Lượng đơn đặt hàng robot của Trung Quốc tăng vọt, ai là người đứng sau?

Ánh Dương

Biên tập viên

Thị trường robot hình người gần đây khá sôi động, tin tức đơn đặt hàng của các công ty robot tại Trung Quốc “bùng nổ” đã thu hút sự chú ý rộng rãi. Công chúng ngày càng quan tâm đến thực hư đằng sau việc ai chi tiền cho những “người máy sinh học” với đơn giá lên tới hàng chục nghìn nhân dân tệ?

Trao đổi với các nhà sản xuất liên quan, QQ News xác nhận rằng các đơn đặt hàng robot hình người thực sự đã tăng lên và thị trường cho thấy xu hướng rõ ràng. 

Nguồn tin từ Pudu Robotics (Thâm Quyến) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng đơn hàng trong năm nay đã tăng khoảng 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thông tin công khai, lượng đơn đặt hàng của AgiBot (Thượng Hải) cũng khá khả quan. 

Wang Song, tổng giám đốc Leju Robot (Tô Châu) tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với CCTV News: “Các đơn hàng của công ty đã được lên lịch cho đến tháng 5 và 6, những dây chuyền sản xuất đang hoạt động hết công suất và mọi sản phẩm xuất xưởng phải được giao ngay lập tức”. Theo ông Wang, các sản phẩm của Leju Robot đã được phân phối theo từng đợt tới các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Đông và Châu Âu. 

Các công ty liên quan trong chuỗi ngành sản xuất robot hình người cũng đang cho thấy xu hướng tích cực. “Khối lượng công việc hàng ngày của công ty hiện gấp 3-4 lần so với ban đầu”, người đứng đầu một công ty sản xuất linh kiện robot hình người ở Thâm Quyến tiết lộ với phóng viên QQ News.

Khi được hỏi về lý do khiến đơn đặt hàng tăng, người này cho biết: “Đầu tiên phải nhắc đến sự xuất hiện của robot hình người đến từ Công ty Unitree Robotics trên sân khấu Đêm Xuân Vãn, hiệu ứng bùng nổ này đã thu hút sự chú ý toàn quốc”. Thêm vào đó là cuộc đua phát triển vượt bậc qua từng ngày của các công ty công nghệ hàng đầu. Họ không chỉ liên tục có những đột phá về công nghệ mà còn đạt được những thành quả đáng chú ý trong tiếp thị.

Trong khi tăng cường sự nhận diện tại thị trường trong nước, việc mở rộng ra nước ngoài cũng đang trở thành xu hướng mới trong ngành robot ở Trung Quốc. Robot hình người của nước này rất được ưa chuộng ở thị trường nước ngoài nhờ lợi thế về giá. 

Liu Gang, một nhà nghiên cứu trong ngành công nghiệp robot cho rằng: “So với các sản phẩm tương tự ở châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các khu vực khác, robot hình người sản xuất tại Trung Quốc thường rẻ hơn”.

Đằng sau mức giá phải chăng là nền công nghiệp “vững mạnh và trưởng thành” của Trung Quốc. Liu cho biết thêm: “Sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ AI giúp các sản phẩm của Trung Quốc có thể so sánh với các quốc gia khác về mặt chức năng và hiệu suất.”

Theo dự đoán, đến năm 2050, quy mô thị trường robot hình người của Trung Quốc sẽ đạt 6 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Vậy, ai đang mua những robot sinh học đắt đỏ này?

Kiểm tra các đơn hàng trúng thầu của công ty hàng đầu Unitree Robotics trên Tianyancha (nền tảng thông tin doanh nghiệp) cho thấy, trong tám năm qua có hơn 30 trường đại học đã đóng góp vào các dự án mua sắm trị giá hàng chục triệu nhân dân tệ, trong đó một đơn hàng cao nhất lên tới 8,25 triệu nhân dân tệ (hơn 29 tỷ đồng). 

Khách hàng của công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực bao gồm giáo dục, truyền thông, năng lượng, chăm sóc y tế và phòng cháy chữa cháy. Trong số những người mua này, các trường đại học thiên về nghiên cứu khoa học chiếm vị trí chủ đạo như Đại học Trùng Khánh, Đại học Thượng Hải, Đại học Đồng Tế và Đại học Chiết Giang. Các sản phẩm liên quan không chỉ bao gồm robot hình người mà còn có robot nhiều chân, cánh tay robot và các loại phụ phẩm khác.

Vậy tại sao các trường đại học lại sẵn sàng trả giá cao như vậy cho những robot hình người? Người quản lý mua sắm của một trường đại học tiết lộ: “Chi phí hàng năm để sử dụng một robot đơn lẻ thấp hơn nhiều so với chi phí thuê một đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp. Quan trọng hơn, những robot hình người có thể được sử dụng để đào tạo thực hành cho sinh viên”.

Ngoài ra, một số công ty sản xuất robot hình người cũng mua các sản phẩm liên quan từ các công ty cùng ngành. 

Xét về sự phân bố địa lý của người mua, Chiết Giang, Quảng Đông, Bắc Kinh, Thượng Hải là những thị trường cốt lõi của Unitree Robotics. Chiết Giang – “căn cứ” của Unitree cũng đóng góp gần 30% số lượng đơn hàng. 

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp và dịch vụ thương mại cũng đã bắt đầu thí điểm ứng dụng robot hình người. Ví dụ, một công viên giải trí sử dụng robot Unitree vào các buổi biểu diễn tương tác và một khách sạn cao cấp sử dụng robot này như một người chào đón để nâng cao trải nghiệm dịch vụ. 

Robot G1 của Unitree cũng đã thâm nhập vào thị trường tiêu dùng cá nhân với mức giá khởi điểm là 99.000 nhân dân tệ (khoảng 359 triệu đồng), thu hút nhiều người đam mê công nghệ sẵn sàng chi tiền trải nghiệm.

BÀI LIÊN QUAN