Nghị quyết 68-NQ/TW – “Khơi thông rào cản” cho kinh tế tư nhân tăng tốc

Phạm Sinh

Phóng viên

Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) do Bộ Chính trị ban trong thời gian vừa qua được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển vượt bậc của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân. Điều này cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận và đánh giá cao…

Tổng quan về Nghị quyết 68-NQ/TW 

Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã được chính thức thừa nhận trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI tháng 12/1986 và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong nhiều Nghị quyết, định hướng của Đảng.  

Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế này vươn lên mạnh mẽ và ngày càng đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Đất nước suốt chặng đường gần 40 năm Đổi mới.

Đến nay Việt Nam đã có trên 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Trong đó, khu vực này cũng  khu vực  kinh tế này đã sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế. Tỷ trọng vốn đầu tư của KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024. Cùng với đó, đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh để hiện thực hóa mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững, hướng tới trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045, vì vậy vai trò của khu vực KTTN lại càng quan trọng.

KTTN

Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ “khơi thông rào cản” cho kinh tế tư nhân tăng tốc – ành: Chinhphu.vn

Trước bối cảnh đó, ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ khu vực KTTN.

Nghị quyết 68 chính là sự khẳng định vị thế KTTN như là một trong những “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia, thay thế cho quan điểm trước đây coi đây là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa (CNXH).

Nghị quyết này cũng đã đặt dấu mốc có tính bước ngoặt, kế thừa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII và cụ thể hóa chủ trương phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững.

Cụ thể, Nghị quyết 68 đã đặt ra mục tiêu rất rõ ràng là đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 55% GDP, năng suất lao động tăng bình quân 8,5-9,5%/năm.

Cùng với đó, tầm nhìn đến năm 2045, khu vực KTTN sẽ đóng góp trên 60% GDP và có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á .

Về cơ bản Nghị quyết 68 sẽ tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, đổi mới tư duy và nhận thức khi thống nhất cao về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc gia.

Thứ hai, cải cách thể chế và chính sách trên cơ sở rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, đơn giản hóa chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm để dễ thực hiện và dễ tuân thủ.

Thứ tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trên cơ sở hỗ trợ chi phí đầu tư công nghệ, chuyển đổi số qua khấu trừ thuế hoặc tài trợ. Cho phép doanh nghiệp trích tối đa 20% thu nhập tính thuế lập quỹ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ năm, tăng cường kết nối doanh nghiệp nhằm xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp theo cụm ngành, chuỗi giá trị. Khuyến khích doanh nghiệp lớn dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa, hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành.

Thứ sáu, phát triển doanh nghiệp lớn và tập đoàn tư nhân trên cơ sở mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, trong đó Nhà nước chủ động có chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc có chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực KTTN tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược.

Tuy nhiên, để tinh thần nghị quyết được hiện thực hóa, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các vấn đề cơ bản như: Sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt từ Trung ương đến địa phương; Đổi mới quản trị nhà nước, lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; Doanh nghiệp tư nhân cũng cần nâng cao năng lực quản trị, đạo đức kinh doanh và tinh thần kiến tạo phát triển bền vững…

Nhiều chuyên giá đánh giá cao tư duy đổi mới của Nghị quyết 68

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Nghị quyết số 68 ra đời đã tạo một bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển KTTN tại Việt Nam.

Với những chính sách đột phá và cam kết mạnh mẽ từ Đảng và Nhà nước, Nghị quyết này đã khơi thông rào cản để khu vực KTTN phát triển, tăng tốc và dần trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế quốc dân.

Theo Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Nghị quyết 68 là bước ngoặt thứ ba mang tính lịch sử trong phát triển khu vực KTTN bên cạnh hai bước ngoặt quan trọng là giai đoạn 1986 – 1990 khi chuyển từ việc coi khu vực này là đối tượng cải tạo sang thừa nhận và cho phép hoạt động trong một số lĩnh vực và sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 1999 – 2000.

Hy vọng Nghị quyết này sẽ tạo ra sự thay đổi về chất, góp phần “cởi trói” cho khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế của Đất nước” – ông Hiếu kỳ vọng.

Đối với ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị quyết 68 chính là thông điệp chính trị mạnh mẽ  khẳng định rõ ràng về vai trò của KTTN. Từ đó đã xóa bỏ những định kiến về vai trò của KTTN khi xác định khu vực này là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.

Dau An Tuan

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao vai trò của Nghị quyết 68 – ảnh: vneconomy.vn

Theo TS Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết 68 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong việc thể chế hóa vai trò của KTTN, đặt khu vực này vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.

Để hiện thực hóa các mục tiêu từ Nghị quyết 68, cần có một hệ thống các nghị định và chính sách cụ thể, đồng bộ, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết này”- ông Vũ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Phan Đình Tuệ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, điểm đặc biệt của Nghị quyết 68 là tinh thần quyết liệt, khác biệt với các nghị quyết trước đây vốn đôi khi chỉ mang tính khẩu hiệu.

Nghị quyết lần này đưa ra các số liệu và mục tiêu rõ ràng  như đến năm 2030, Việt Nam phải có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, với đóng góp cụ thể cho GDP. Ngay sau khi Nghị quyết được công bố, cộng đồng doanh nghiệp đã rất phấn khích” – ông Tuệ cho hay.

Đặc biệt, theo ông Tuệ, việc “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” thể hiện rõ ràng trong Nghị quyết này đã tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp và thể hiện thái độ công bằng giữa các thành phần kinh tế.

Đồng thời, ông Tuệ cũng thẳng thắn cho rằng, sai thì được phép sửa, khắc phục nhưng không có nghĩa là dung túng hay mập mờ.

Tuy nhiên, để Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự đồng bộ trong việc thể chế hóa các chính sách, cũng như sự chủ động, sáng tạo và đổi mới từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Việc tháo gỡ các rào cản về đất đai, tín dụng và cải cách hành chính là những yếu tố then chốt để hiện thực hóa mục tiêu phát triển KTTN bền vững – ông Tuệ nhấn mạnh…

Như vậy, chúng ta có quyền hy vọng với Nghị quyết 68 khu vực KTTN sẽ cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả từng bước đưa Đất nước ta thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

BÀI LIÊN QUAN