Mất mát hậu ly hôn
Vũ Mai, một nhà sản xuất phim truyền hình, ly hôn được 3 năm, sau 6 năm chung sống: “Khi quyết định chia tay, mình chỉ nghĩ mỗi chuyện là làm sao để thoát ra khỏi cuộc hôn nhân đó. Nhưng thực sự, thoát ra rồi không có nghĩa là chấm dứt nỗi đau đớn. Thậm chí, nó còn kéo dài dai dẳng.”
Đó cũng là tâm sự của nhiều người, sau ly hôn. Có người tổn thương sâu sắc, nhất là trong trường hợp họ ly hôn vì người kia ngoại tình. Cũng có người cảm giác như được giải thoát trong thời gian đầu, nhưng sau đó họ nhận ra, tổn thương vẫn còn ở đó, nó chỉ tạm thời bị những cảm xúc khác át đi.
Theo chuyên gia tâm lý Giang Kate, ly hôn, với nhiều người, là“một cơn chấn động cảm xúc kéo dài, khiến người trong cuộc có thể rơi vào trạng thái mất phương hướng, hoài nghi chính mình và mất lòng tin vào người khác.”
“Nếu không được nhận diện và hỗ trợ đúng cách, các cảm xúc tiêu cực sau ly hôn có thể kéo dài hàng năm, gây mệt mỏi tâm lý và khiến họ phản ứng quá mức với những mối quan hệ sau này”, chuyên gia Giang Kate nhấn mạnh.
Những tổn thương sau ly hôn không chỉ đến từ việc thiếu vắng một người từng thân thiết với mình, mà còn là mất đi những thói quen, những ước mơ từng gắn bó và cả cảm giác mình thuộc về một gia đình.
“Những thứ thân thuộc, như bữa sáng chung, xem phim tối thứ bảy. Những ước mơ tương lai, nuôi con cùng nhau… hình bóng người đó mình cũng chưa quên được. Sau ly hôn nửa năm, mình không đêm nào ngủ được trước một giờ sáng”, Nguyễn Hoàng Minh, 45 tuổi, vừa ly hôn được một năm, chia sẻ.
Can đảm đối diện với tổn thương
Thay vì trốn tránh hoặc vội vàng tìm niềm vui mới, việc hồi phục cảm xúc sau ly hôn cần bắt đầu bằng sự thành thật với chính mình, nhận diện cảm xúc, học cách tha thứ – cả cho người kia và cho chính bản thân.
Ly hôn đâu chỉ là câu chuyện đổ vỡ tình cảm, đi kèm với nó còn là cảm giác thất bại, là cái tôi của mỗi người bị tổn thương.
Vì vậy, nhiều người chọn cách né tránh cảm xúc sau ly hôn – có khi vì nỗi đau quá lớn để đối diện, có khi đơn giản vì họ không muốn thừa nhận mình đang đau.
Sau những tổn thương, nhiều người mất dần niềm tin không chỉ với người khác mà cả với chính mình. Ngay cả người chủ động ly hôn cũng có thể rơi vào trạng thái nghi ngờ giá trị bản thân, nhất là khi từng nỗ lực rất nhiều cho mối quan hệ.
“Việc này dễ dẫn tới họ luôn trong thế phòng thủ khi bước vào mối quan hệ sau này, họ có xu hướng gắn bó kiểu né tránh hoặc kiểm soát quá mức vì sợ bị tổn thương lần nữa”, Chuyên gia Giang Kate nhấn mạnh.
“Chữa lành không đến từ việc lãng quên, mà đến từ việc dám đối diện. Chỉ khi ấy, người trong cuộc mới có thể xây lại cuộc sống mới một cách lành mạnh, không chỉ cho mình, mà còn cho con cái.”
Thay vì mắc kẹt trong quá khứ, cách phục hồi hiệu quả sau ly hôn là: Tập trung chăm sóc bản thân, chăm sóc con cái và từng bước xây dựng một mái ấm mới – vui vẻ, lành mạnh và tích cực cho chính mình và các con.
Vì con cái, vì chính mình: Hãy hành xử tử tế sau chia tay
Một sai lầm phổ biến, theo chuyên gia tâm lý Giang Kate – là sau ly hôn, nhiều người mặc định rằng “mọi thứ đã tan vỡ”, “không còn gì để giữ lại”, “chấm dứt rồi”.
Chính suy nghĩ này khiến hai người trở thành như hai con thú bị thương, mang theo sự giận dữ, nuối tiếc và có thể cắn xé nhau bằng lời nói hoặc hành động.
“Sự thật là, trong một cuộc hôn nhân thường tồn tại ba tầng kết nối: mối quan hệ tình cảm, vai trò cha mẹ (nếu có con) và sự gắn kết giữa hai con người”, Chuyên gia Giang Kate nhấn mạnh:
“Khi ly hôn, chỉ mối quan hệ tình cảm là kết thúc. Hai tầng kết nối còn lại: làm cha mẹ chung và sự tôn trọng giữa người với người, vẫn có thể, và nên được duy trì. Thậm chí cần được chăm sóc kỹ hơn vì con cái”.
Việc nhìn nhận rõ ràng như vậy giúp người trong cuộc không cảm thấy mình “mất trắng” sau ly hôn, mà thay vào đó, suy nghĩ tích cực để hành xử phù hợp và trách nhiệm hơn.
Bởi lẽ, nếu không thể ở lại, thì hãy rời đi một cách văn minh – để không ai phải mang thêm tổn thương không đáng có, đặc biệt là con trẻ.