Ngành ngân hàng sẵn sàng là bên “đối ứng” cho doanh nghiệp tư nhân phát triển theo Nghị quyết 68

Phạm Sinh

Phóng viên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.

NHNN ban hành Kế hoạch thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân theo Nghị quyết 68

Gần đây Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã ký ban hành Quyết định số 2415/QĐ-NHNN nhằm triển khai Nghị quyết số 138/NQ-CP (Nghị quyết 138) của Chính phủ về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68 nhằm tập trung vào định hướng phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).

Thong doc NHNN
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng mới ký ban hành Kế hoạch thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân theo Nghị quyết 68

Theo NHNN, mục tiêu chính của Kế hoạch là tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến ngành ngân hàng được nêu trong Nghị quyết.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần nâng cao nhận thức và xác định rõ vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc thúc đẩy khu vực KTTN trở thành một trong những động lực chủ lực của nền kinh tế.

Kế hoạch nhấn mạnh việc quán triệt và phổ biến sâu rộng nội dung Nghị quyết 68 và Nghị quyết 138 đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành ngân hàng. Trong đó đẩy mạnh mục tiêu chuyển biến nhận thức, tạo sự đồng thuận trong tư duy và hành động, bảo đảm sự công bằng và bình đẳng trong đối xử với khu vực KTTN.

Đồng thời, NHNN yêu cầu tổ chức các chương trình tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, đa dạng hóa hình thức và nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng. Các hội nghị, hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức để triển khai các giải pháp cụ thể, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tập trung vào các chính sách tín dụng, tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân. Cơ quan báo chí trong ngành như Thời báo Ngân hàng sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc thông tin, phản hồi và tiếp nhận kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua cổng thông tin điện tử của NHNN.

Đặc biệt, nội dung trọng tâm của Kế hoạch là thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao chất lượng chính sách và ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số. Trong đó đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ pháp luật và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính được xác định là bước đi chiến lược.

Thống đốc NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Nguồn vốn sẽ tập trung vào các lĩnh vực có tính chất đổi mới như đầu tư công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tín dụng xuất khẩu và phát triển theo chuỗi cung ứng.

Lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng mở rộng tài trợ vốn theo mô hình chuỗi giá trị, hỗ trợ hộ kinh doanh và doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, tích hợp dữ liệu cảnh báo từ các cơ quan quản lý để cảnh báo sớm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh về nguy cơ vi phạm pháp luật. Đồng thời,  xây dựng các chuyên mục riêng trên cổng thông tin điện tử nhằm tiếp nhận và giải quyết phản ánh từ doanh nghiệp sẽ giúp tăng cường tương tác, tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Các đơn vị thuộc NHNN và hệ thống tổ chức tín dụng cần cụ thể hóa các nội dung trong kế hoạch thành nhiệm vụ thường xuyên, đưa vào chương trình công tác hằng năm nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết.

Như vậy, ngành Ngân hàng khẳng định cam kết đồng hành cùng khu vực KTTN, không chỉ trong việc cung cấp tín dụng mà còn thông qua cải cách thể chế, chuyển đổi số và hỗ trợ toàn diện. Đây là bước đi quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa KTTN trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đúng như tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị và yêu cầu của Chính phủ.

Các chuyên gia đánh giá cao vai trò của ngân hàng trong việc thực hiện Nghị quyết 68

Tại buổi tọa đàm “Phát huy vai trò của các ngân hàng thương mại trong thực hiện Nghị quyết 68” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/6, đại diện nhiều NHTM đã cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Phi Lân – Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê, ổn định tiền tệ, tài chính NHNN cho biết, đến ngày 18/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024, tăng 18,71% so với cùng kỳ năm 2024.

Nguyn Phi Lan
Ông Nguyễn Phi Lân – Vụ trưởng Vụ Dự báo, Thống kê, Ổn định tiền tệ, tài chính (Ngân hàng Nhà nước) – ảnh: VGP

Hiện nay có 100 tổ chức tín dụng đã phát sinh dư nợ với khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có khoảng 209.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ có phát sinh dư nợ. Điều này thể hiện sự lan tỏa của dòng vốn tín dụng đến các phân khúc doanh nghiệp từ sản xuất, dịch vụ cho đến bất động sản.

Ông Lân cũng cho biết, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn đã phát huy tác dụng khi hệ thống ngân hàng triển khai cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, số hóa quy trình cho vay, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và tiếp cận vốn.

