễ vấn đề của bà là sự cô đơn.”

Người khác viết: “Người trẻ nên quan tâm hơn đến các thành viên lớn tuổi trong gia đình mình”.

BÀI LIÊN QUAN