Luật sư Phùng Anh Chuyên: “Bài học đắt giá cho những nghệ sĩ thiếu tỉnh táo”

Yolo24h.vn

Trang thông tin điện tử tổng hợp

Ca sĩ Chi Dân, người mẫu Andrea Aybar (An Tây) và KOL Trúc Phương không chỉ đánh mất cả sự nghiệp mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong thời gian gần đây, dư luận dậy sóng trước thông tin về các nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Chi Dân, người mẫu Andrea Aybar (hay còn gọi là An Tây) và KOLs Trúc Phương bị bắt giữ do liên quan đến hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Vấn đề này không chỉ gây bàng hoàng trong cộng đồng mà còn đặt ra câu hỏi lớn về vai trò của nghệ sĩ trong việc xây dựng hình ảnh xã hội và những hậu quả pháp lý mà họ phải đối mặt. Luật sư Phùng Anh Chuyên – Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, đã có những phân tích sâu sắc về khía cạnh pháp lý của vụ việc này.

Luật sư Phùng Anh Chuyên – Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM.

Nghệ sĩ nguy cơ đối mặt án phạt nặng vì phút lầm lỡ

Theo thông tin từ Công an TP.HCM, cả ba nghệ sĩ kể trên đã bị khởi tố và tạm giam để điều tra về hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Riêng người mẫu Andrea Aybar còn đối mặt với tội danh bổ sung là “tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Chi Dân, An Tây và “cô tiên từ thiện” Trúc Phương bị khởi tố.

Từ góc độ pháp lý, Luật sư Phùng Anh Chuyên phân tích, căn cứ theo Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý rất nghiêm khắc.

Tùy theo mức độ vi phạm, các bị can có thể đối mặt với hình phạt tù: từ 2 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, còn mức hình phạt bổ sung có thể từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 đến 5 năm, hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.

Riêng đối với Andrea Aybar, cựu người mẫu này ngoài đối mặt với hình phạt trên, cô còn phải chịu trách nhiệm về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy theo Điều 253 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Mức phạt cho tội danh này cũng rất nghiêm trọng khi hình phạt tù sẽ từ 1 năm đến 20 năm hoặc thậm chí là tù chung thân, tùy mức độ vi phạm. Song song đó hình phạt bổ sung sẽ từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, hoặc tịch thu tài sản.

Cựu người mẫu người mẫu Andrea Aybar.

Như vậy, các nghệ sĩ này đang đối mặt với mức án nghiêm khắc, đặc biệt trong bối cảnh họ bị cáo buộc không chỉ tham gia mà còn tổ chức sử dụng chất ma túy – hành vi có tính chất ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

Nghệ sĩ, với sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, luôn được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu tích cực. Tuy nhiên, việc họ dính líu đến ma túy không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín cá nhân mà còn tạo ra hình ảnh tiêu cực trong mắt công chúng. 

Luật sư Chuyên nhận định rằng “hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn phá hoại giá trị văn hóa và niềm tin mà xã hội đặt vào nghệ sĩ”.

Những vụ việc như vậy còn đặt ra vấn đề lớn về ý thức trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ. Với vai trò là người dẫn dắt xu hướng, họ cần hiểu rằng mọi hành động của mình đều có khả năng ảnh hưởng đến hàng triệu người, nhất là giới trẻ.

Tuy nhiên, trong vụ việc này cũng đang có 1 câu hỏi được đặt gây tranh cãi đó là việc công khai danh tính các nghệ sĩ khi họ chưa bị kết tội có phù hợp với pháp luật không?

Về góc độ này, luật sư Chuyên cho biết, “việc công khai danh tính người vi phạm pháp luật được thực hiện dựa trên các quy định cụ thể. Theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, người bị khởi tố về hình sự (bị can) có thể bị hạn chế một số quyền nhất định để phục vụ hoạt động điều tra, tố tụng. Đồng thời, theo Điểm b, Khoản 2, Điều 38 Luật Báo chí 2016, cơ quan chức năng có quyền cung cấp thông tin về vụ án đang điều tra nếu điều đó phục vụ công tác phòng, chống tội phạm”.

Trong trường hợp này, thông tin được công khai bởi chính cơ quan điều tra với mục đích tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm, và nâng cao ý thức pháp luật trong cộng đồng. Do đó, việc công khai danh tính nghệ sĩ là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Giải pháp nào để ngăn chặn vấn nạn nghệ sĩ dính líu đến ma túy ?

Từ những vụ việc trên, việc ngăn chặn tình trạng nghệ sĩ dính líu đến ma túy không chỉ là trách nhiệm của cá nhân họ mà còn cần sự vào cuộc của cả xã hội. Dưới góc độ pháp luật, luật sư Chuyên nhận định, “cần phải nâng cao nhận thức trong giới nghệ sĩ, để những người hoạt động trong lĩnh vực này cần phải hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trước công chúng, đặc biệt là trong việc duy trì hình ảnh lành mạnh và tuân thủ pháp luật”.

Việc tăng cường giám sát và chế tài nghiêm khắc cũng đóng 1 vai trò quan trong. Các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm, đảm bảo tính răn đe và giáo dục.

Song song đó, cũng cần tăng cường giáo dục về hậu quả của ma túy không chỉ với cá nhân mà còn với xã hội. Các chương trình truyền thông có thể tận dụng sức ảnh hưởng của các nghệ sĩ để lan tỏa thông điệp tích cực.

Đối với những nghệ sĩ sau khi vi phạm và chịu án phạt, cần có các chương trình phục hồi tâm lý và hỗ trợ họ tái hòa nhập xã hội, tránh tái phạm.

Về phía các nghệ sĩ cũng cần ý thức rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng hình ảnh tích cực và truyền cảm hứng lành mạnh cho công chúng.

Vấn nạn nghệ sĩ sử dụng và tổ chức sử dụng ma túy không chỉ là một vết đen trong sự nghiệp của họ mà còn ảnh hưởng đến giá trị xã hội. Pháp luật Việt Nam đã và đang áp dụng những biện pháp nghiêm khắc để xử lý các trường hợp này, đồng thời khuyến khích nhận thức cộng đồng về tệ nạn ma túy. Trong bối cảnh nghệ sĩ có vai trò đặc biệt trong xã hội, họ cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình và đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng một môi trường nghệ thuật lành mạnh, sạch tệ nạn.

Thanh Nam/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM

BÀI LIÊN QUAN