Muốn giữ vị thế, đô thị cần sẵn sàng trước biến đổi khí hậu

Ánh Dương

Biên tập viên

Để duy trì khả năng cạnh tranh, các thành phố cần chứng minh rằng họ đã sẵn sàng ứng phó với những cú sốc về khí hậu.

Từ lâu, đô thị đã là điểm đến hấp dẫn đối với nhân tài, sự đổi mới và những chính sách đầu tư hấp dẫn, nhưng cách thức các thành phố lớn cạnh tranh để giành lấy những nguồn tài nguyên này đang dần thay đổi.

Theo Reuters, các thành phố hiện là nơi cư trú của khoảng một nửa dân số toàn cầu và đóng góp tới 80% GDP của thế giới. 

Trong thập kỷ qua, những khu vực thành thị ngày càng bị ảnh hưởng bởi các sự kiện thời tiết cực đoan từng được xem là hiếm hoi nhưng giờ đã trở nên quá đỗi phổ biến. 

Đầu năm nay, chúng ta chứng kiến khu vực Los Angeles rộng lớn hứng chịu hậu quả nghiêm trọng từ vụ cháy Eaton, ảnh hưởng nặng nề đến cơ sở hạ tầng, nền kinh tế và cuộc sống người dân. 

Những chiếc ô tô cháy rụi trong vụ cháy Eaton (Mỹ), ảnh chụp ngày 13/03/2025. (Ảnh: REUTERS/Daniel Cole)

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2050, số thành phố chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ cực đoan có thể tăng gấp ba, trong khi có khoảng 1,8 tỷ người đang đứng trước nguy cơ hứng chịu lũ lụt. 

Trong bối cảnh các thành phố ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc về khí hậu, môi trường, cũng như thách thức về nhân khẩu học, việc chỉ dựa vào các chỉ số cạnh tranh truyền thống như GDP và cơ sở hạ tầng là không đủ phản ánh toàn bộ năng lực cạnh tranh của đô thị.

Hiện nay, giới lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư toàn cầu quan tâm nhiều hơn đến kế hoạch ứng phó với các thách thức ngày càng tăng ở thành phố họ chọn để đầu tư. 

Từ việc đảm bảo sức sống của khu vực trung tâm thành phố trong thời kỳ hậu đại dịch, cho đến đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và cải thiện chất lượng không khí.

Có thể nói, sức cạnh tranh giờ đây không chỉ là sự hấp dẫn về thương mại, mà còn được đánh giá qua khả năng phục hồi của thành phố đó trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.

Báo cáo từ “Công cụ theo dõi Định nghĩa lại Năng lực cạnh tranh của Thành phố” (City Competitiveness Redefined Tracker) do Arup thực hiện, phân tích 63 thành phố cho thấy, các đô thị tích hợp chiến lược ứng phó và phục hồi trước biến đổi khí hậu vào quy hoạch đều có ưu thế vượt trội trong việc thu hút đầu tư, doanh nghiệp và nhân tài. 

Một số điển hình nổi bật gồm Paris (Pháp), Vancouver (Canada) và Singapore, vốn đã chủ động xử lý nguy cơ ngập lụt và đẩy mạnh tiếp cận năng lượng tái tạo. Đây là những thành phố có vị thế tốt nhất để trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.

Tầm nhìn phóng ra sông Seine và đường chân trời Paris từ khinh khí cầu nghiên cứu Ballon Generali de Paris trong quá trình kiểm tra chất lượng không khí từ trên Công viên Andre-Citroen ở Paris (Pháp), ngày 29/4. (Ảnh: Reuters)

Những cách tiếp cận mới này thách thức các quan niệm truyền thống về một thành phố “sừng sỏ”. Ví dụ như Lima (Peru) vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nhờ vào sự tăng trưởng của “tài chính xanh” (Green Finance). 

Tương tự như vậy, Seoul (Hàn Quốc), Melbourne (Úc) và Buenos Aires (Argentina) được đánh giá cao nhờ đang thiết lập các tiêu chuẩn mới về hành động và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu, chứng minh rằng các chiến lược có tư duy tiến bộ có thể định nghĩa lại thành công của đô thị.

