Nằm sấp kiểu mới: Bí quyết đẩy lùi đau cổ thời 4.0

Chí Phú

Biên tập viên

Một trào lưu nằm sấp lạ đang được nhiều người áp dụng vì tin rằng có thể giúp giảm đau cổ, lưng do ngồi lâu, ít vận động.
Các video ca ngợi “nằm sấp kiểu người lớn” trên TikTok thu hút hàng triệu lượt xem.
Các video ca ngợi “nằm sấp kiểu người lớn” trên TikTok thu hút hàng triệu lượt xem.

Nằm sấp trên sàn, không giày dép, không đổ mồ hôi. Đó chính là lý do trào lưu “nằm sấp kiểu người lớn” đang lan nhanh trên mạng xã hội, với các video thu hút hàng triệu lượt xem.

Nhưng điều gì thực sự đứng sau cơn sốt này?

Nguyên nhân chính xuất phát từ cái được gọi là “cổ công nghệ” (tech neck). 

“Cổ công nghệ là cụm từ dùng để mô tả tình trạng đau cổ, cứng khớp và khó chịu do cúi nhìn thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng hoặc laptop quá lâu”, theo Caitlin Reid, Giám đốc lâm sàng tại Trung tâm Vật lý trị liệu Spear (Mỹ).

Reid cho biết tình trạng này thường là kết quả của tư thế xấu, khi đầu nghiêng về phía trước và cổ phải gánh cả trọng lượng suốt thời gian dài. Và đây không phải là chuyện nhỏ.

“Cứ mỗi inch (2,5 cm) cổ nghiêng ra trước sẽ làm tăng thêm khoảng 4,5 kg áp lực lên cột sống cổ”, Tiến sĩ James Higgins, Chuyên gia vật lý trị liệu và là đối tác tại Trung tâm Vật lý trị liệu Integrative NYC, giải thích.

Tình trạng đau cổ, đặc biệt ở người trẻ, đang gia tăng.
Tình trạng đau cổ, đặc biệt ở người trẻ, đang gia tăng.

Ông nói thêm ngày càng có nhiều bệnh nhân tìm đến phòng khám của ông với triệu chứng cổ công nghệ, đặc biệt là dân văn phòng. 

Dù khó xác định chính xác có bao nhiêu người Mỹ bị ảnh hưởng, các nghiên cứu cho thấy 73% sinh viên đại học và 65% người làm việc tại nhà từng bị đau cổ hoặc lưng.

“Nếu không được xử lý, cổ công nghệ có thể dẫn đến đau cổ mạn tính, đau đầu, mất cân bằng cơ, chèn ép thần kinh và thoái hóa đĩa đệm”, Reid cảnh báo.

Nằm sấp kiểu người lớn thực ra được lấy cảm hứng từ bài tập “tummy time” cho trẻ sơ sinh, một hoạt động quan trọng giúp bé phát triển cổ, lưng, vai, ngăn ngừa tật đầu phẳng và tăng khả năng phối hợp tay mắt.

“Ở người lớn, động tác này chủ yếu nhằm đảo ngược tư thế cúi cong cổ lưng lâu ngày bằng cách ngửa cổ, ưỡn lưng”, Higgins cho biết. “Nhờ đó giảm đau, giải phóng áp lực cho các khớp cổ và lưng dưới”.

“Dưới góc độ vật lý trị liệu, tôi thấy giá trị của tư thế này vì nó giúp kéo giãn phía trước cơ thể, mở rộng cột sống và tăng cường nhóm cơ giữ vai, cổ”, bác sĩ Morgan Severe, Chuyên gia chỉnh hình tại Bệnh viện Đặc biệt Naples, chia sẻ.

Reid nói chỉ cần dành ra khoảng 10 phút mỗi ngày là có thể giúp phòng tránh cổ công nghệ và giảm bớt đau nhức. 

“Nằm sấp cũng có thể làm dịu cơn đau cổ, lưng dưới cho người bị hội chứng sai tư thế, căng cơ hoặc lệch, phồng, thoát vị đĩa đệm”, Higgins nói thêm.

“Nằm sấp” có thể giúp tăng cường cơ cổ, vai và lưng.
“Nằm sấp” có thể giúp tăng cường cơ cổ, vai và lưng.

Tuy nhiên, Higgins cũng khuyến cáo không phải ai cũng phù hợp với tư thế này. 

“Nằm sấp không thích hợp cho những người bị hẹp ống sống cổ hoặc thắt lưng, thoái hóa cột sống hay viêm khớp vì động tác kéo giãn có thể khiến tình trạng nặng hơn”, ông nói.

Reid lưu ý thêm, những người bị đau cổ lưng nghiêm trọng, mới phẫu thuật bụng hoặc tim, khó thở nặng và phụ nữ gần sinh cũng nên thận trọng. 

“Điều quan trọng là tư thế phải thoải mái, không gây đau lưng dưới. Nếu có, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được điều chỉnh phù hợp”Severe nói.

Để tập đúng, Higgins hướng dẫn nên chọn sàn cứng hoặc thảm yoga, tránh giường hoặc ghế mềm. 

Nằm sấp chống trên khuỷu tay sao cho khuỷu ngay dưới vai, mặt nhìn thẳng, lưng thả lỏng. Bắt đầu từ 5-10 phút mỗi lần. Nếu xuất hiện đau nhói, tê, chóng mặt, khó thở hoặc mất cảm giác ở tay, cần dừng ngay lập tức.

Nếu chưa sẵn sàng nằm xuống sàn, vẫn có nhiều lựa chọn khác để đối phó với cổ công nghệ. Reid gợi ý các bài tập tăng cường cơ giữ tư thế như xoay cổ vai, xoay cánh tay, chống đẩy vào tường, hoặc các tư thế yoga như chó cúi mặt (downward dog) hay con mèo-con bò (cat-cow).

Higgins nói thêm: “Khi chúng ta khòm vai ra trước, cổ cũng sẽ nghiêng theo. Việc rèn cơ lưng trên và cơ quanh xương bả vai sẽ giúp vai mở ra sau, từ đó cổ giữ được tư thế trung tính, không đau.”

Việc rèn luyện cơ cổ, vai và lưng rất quan trọng cho cả trẻ nhỏ, người lớn tuổi và tất cả mọi người.
Việc rèn luyện cơ cổ, vai và lưng rất quan trọng cho cả trẻ nhỏ, người lớn tuổi và tất cả mọi người.

Nhưng đây không phải phép màu để hết ngay đau cổ vì dùng điện thoại quá nhiều. 

“Cơ thể chúng ta không được thiết kế để giữ nguyên một tư thế quá lâu”, Severe nhấn mạnh, cho rằng những lần đứng dậy thay đổi tư thế, vận động xen kẽ suốt ngày, cộng với lối sống năng động, mới chính là chìa khóa bảo vệ hệ cơ xương lâu dài.

BÀI LIÊN QUAN