Nghị quyết 66-NQ/TW: Đổi mới tư duy xây dựng, thực thi pháp luật

Kiều Giang

Phóng viên

Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị được xem là dấu mốc quan trọng, thể hiện bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy về xây dựng và thực thi pháp luật ở Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở yêu cầu hoàn thiện thể chế, Nghị quyết 66 chủ trương tiến hành cải cách sâu sắc và toàn diện, với tinh thần đổi mới, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.  
GS. TS Võ Khánh Vinh
GS. TS Võ Khánh Vinh

Để hiểu rõ hơn về những điểm mới, tác động và ý nghĩa của nghị quyết này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS Võ Khánh Vinh – nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực xây dựng pháp luật ở nước ta.

Thưa Giáo sư, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của của việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 66 ngày 30/4/2025, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển hiện nay của đất nước?

Nghị quyết 66 có ý nghĩa đặc biệt về chính trị, lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng và thực thi pháp luật tại Việt Nam, phản ánh tinh thần đổi mới toàn diện, thể hiện trên 5 phương diện:

Thứ nhất, Nghị quyết 66 đặt nền tảng cho việc đổi mới tư duy một cách toàn diện và mạnh mẽ trong xây dựng và thực thi pháp luật. Trước đây, Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra các tiền đề cho đổi mới pháp luật, nhưng chưa được cụ thể hóa. Lần này, Nghị quyết 66 đã làm rõ điều đó và nhấn mạnh đổi mới tư duy là yêu cầu cấp thiết.

Thứ hai, nghị quyết này đề ra các định hướng lớn, tạo tiền đề cho việc đổi mới công tác xây dựng pháp luật. Trong thời gian tới, lĩnh vực này sẽ sôi động và có nhiều chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Thứ ba, Nghị quyết 66 nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng và thực thi pháp luật. Trước đây, Đảng ta cũng đã đề cập đến mối quan hệ này, nhưng lần này khẳng định rất rõ: nếu xây dựng pháp luật tốt mà thực thi không tốt thì kết quả trong thực tiễn sẽ không đạt được như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thứ tư, Nghị quyết đặt rõ yêu cầu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong cải cách thể chế và tổ chức thực hiện thể chế. Đây là điểm rất cơ bản thể hiện bản chất của quá trình đổi mới hiện nay. Trước đây, ta cũng nói tới quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng chưa nhấn mạnh một cách hệ thống, rõ ràng như lần này.

Thứ năm, Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hệ thống pháp luật Việt Nam trong mối quan hệ với khu vực và quốc tế. Đồng thời, nghị quyết lần đầu tiên đề cập đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật – một tư duy mới, gắn với yêu cầu của Nghị quyết 57 về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Việc nhấn mạnh “đổi mới” trong nghị quyết cho thấy có những bất cập trong cách làm cũ. Vậy Giáo sư có thể so sánh giữa tư duy cũ và tư duy mới trong xây dựng và thực thi pháp luật?

Cách tiếp cận cũ trong xây dựng và thực thi pháp luật ở nước ta chủ yếu dựa trên tư duy pháp lý thuần túy. Việc xây dựng pháp luật được hiểu là tuân thủ đúng trình tự, thủ tục – tức là đúng quy định về mặt hình thức. Quá trình soạn thảo văn bản phần lớn là kỹ thuật pháp lý, chưa đặt trọng tâm vào nội dung thực chất mà pháp luật cần hướng tới.

Một tư duy phổ biến trước đây là “Không rõ thì cấm”, thiên về kiểm soát và hạn chế, thay vì tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực cho phát triển. Đó chính là điểm nghẽn của thể chế trước đây.

Nghị quyết 66 đã đánh dấu một bước chuyển căn bản. Tư duy mới được đặt ra là: xây dựng pháp luật không chỉ là quá trình pháp lý, mà còn là một quá trình xã hội, phản ánh ý chí chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời tiếp nhận nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Pháp luật phải là công cụ để phát triển, chứ không chỉ để kiểm soát.

Một điểm đổi mới rất quan trọng trong tư duy hiện nay là: trước khi xây dựng pháp luật, phải xây dựng chính sách pháp luật. Phải có chính sách rõ ràng, được kiểm định kỹ lưỡng về mục tiêu, quan điểm, nội dung cần giải quyết – rồi sau đó mới triển khai viết văn bản luật. Trước đây, quy trình này thường bị lồng ghép hoặc xem nhẹ.

 Nghị quyết 66 – tiếp nối tinh thần Nghị quyết 27 – đã yêu cầu tách bạch quy trình xây dựng chính sách và kỹ thuật soạn thảo luật, lấy chính sách làm nền tảng tiên quyết.

Điểm mới thứ hai là việc coi xây dựng pháp luật là một công cụ để thiết kế thể chế phát triển. Thể chế pháp luật là một bộ phận quan trọng của thể chế nói chung. Nếu công tác xây dựng pháp luật không tạo ra thể chế tốt thì sẽ không thể khai thông và huy động hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển. Đây là tư duy hoàn toàn khác so với trước kia.