Điểm nổi bật của Nghị quyết 68 là khuyến khích doanh nghiêp xây dựng hệ sinh thái tài chính minh bạch, tăng cường quản trị tài chính. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư bài bản, giảm phụ thuộc vốn ngân hàng thông qua đa dạng hóa nguồn lực như trái phiếu, cổ phiếu, liên doanh, liên kết, huy động từ nhà đầu tư trong và ngoài nước” – Nguyễn Phi Lân cho biết..

Cũng tại buổi tọa đầm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoRA) nhận định, Nghị quyết 68 là một trong những “trụ cột chính sách” lớn nhất thúc đẩy KTTN. Đặc biệt, đối với lĩnh vực bất động sản, nghị quyết góp phần giải quyết các vướng mắc về pháp lý, chiếm tới 70% khó khăn ngành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn đối mặt với rào cản trong tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn.

Vì vậy, ông Châu đề xuất Chính phủ cần khuyến khích người dân gửi tiết kiệm dài hạn để ngân hàng có cơ sở cho vay an toàn. Cùng với đó, cần phát triển thêm các quỹ đầu tư, sửa đổi quy định nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán trở thành kênh vốn hiệu quả, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

 TS Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết 68 là sự cụ thể, tính thực tiễn cao và được thể chế hóa nhanh chóng.

Việc Quốc hội ban hành Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong thời gian ngắn là minh chứng rõ rệt cho nỗ lực cải thiện hành lang pháp lý cho tín dụng” – TS Tuấn thông tin.

Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và doanh nghiệp sáng tạo vẫn là vấn đề vốn dù số doanh nghiệp này chiếm đến 97 – 98% tổng số doanh nghiệp cả nước

Đa phần lớn nhóm này vẫn phải tìm đến nguồn vốn phi chính thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro” – Ông Tuấn nhấn mạnh.

TS Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và quỹ bảo lãnh tín dụng hiện nay đang hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy Nghị quyết 68 đã đưa ra giải pháp tổ chức lại các quỹ theo cơ chế thị trường, chấp nhận rủi ro có kiểm soát để hỗ trợ đúng đối tượng.

Cũng theo ông Tuấn, việc điều hành lãi suất hợp lý và linh hoạt là yếu tố sống còn trong môi trường kinh doanh hiện đại. Đặc biệt, ngân hàng cần được trao quyền cho vay theo dòng tiền, thay vì chỉ dựa vào tài sản đảm bảo trên cơ sở cần sửa đổi nhiều quy định còn ràng buộc…

Nguyen Thanh Van
Bà Nguyễn Bảo Thanh Vân – Phó Tổng giám đốc VietinBank – ảnh: VGP

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Bảo Thanh Vân – Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết, VietinBank đã đưa ra một chương trình hành động cụ thể như:

Tăng cường truyền thông nội bộ và đào tạo đội ngũ RM (Chuyên viên Quản trị quan hệ) để giúp các đối tượng khách hàng nắm rõ chính sách của Nhà nước, hiểu đặc thù của từng nhóm khách hàng, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể đang trong quá trình chuyển đổi lên DN.

Xây dựng các gói tín dụng chuyên biệt cho doanh nghiệp tư nhân và các đối tượng khách hàng SME, với lãi suất ưu đãi từ 5%/năm, thấp hơn cả mặt bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng (hiện ở mức 5,2 – 5,3%). Trong đó các gói vay được thiết kế riêng cho từng ngành nghề, mục tiêu kinh doanh để bảo đảm phù hợp và hiệu quả cao nhất.biết, VietinBank đã áp dụng các công nghệ chuyển đổi số vào phục vụ khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng doanh nghiệp tư nhân và SME. Hiện nay, VietinBank đang sử dụng AI để phân tích, thẩm định dựa trên cái dữ liệu dòng tiền và dựa trên chuỗi giá trị của khách hàng.

Đồng thời, tích hợp dữ liệu giữa ngân hàng, thuế và các cơ quan quản lý để thu thập những thông tin của khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác nhất để sớm đưa ra những quyết định thẩm định cho khách hàng.

Chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ, ủng hộ của NHNN để toàn hệ thống ngân hàng cùng thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 68 để cùng phát triển lành mạnh, hướng tới đạt được các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ…” ” – bà Nguyễn Bảo Thanh Vân nhấn mạnh.

Bà Vân cũng cho biết thêm, về môi trường cạnh tranh VietinBank khẳng định quan điểm luôn ủng hộ cạnh tranh lành mạnh nơi các ngân hàng cùng đồng hành với doanh nghiệp dựa trên giá trị bền vững, dịch vụ tận tâm, giải pháp tài chính linh hoạt và sự cam kết lâu dài…

Phạm Sinh

BÀI LIÊN QUAN