Tâm lý đám đông và hiệu ứng fomo
Họ đẹp, họ nổi tiếng, họ nói “tôi dùng cái này mỗi ngày”… và thế là hàng trăm, thậm chí nghìn người lập tức click chuột, nhấn like, thả comment, hoặc vội vàng “chốt đơn”…
Khi nhiều người cùng chia sẻ, khen ngợi hay quyết định mua một sản phẩm nào đó, những người khác dễ rơi vào vòng xoáy FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ). Hiệu ứng đám đông khiến nhiều người mua hàng mà không suy xét.
Thay vì tin vào nhận định độc lập của chính mình và nhu cầu thực tế của bản thân, nhiều người quyết định theo số đông, mà số đông đó lại có thể bị dẫn dắt bởi những nội dung quảng cáo sai lệch hoặc thiếu kiểm chứng.
Đó là lúc các KOL, những người nổi tiếng phát huy tối đa sức ảnh hưởng: chi phối thị hiếu, dẫn dắt hành vi tiêu dùng và tạo ra lợi nhuận lớn cho thương hiệu.
Không phải đến bây giờ các KOL mới dẫn dắt đám đông. Nhưng trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, sức lan tỏa của tâm lý đám đông chưa bao giờ mạnh đến thế.
Một lời khen có thể khiến sản phẩm cháy hàng. Một quảng cáo sai sự thật có thể khiến hàng nghìn người mua nhầm hàng giả.
Chính điều này đã dẫn đến hàng loạt vụ việc gần đây: quảng cáo sai, tâng bốc quá đà về công dụng sản phẩm, thậm chí lừa dối khách hàng và vi phạm pháp luật.
Không ít người nổi tiếng đã tận dụng tâm lý đám đông như một công cụ trục lợi, bất chấp giá trị thực của sản phẩm, bất chấp hậu quả xã hội.
Không ai ngây thơ nghĩ người nổi tiếng dùng hết mọi thứ họ quảng cáo. Nhưng tâm lý đám đông không hoạt động bằng logic, nó hoạt động bằng cảm xúc.
Chúng ta mua vì cảm thấy thân quen, vì yêu mến thần tượng, vì tin rằng “chị/ anh ấy dùng thì chắc ổn”, vì áp lực đám đông comment “xịn lắm, phải thử ngay”.
Và, vì chúng ta thì thường lười kiểm chứng.
Cách tránh “bẫy tâm lý” khi mua sắm online
Để không trở thành “con cừu” bị dắt đi giữa rừng quảng cáo và những chiến dịch tiếp thị tinh vi, mỗi người tiêu dùng cần rèn luyện kỹ năng tự vệ. Dưới đây là một số cách thiết thực:
- Đừng bị áp lực bởi người bán thông báo “sắp hết hàng”:
Thông báo như “chỉ còn 3 chiếc”, “giảm giá kết thúc trong 10 phút” thường là mẹo để tạo cảm giác khẩn cấp. Một số trang còn tự động reset đồng hồ đếm ngược hoặc tạo ảo giác có hàng trăm người đang xem cùng lúc.
Lưu ý: Kể cả khi những cảnh báo này được influencer hoặc KOL nhấn mạnh trong livestream hay video giới thiệu sản phẩm, bạn vẫn nên cảnh giác. Họ có thể đang được trả tiền để tạo cảm giác cấp bách.
- Cẩn thận với những “đánh giá 5 sao”
Nhiều người mua hàng chỉ vì sản phẩm có hàng nghìn đánh giá 4, 5 sao hoặc được người nổi tiếng giới thiệu. Nhưng số lượng đánh giá không đảm bảo chất lượng. Nhiều KOL có thể review theo kịch bản, và đánh giá ảo là chuyện thường xuyên xảy ra.
Đừng để một video hay livestream của người nổi tiếng khiến bạn quên kiểm tra thông tin cơ bản: sản phẩm có phù hợp với nhu cầu, ngân sách và tiêu chuẩn cá nhân không?
- Tạo khoảng nghỉ trước khi quyết định bấm mua hàng
Hãy thiết lập quy tắc “dừng lại một vài giờ” trước khi mua hàng không cấp thiết. Cảm giác “phải mua ngay” thường là do bị kích thích bởi lời nói của người bán, của đám đông online, chứ không đến từ nhu cầu thực sự.
Lưu ý: nếu thấy mình đang bị thôi thúc chỉ vì một KOL bạn thích “đang dùng món này mỗi ngày”, hãy lùi lại và tự hỏi: “Mình có thật sự cần hay chỉ đang bị cuốn theo?”
- Đừng để cảm giác “mua được giá hời” đánh lừa:
Các chiến dịch Black Friday, Prime Day, flash sale…đều đánh mạnh vào tâm lý khan hiếm. Người nổi tiếng thường hợp tác với các thương hiệu để tạo ra “deal độc quyền”, nhưng không phải lúc nào đó cũng là ưu đãi tốt nhất.
Lưu ý: So sánh giá, kiểm tra lịch sử giá, và đừng ngại bỏ qua “deal giới hạn” nếu bạn chưa chắc chắn.
- Nhận diện thiết kế lừa đảo:
Nhiều trang web giấu nút tắt quảng cáo, tự động tích chọn đăng ký, hoặc thiết kế để bạn khó từ chối mua hàng.
Lưu ý: Luôn kiểm tra kỹ điều khoản thanh toán, đăng ký tự động, và các chi tiết nhỏ trong quy trình mua hàng, kể cả khi bạn thấy link đến từ những người nổi tiếng.
- Có nguyên tắc mua sắm riêng
Bạn không cần chạy theo xu hướng chỉ vì nó đang hot trên TikTok hay được review bởi những người mà bạn thần tượng hoặc yêu mến. Những gì hợp với họ chưa chắc hợp với bạn.
Lưu ý: Xác định rõ giá trị cá nhân và tiêu chí chọn sản phẩm của riêng bạn. Không ai hiểu rõ nhu cầu của bạn hơn chính bạn.
Mua hàng trực tuyến ít khi là quyết định của lý trí. Đó là một chuỗi tác động tâm lý – được lập trình, thiết kế và tối ưu để khiến bạn rút ví nhanh nhất có thể. Và nếu bạn không đủ tỉnh táo, bạn sẽ luôn là người chịu thiệt.
Đừng mua vì yêu thích một gương mặt, đừng tin vì thấy nhiều người khen, và đừng quên rằng người nổi tiếng cũng có thể sai, và thậm chí, đôi khi, sẵn sàng nhận tiền để nói dối.
Niềm tin là tài sản quý. Đừng trao nó quá dễ dàng, nhất là khi cái bạn nhận lại có thể chỉ là một sản phẩm rẻ tiền được gói trong vỏ bọc sang trọng hoặc có vẻ “uy tín”.