Lớp học cách giao tiếp với thú cưng ở Singapore

Anh Thịnh

Biên tập viên

Các nhà giao tiếp chủ trì lớp học giúp các học viên kết nối trực giác với thú cưng thông qua năng lượng, suy nghĩ, cảm xúc, và sự hòa hợp trong tâm trí.

Vào những chiều Chủ nhật, trong một văn phòng nhỏ ở Toa Payoh, Singapore, nhóm 15 người ôm những chú chó, mèo, thỏ và bồ câu, ngồi vòng tròn trong yên lặng, nhắm mắt tập trung để gửi “năng lượng chữa lành” đến thú cưng của họ.

Giáo viên buổi học là ông Ezekiel Ong, kỹ thuật viên thú y. Người đàn ông 36 tuổi này được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu về giao tiếp và chữa lành cho thú cưng tại Singapore. Các học viên là người từng thuê ông Ong trò chuyện với vật nuôi của họ trong khi những người còn lại biết đến ông qua mạng xã hội.

“Một số học viên muốn gửi thông điệp đến thú cưng, số khác tò mò về hành vi hoặc sở thích của chúng”, ông Ong chia sẻ với The Straits Times.

Ông Ezekiel Ong hướng dẫn học viên trong lớp học giao tiếp với động vật ở Singapore. (Ảnh: Straits Times)

Lớp học của ông Ong được biết đến nhiều hơn trong bối cảnh số lượng thú cưng ở Singapore ngày càng tăng.

Theo công ty phân tích dữ liệu Euromonitor International, năm 2023, Singapore có khoảng 94.300 mèo nuôi, tăng từ 85.100 con năm 2019; số lượng chó nuôi đạt 126.100 con, so với 123.600 con vào năm 2019.

Công ty dự báo ngành công nghiệp chăm sóc thú cưng ở Singapore sẽ đạt giá trị 162,5 triệu USD vào năm 2024 tăng gần 50% so với 109,5 triệu USD năm 2019.

“Một động lực chính là xu hướng nhân hóa thú cưng. Không chỉ có nhiều người xem thú cưng như thành viên trong gia đình, mà trong các phân khúc hiện có, mức độ quan tâm và chăm sóc thú cưng cũng ngày càng tinh tế hơn”, bà Sahiba Puri, cố vấn cấp cao chuyên về lĩnh vực chăm sóc thú cưng tại Euromonitor, nhận định.

Singapore ngày càng thân thiện với thú cưng. Nhiều trung tâm mua sắm, căn hộ ở đảo quốc sư tử cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm động vật.

Các nhà nghiên cứu thị trường dự báo người Singapore có thể chi khoảng 172,6 triệu USD cho dịch vụ chăm sóc thú cưng vào năm 2025, bao gồm các dịch vụ như chải chuốt, huấn luyện và chăm sóc y tế. Bên cạnh đó, nhiều chủ nuôi còn mạnh tay chi tiền cho các dịch vụ như y học cổ truyền Trung Quốc và chữa lành năng lượng.

Lớp học giao tiếp với thú cưng ngày càng phổ biến ở Singapore. (Ảnh: Straits Times)

Giao tiếp động vật có nguồn gốc từ Mỹ vào thập niên 90. Trào lưu này đã lan rộng sang châu Á.

Ông Thomas Cheng, một nhà giao tiếp khác tại Hong Kong, đã hành nghề 13 năm và hiện tổ chức các lớp học tại Hong Kong, Macau và Đài Loan (Trung Quốc). Ông được đào tạo tại Mỹ vào năm 2008 dưới sự hướng dẫn của bà Penelope Smith, người được coi là “mẹ đẻ” của giao tiếp hiện đại với động vật.

Dù ngành này chưa được quản lý trên toàn thế giới và không có số liệu chính thức về số lượng người hành nghề tại Singapore, các quan sát thực tế cho thấy khoảng 50 người cung cấp dịch vụ này.

Họ tính phí từ 50 – 400 SGD (1 triệu – 7,4 triệu đồng) cho các dịch vụ như kết nối với thú cưng đã mất hoặc giải quyết vấn đề hành vi. Mỗi buổi thường kéo dài từ 30 phút đến một giờ.

Trong đại dịch Covid-19, nhu cầu dịch vụ này tăng mạnh. Ngoài sự tò mò, một số chủ nuôi tìm đến các nhà giao tiếp để giúp họ tìm sự an ủi khi mất đi thú cưng hoặc khi thú cưng đang ở giai đoạn cuối đời. Các nhà giao tiếp giúp họ kết nối trực giác thông qua năng lượng, suy nghĩ, cảm xúc, và sự hòa hợp trong tâm trí.

Tuy nhiên, vào năm 2022, Hiệp hội Thú y Singapore (SVA) đã ra tuyên bố không khuyến khích sử dụng các nhà giao tiếp để chẩn đoán và điều trị động vật bị bệnh. Điều này được đưa ra sau phản ánh từ các thành viên của hiệp hội về việc một số nhà giao tiếp can thiệp vào điều trị y tế, đôi khi gây chậm trễ.

Hiệp hội nhấn mạnh rằng lĩnh vực này không dựa trên bằng chứng khoa học và thiếu sự kiểm định, cấp phép ở cấp quốc gia. Việc này có thể ảnh hưởng đến điều trị y tế, gây hại đến phúc lợi và chất lượng sống của động vật, cũng như làm xáo trộn mối quan hệ giữa bác sĩ thú y, khách hàng và bệnh nhân.

Tuy nhiên, ông Teo Boon Han, chủ tịch Hiệp hội, cho rằng miễn là những nhà giao tiếp không gây hại cho động vật hoặc trì hoãn việc chăm sóc cần thiết, dịch vụ này không nên cấm.

Ông Teo cho biết trên thực tế, một số bác sĩ thú y đã bắt đầu giới thiệu dịch vụ này cho các khách hàng có thú cưng đang trong giai đoạn cuối đời hoặc vừa qua đời. Ông cho rằng liệu pháp trên giúp giảm bớt đau buồn, cung cấp tư vấn, sự an ủi và đôi khi mang lại hy vọng của người nuôi.

“Họ giao tiếp với thú cưng không phải để chẩn đoán và điều trị”, ông Teo nói. “Đó là dịch vụ giải tỏa và đối mặt với nỗi buồn”.

BÀI LIÊN QUAN