Một điểm rất mới nữa là việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình xây dựng pháp luật. Chúng ta hiện đã có cơ sở dữ liệu pháp luật với gần 600 luật, nghị định, văn bản dưới luật… Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào phân tích thủ công của con người thì rất mất thời gian và dễ bỏ sót. Việc sử dụng công nghệ sẽ giúp phân tích chính sách, phát hiện các điểm chồng chéo, mâu thuẫn, lỗ hổng – từ đó giúp hệ thống pháp luật trở nên rõ ràng, minh bạch và hiệu quả hơn.

Cuối cùng, tư duy mới còn nằm ở việc nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác làm luật. Trước đây, chưa có cái nhìn đầy đủ rằng làm luật cũng là một nghề – mà là một nghề đặc biệt, đòi hỏi kiến thức rộng và trách nhiệm lớn.

Người xây dựng pháp luật không chỉ cần hiểu luật, mà còn phải am hiểu kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức… để đảm bảo rằng thể chế được thiết kế phù hợp với thực tiễn, phục vụ phát triển. Pháp luật không thể chỉ do “người giỏi kỹ thuật” soạn ra – mà phải là sản phẩm của đội ngũ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, liên tục cập nhật kiến thức.

Đó là những điểm cốt lõi trong chuyển đổi tư duy từ cách làm cũ sang tư duy mới – toàn diện, sâu sắc và thực tiễn hơn – mà Nghị quyết 66 đang đặt ra và kỳ vọng được thực hiện triệt để.

 Thưa giáo sư, thực tế cho thấy Đảng và Nhà nước đã xác định rất rõ rằng “thể chế là khâu đột phá”, thậm chí là “đột phá của các đột phá”. Tuy nhiên trên thực tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông, vì sao việc cải cách thể chế lại gian nan như vậy? Đâu là điều cần ưu tiên để có thể thúc đẩy nhanh quá trình thay đổi các yếu tố thể chế đã lạc hậu?

Theo tôi, để hiểu được vì sao cải cách thể chế khó khăn, cần bắt đầu từ gốc rễ – đó là tư duy. Mọi hoạt động trong xã hội nói chung, đặc biệt là hoạt động của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, đều bắt đầu từ tư duy.

Trước đây, tư duy phổ biến của chúng ta về pháp luật vẫn là tư duy cũ: coi pháp luật như một công cụ quản lý và xử lý vi phạm. Khi nhắc đến pháp luật, người ta thường nghĩ đến các thiết chế như cơ quan điều tra, truy tố, xét xử; nghĩ đến sự chế tài, xử phạt… Đây là một góc nhìn khá hạn hẹp và bị chi phối bởi tư duy hành chính – kiểm soát.

Ngày nay, trong bối cảnh phát triển mới và hội nhập toàn cầu, pháp luật được nhìn nhận với vai trò rộng lớn và tích cực hơn nhiều. Pháp luật không chỉ là công cụ quản lý, mà trước hết là công cụ để phát huy nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển. Thể chế pháp luật là nền tảng để khơi thông các động lực phát triển – từ kinh tế tư nhân, nguồn lực con người, đến hội nhập quốc tế.

Đây là một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức. Pháp luật không còn chỉ để “ngăn” hay “xử”, mà là để mở đường, để “bật đèn xanh” cho cái mới, cái sáng tạo. Chẳng hạn, nếu muốn phát triển kinh tế tư nhân, muốn thúc đẩy công nghệ, muốn tăng cường hội nhập… thì pháp luật phải đi trước, phải tạo điều kiện, chứ không thể đi sau và cản trở.

Một tư duy khác cần thay đổi là tư duy “không quản được thì cấm”. Nghị quyết 66 nhấn mạnh rất rõ: cần dứt khoát từ bỏ tư duy cấm đoán, thay vào đó là tư duy tạo điều kiện, trao quyền chủ động. Mọi người dân và doanh nghiệp đều được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Nhà nước chỉ chỉ ra những điều bị cấm, còn lại là không gian sáng tạo và quyền tự do chính đáng của xã hội.

Một điểm mới khác trong tư duy là chuyển từ cách làm luật thuần túy pháp lý sang cách tiếp cận toàn diện hơn, có tính liên ngành. Pháp luật không thể chỉ được xây dựng dựa trên kỹ thuật lập pháp, mà còn phải cân nhắc các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội. Nghị quyết 66 thậm chí còn nêu rõ: pháp luật phải kết hợp với điều chỉnh bằng đạo đức xã hội. Bởi vì, linh hồn của pháp luật là đạo đức – đạo đức tối thiểu cần được pháp luật hóa, và đạo đức tối đa nên được pháp luật thúc đẩy.

Có thể nói, để đổi mới thể chế, trước hết phải đổi mới tư duy về vai trò, chức năng, bản chất của pháp luật. Và muốn cải cách thể chế nhanh hơn, hiệu quả hơn, chúng ta phải bắt đầu từ sự thay đổi trong cách nghĩ – từ quản lý sang phục vụ; từ kiểm soát sang tạo động lực; từ hạn chế sang khơi mở.

BÀI LIÊN QUAN