Nem chua Thanh Hóa cuốn hút thực khách ngay từ lần đầu nếm thử. Vị chua nhẹ của thịt lên men, cái giòn sần sật của bì lợn, vị cay nồng của tỏi, ớt, hương thơm đặc trưng của lá đinh lăng… tất cả hòa quyện, tạo nên một tổng thể hài hòa khó cưỡng.
Chính bởi hương vị khó quên ấy mà đối với người Thanh Hóa, cũng như những ai từng có dịp đặt chân đến mảnh đất này, nem chua không chỉ là món ăn ngon mà còn là món quà quê chan chứa tình cảm – thứ quà nhỏ bé nhưng hàm chứa cả sự trân trọng, gắn bó và yêu thương dành cho người thân, bạn bè nơi phương xa.
Từ món ăn gia đình đến đặc sản trứ danh
Trước kia, nem chua chủ yếu được làm vào dịp lễ, Tết, cưới hỏi – như một món ngon dành riêng cho những dịp trọng đại. Nhưng từ những năm 70 của thế kỷ XX, nghề làm nem bắt đầu hình thành và phát triển mạnh ở thành phố Thanh Hóa.
Dần dà, món ăn này vượt ra khỏi phạm vi địa phương, trở thành niềm tự hào của người xứ Thanh, và là “thương hiệu ẩm thực” mà du khách nào đến đây cũng muốn thử qua và mang về làm quà.
Nem chua là sự kết tinh của sự tỉ mỉ, kinh nghiệm và cả niềm đam mê với ẩm thực truyền thống. Nguyên liệu chính là thịt lợn nạc – nhưng nhất định phải là phần thịt mông, được lấy ngay sau khi lợn vừa mổ, còn ấm nóng.
Thịt được giã nhuyễn (trước đây là giã tay trong cối đá, giờ đã dùng máy móc hỗ trợ), trộn cùng bì lợn thái mỏng như sợi miến.
Bì lợn cũng phải được xử lý kỹ lưỡng: cạo lông bằng nước sôi già để sạch tận chân lông, làm sạch mỡ và thái sợi đều tay. Cùng với thịt và bì là thính gạo rang vàng xay nhỏ; tỏi, ớt thái lát, lá đinh lăng, lá ổi hoặc lá sung… tất cả tạo nên một bản hòa tấu hương vị đầy cuốn hút.
Khi trộn xong hỗn hợp, người thợ sẽ gói nem bằng lá chuối hột hoặc lá chuối ngự – loại lá có độ dai và giữ màu tốt. Mỗi chiếc nem được buộc chặt tay bằng dây chun, đảm bảo độ nén vừa đủ để nem không bị nhão cũng không bị khô.
Nem chua Thanh Hóa thường được gói bằng hai lớp lá chuối và lớp giấy bóng, giúp bảo quản tốt hơn trong suốt quá trình lên men và vận chuyển.
Sau khoảng 3 ngày lên men tự nhiên, nem bắt đầu chín, dậy mùi thơm, sẵn sàng để thưởng thức. Cắn vào miếng nem, thực khách sẽ cảm nhận rõ sự đan xen giữa vị chua dịu, ngọt thơm, cay nồng và mằn mặn – một sự hài hòa rất riêng chỉ nem chua Thanh Hóa mới có.
Giữ hồn quê qua từng chiếc nem
Một chủ cơ sở làm nem nổi tiếng ở Thanh Hóa chia sẻ: “Để có một chiếc nem ngon, ngoài kinh nghiệm còn cần cái tâm và sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Nem làm ra không chỉ để bán, mà còn là cách để gìn giữ một phần hồn quê, một phần ký ức tuổi thơ gắn với bữa cơm gia đình”.
Ngày nay, công nghệ hỗ trợ đã giúp nghề làm nem bớt nặng nhọc hơn, nhưng người dân xứ Thanh vẫn giữ nguyên phương pháp truyền thống trong từng bước chế biến, xem đó là cách để không đánh mất hồn cốt của món ăn quê nhà.
Nem chua Thanh Hóa có thể ăn chơi, làm món nhậu, ăn kèm tương ớt hoặc dùng trong các bữa cơm hằng ngày. Nhưng hơn hết, nó còn là một mảnh ký ức gói gọn trong từng lớp lá chuối xanh, là nỗi nhớ của người con xa quê, là món quà quê giản dị nhưng chan chứa tình thân.
Không chỉ đơn thuần là một món ngon, nem chua Thanh Hóa còn là cầu nối đưa hương vị quê hương lan tỏa, níu giữ bước chân du khách và thắp lên trong lòng bao người xa xứ nỗi nhớ quê quay quắt. Mỗi chiếc nem là kết tinh của sự khéo léo, tinh tế và tình yêu quê nhà – một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa đầy sắc màu của vùng đất Thanh Hóa giàu truyền thống.
Trải qua thời gian, nem chua Thanh Hóa đã vượt qua ranh giới vùng miền để ghi dấu trong lòng thực khách khắp mọi miền đất nước và cả bạn bè quốc tế, góp phần làm phong phú thêm cho bức tranh tinh hoa ẩm thực Việt Nam.
Năm 2024, trang web ẩm thực uy tín thế giới TasteAtlas đã công bố danh sách 52 món ăn cay ngon nhất toàn cầu, trong đó nem chua Thanh Hóa vinh dự xếp thứ 50, đồng thời trở thành đại diện ẩm thực duy nhất của Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng này.