“Tôi bận lắm!”
Chiều cuối tuần, T. Linh (32 tuổi, nhân viên truyền thông, TP.HCM) mở máy tính để “làm nốt một chút việc”. Nhưng “chút việc” ấy kéo dài đến 10 giờ tối. Gấp laptop lại trong mệt mỏi, cô tắt đèn, định đi ngủ, nhưng vẫn không dứt được cảm giác lấn cấn vì công việc.
“Tôi cảm thấy ngày này qua ngày khác mình cứ chìm đắm trong công việc. Cứ đi làm rồi về nhà, cuối tuần đôi khi cũng chẳng được nghỉ ngơi. Bạn bè rủ đi cà phê, đi ăn mà cứ bận hoài họ cũng chán, riết rồi tôi chẳng có thú vui nào ngoài công việc,” Linh chia sẻ.
Câu chuyện của Linh không phải ngoại lệ. Đó là thực tế phổ biến của một thế hệ đang mắc kẹt trong vòng xoáy năng suất độc hại – nơi giá trị con người được đo bằng số giờ làm việc, đầu việc hoàn thành và khả năng “chạy deadline” không ngơi nghỉ.
Ở nhiều đô thị hiện đại, cụm từ “bận lắm”, “bận chết đi được”, “không có thời gian thở” gần như là lời khẳng định ngầm rằng bạn đang sống có giá trị. Một lịch trình dày đặc, luôn có việc để làm – thậm chí không bao giờ rảnh tay – đang được xem là minh chứng cho sự chăm chỉ, hữu ích và thành đạt.
Không chỉ trong công việc, chủ nghĩa năng suất độc hại còn len lỏi vào đời sống cá nhân. Đi nghỉ cũng phải “check-in cho đủ”, tập thể dục cũng phải có app theo dõi, đọc sách cũng phải đặt mục tiêu 50 cuốn/năm. Ngay cả lúc thư giãn, nhiều người vẫn không thoát khỏi suy nghĩ: “Liệu mình có đang làm điều gì đủ hiệu quả?”
Áp lực phải liên tục “tốt hơn hôm qua” đang trở thành một chiếc bóng đè lên tinh thần của cả một thế hệ – thế hệ “không được phép dừng lại”.
Khi AI – công cụ hỗ trợ trở thành gánh nặng năng suất mới
Ở một mức độ nhất định, năng suất là điều cần thiết – giúp con người đạt mục tiêu, kiểm soát thời gian và phát triển bản thân. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi năng suất không còn là công cụ phục vụ cuộc sống, mà bị biến thành thước đo giá trị con người.
Bạn làm được bao nhiêu việc mỗi ngày? Bạn có tận dụng từng phút để học thêm, làm thêm không? Bạn có luôn “bận rộn một cách có mục tiêu” không?
Khi những câu hỏi đó trở thành chuẩn mực xã hội ngầm, người trẻ bắt đầu tự đánh giá bản thân theo tiêu chí: “Mình có đủ hữu ích không?” Và khi cảm thấy mình chưa đủ năng suất, họ dễ rơi vào mặc cảm, tội lỗi – ngay cả khi đang thực sự mệt mỏi.
Thách thức ấy càng rõ ràng hơn trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Nhiều nghiên cứu gần đây, trong đó có các phân tích của The New York Times và The Wall Street Journal, chỉ ra rằng: AI càng hỗ trợ tốt, kỳ vọng công việc càng cao. Khi một nhân viên hoàn thành việc nhanh hơn nhờ công nghệ, họ thường được giao thêm việc. Khi email được xử lý bằng công cụ tự động, họ lại được kỳ vọng sẽ phản hồi liên tục, không ngừng nghỉ.
Và khi cả môi trường làm việc tận dụng công nghệ để tăng tốc, việc chậm lại hay nghỉ ngơi đôi khi bị xem là “thiếu chuyên nghiệp”, thậm chí là tụt hậu.
“Thay vì giúp con người có thêm thời gian nghỉ ngơi, công nghệ đang vô hình chung kéo dài giờ làm việc và nâng trần kỳ vọng,” một chuyên gia hành vi tổ chức nhận định trên WSJ.
Trong bối cảnh đó, người trẻ không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn phải chạy đua với chính hiệu suất mà công nghệ tạo ra cho họ.
Burnout không còn là chuyện của… sếp
Burnout (kiệt sức) từng là vấn đề chủ yếu ở tầng lớp lãnh đạo hay người làm việc cường độ cao. Nhưng hiện nay, nó xuất hiện ngày càng nhiều ở sinh viên, nhân viên văn phòng, người làm nghề sáng tạo – những người trẻ đang “phấn đấu không ngơi nghỉ”.
Một khảo sát của Gallup năm 2023 cho thấy: 76% người dưới 35 tuổi từng cảm thấy kiệt sức vì công việc, trong đó 40% cho biết điều đó xảy ra thường xuyên. Nhiều người không dám nghỉ phép, sợ mất cơ hội, sợ bị đánh giá thấp. Họ chọn cách chịu đựng – cho đến khi mất ngủ, mất động lực, mất cảm xúc và đôi khi… mất luôn phương hướng sống.
- Christina Maslach (ĐH California, Berkeley), người tiên phong trong nghiên cứu burnout, nhấn mạnh:
“Burnout không phải do cá nhân yếu đuối, mà là phản ứng tâm lý mang tính hệ thống trước môi trường làm việc độc hại.”
Cùng quan điểm, Amanda Jones – chuyên gia hành vi tổ chức tại King’s Business School – cho rằng:
“Chúng ta đang làm việc chăm chỉ hơn qua từng năm, nhưng không có nghĩa là hiệu quả hơn. Tích tụ áp lực chính là nền tảng của kiệt sức.”
Chủ nghĩa năng suất độc hại không tự nhiên mà hình thành. Nó bắt nguồn từ nhiều yếu tố:
Mạng xã hội khiến việc so sánh trở nên dễ dàng và ám ảnh hơn bao giờ hết.
Nền kinh tế cạnh tranh cao, nơi giá trị cá nhân gắn chặt với hiệu suất.
Tâm lý sợ bị thay thế, sợ không đủ giỏi, không có chỗ đứng.
Và sâu xa hơn, là nhu cầu chứng minh mình có giá trị trong một thế giới ngày càng thay đổi chóng mặt.
Học lại cách nghỉ ngơi
Chúng ta được dạy cách làm việc chăm chỉ, nhưng hiếm ai được dạy cách nghỉ ngơi đúng nghĩa. Trong một thế giới chạy theo tốc độ và hiệu quả, nghỉ ngơi bỗng trở thành điều xa xỉ, thậm chí là một nỗi ám ảnh.
Mỗi người cần khoảng lặng để hồi phục, kết nối lại với bản thân và làm việc bền vững hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chủ nghĩa năng suất không xấu. Nhưng khi nó biến thành năng suất độc hại – nơi hiệu quả được đặt cao hơn sức khỏe, con người bị xem là “máy sản xuất thành tích”, thì hậu quả là sự suy sụp.
Giá trị của bạn không chỉ nằm ở số đầu việc đã hoàn thành, hay số giờ thức khuya. Giá trị của bạn nằm ở chính bạn, một con người sống, cảm nhận, có ước mơ, có giới hạn, và xứng đáng được nghỉ ngơi.