Miami là ví dụ đáng chú ý khi phát hành “trái phiếu vĩnh viễn” trị giá 400 triệu USD để tài trợ các dự án phục hồi, đồng thời bổ nhiệm cán bộ phụ trách nhiệt độ (Chief Heat Officer), một vị trí đang trở nên phổ biến ở các thành phố như Santiago (Chile) và Freetown (Sierra Leone). 

Những sáng kiến ​​về vai trò tương tự có thể thúc đẩy thay đổi để biến những thành phố nóng thành nơi đáng sống, tăng sức hấp dẫn của nó đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, mạng lưới các cán bộ phụ trách nhiệt của Trung tâm phục hồi khí hậu (Climate Resilience Center) là một ví dụ tuyệt vời về sự hợp tác quốc tế, giúp các thành phố học hỏi những biện pháp hiệu quả ở những nơi khác trên thế giới.

Arup C40 Cities (mạng lưới toàn cầu gồm thị trưởng của các thành phố hàng đầu thế giới chung tay hành động ứng phó với khủng hoảng khí hậu) đã chỉ ra rằng khi các nguồn lực và chuyên môn được chia sẻ, các sáng kiến thích ứng bền vững được triển khai nhanh  chóng hơn. 

Tại Việt Nam, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng cũng đang dần nhận thức rõ hơn về yêu cầu cấp bách của việc tích hợp thích ứng khí hậu vào quy hoạch đô thị. 

Nhiều năm qua, Hà Nội đã triển khai các dự án tái thiết hạ tầng thoát nước, nâng cấp hồ điều hòa và cải thiện năng lực cảnh báo mưa lớn hay ngập úng. 

Thành phố đang xây dựng các hồ điều hòa tại quận Thanh Xuân và Long Biên. Những dự án cải tạo lưu vực sông Tô Lịch, sông Nhuệ và trạm bơm tiêu tại Đông Anh, Hà Đông, Long Biên cũng được đẩy nhanh tiến độ. Hệ thống đê Hữu Hồng, dài 37,709km, đã được nâng cấp, vừa chống lũ vừa phục vụ giao thông và chỉnh trang đô thị. 

Tiêu biểu là thủ đô đã chủ động triển khai nhiều phương án phòng, chống úng ngập, củng cố hệ thống đê điều, huy động lực lượng ứng trực và chuẩn bị vật tư thiết yếu trước thềm mùa mưa bão 2025 đến gần. (Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng)

Nhân viên Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội ứng trực tại các điểm nóng ngập úng mỗi khi có mưa lớn xảy ra. (Ảnh: moc.gov.vn)

Ở TP.HCM, những khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi triều cường và nước biển dâng cũng đang đẩy mạnh phát triển các dự án đê bao chống ngập, tích hợp bản đồ rủi ro thiên tai vào quy hoạch phát triển vùng ven sông, ven biển. 

Báo Nông nghiệp và Môi trường dẫn lời TS. Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định: “Không thể chỉ nhìn biến đổi khí hậu như vấn đề môi trường thuần túy mà phải đặt trong bối cảnh phát triển tổng thể. Mỗi chính sách quy hoạch, mỗi dự án hạ tầng đều phải tính đến yếu tố rủi ro khí hậu từ giai đoạn đầu”. 

Song song đó, Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để triển khai các dự án ứng phó biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Thành phố cũng đang xây dựng Đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước đến năm 2030 nhằm giảm ngập úng và thích ứng mưa cực đoan. 

Ngoài ra, các chỉ tiêu chống chịu khí hậu được tích hợp vào quy hoạch phát triển đô thị theo Quyết định 95/QĐ-TTg năm 2025, cho thấy cam kết rõ ràng của Đà Nẵng trong phát triển bền vững. (Theo Cổng TTĐT Chính Phủ Việt Nam)

Dù còn nhiều thách thức, những bước đi này là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các đô thị Việt Nam đã bắt đầu dịch chuyển khỏi tư duy đối phó sang chủ động thích ứng. Bài học từ các đô thị trên thế giới cho thấy, nếu muốn giữ chân nhà đầu tư, thu hút nhân lực chất lượng cao và duy trì sức sống đô thị, các thành phố không thể chờ đợi thêm. Đầu tư cho khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu không chỉ là một nhiệm vụ môi trường, mà đó còn là chiến lược cạnh tranh sống còn trong tương lai.

BÀI LIÊN QUAN