Sự “đổ bộ” của các chương trình truyền hình thực tế lấy nông thôn làm bối cảnh chính
Nhiều chương trình truyền hình thực tế đang có cuộc “dịch chuyển” lớn, từ thành thị đến vùng thôn quê. Những chương trình đã, đang và chuẩn bị lên sóng ghi hình chủ yếu tại nông thôn có thể kể đến: Về quê làm giàu, Gia đình Haha, Đệ nhất mưu sinh…
Bên cạnh đó là nhiều chương trình có những tập lấy bối cảnh ở vùng quê, đưa nghệ sĩ trải nghiệm cuộc sống của nông dân như: Hành trình rực rỡ, 2 ngày 1 đêm, Bậc thầy săn thưởng…
Chương trình mới nhất vừa lên sóng lấy nông thôn làm trọng tâm là “Về quê làm giàu”, đang để lại nhiều sự chú ý. Vẫn theo format các nghệ sĩ nổi tiếng đi khám phá đời sống thôn quê, nhưng “Về quê làm giàu” lại có những điều nổi bật đặc biệt.
Đây là chương trình truyền hình thực tế trải nghiệm thực chiến đầu tiên đưa người chơi đến các làng nghề truyền thống, khai thác khía cạnh kinh tế nông thôn. Cùng với đó là hoạt động quảng bá đặc sản địa phương thông qua các livestream, nền tảng mạng xã hội.
“Về quê làm giàu” hiện đã lên sóng được 8 tập của chặng 1, với hành trình đi qua 4 tỉnh: Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương và Quảng Ninh, khám phá nhiều làng nghề truyền thống: nước mắm Ba Làng, hương xạ Thôn Cao, bánh đa gấc Kẻ Sặt, chè vân Bản Sen.
Chương trình có 3 nghệ sĩ trong dàn cast chính thức là MC Quyền Linh, Thu Hà Ceri và Long Vũ. Cùng nhiều khách mời là ngôi sao nổi tiếng: Diệp Lâm Anh, Thanh Duy, Ngô Lan Hương, Ngọc Châu…
Trong chặng 2, “Về quê làm giàu” đến với các tỉnh miền Trung với Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế và Quảng Nam. Chương trình tiếp tục có sự đồng hành của MC Quyền Linh, Long Vũ và màn góp mặt của ca sĩ Hari Won. Một số khách mời đã được công bố gồm: NSƯT Kim Tử Long, Lâm Vỹ Dạ, Bùi Quỳnh Hoa, Pháo…
Chương trình khơi dậy tinh thần khởi nghiệp tại nông thôn, hỗ trợ người trẻ và người dân địa phương phát triển kinh tế trên chính quê hương mình thông qua những mô hình sản xuất – kinh doanh bền vững, sáng tạo và gắn liền với tài nguyên bản địa.
Mới đây theo thông tin Socialite – Đơn vị chuyên nghiên cứu các dữ liệu trực tuyến, “Về quê làm giàu” bứt phá vươn lên Top 2 những chương trình truyền hình được quan tâm nhất trên mạng xã hội trong tuần từ 14/5-20/5.
Cùng với đó nam ca sĩ Jack – J97 cũng xếp vị trí thứ 2 trong những nghệ sĩ được chú ý khi tham gia chương trình “Về quê làm giàu”, ghi hình tại Pù Luông (Thanh Hóa) vừa qua.
MC Quyền Linh và nam diễn viên Long Vũ, 2 thành viên trong dàn cast chính thức của “Về quê làm giàu” ở cả 2 chặng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Trong khi đó chương trình “Đệ nhất mưu sinh” cũng để lại nhiều ấn tượng với format truyền hình thực tế dã ngoại. Các nghệ sĩ tham gia rũ bỏ hình ảnh hào nhoáng để trải nghiệm cuộc sống mưu sinh như người thường.
Họ được đến những vùng đất mới, khám phá nét đặc sắc của văn hóa – du lịch – ẩm thực ở từng địa phương, thực hiện các thử thách để kiếm sống do ekip đặt ra.
“Đệ nhất mưu sinh” có diễn viên Huy Khánh và Duy Khánh làm thành viên cố định, mỗi tập có thêm các khách mời là nghệ sĩ nổi tiếng. Tất cả các hoạt động kiếm tiền đều là bài toán mưu sinh mà các nghệ sĩ phải cân nhắc, tự tìm cách. Thông qua đây, cuộc sống mưu sinh ở thôn quê, từ làng chài đến ruộng lúa được khắc họa rõ nét.
“Gia đình Haha” cũng sắp sửa gia nhập đường đua chương trình về nông thôn. Theo giới thiệu từ nhà sản xuất, đây là chương trình đậm chất điện ảnh, giàu chất thơ chất nhạc, thấm đẫm tình yêu quê hương và khát vọng phát triển đất nước. Các nghệ sĩ được công bố đồng hành gồm: Jun Phạm, Rhymastic, Duy Khánh, Bùi Công Nam và Ngọc Thanh Tâm.
Tại đây, các nghệ sĩ tạm rời xa ánh đèn sân khấu để đến với những trải nghiệm mới. Họ sẽ cùng ăn, cùng ở, cùng sống với bà con, cùng tham gia lao động để cảm nhận công việc, cuộc sống hàng ngày một cách chân thật nhất. Tại mỗi địa phương sẽ có những câu chuyện riêng độc đáo, mang bản sắc văn hoá vùng miền, sự ấm áp của người dân bản địa.
Vì sao nông thôn lại hấp dẫn với các chương trình truyền hình?
Việc những chương trình truyền hình thực tế ồ ạt về quê, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao nông thôn lại trở thành xu hướng?
Từ những ví dụ điển hình về 3 chương trình đang được quan tâm hiện tại là “Về quê làm giàu”, “Đệ nhất mưu sinh” và “Gia đình Haha”, có thể thấy một điểm chung là các chương trình đều khắc họa vẻ đẹp của đời sống thôn quê, thiên nhiên, làng nghề….
Đồng thời có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ. Các ngôi sao nổi tiếng là cầu nối, giúp lan tỏa những hình ảnh ở thôn quê thông qua nhiều hoạt động. Ngoài ra, mỗi chương trình có một cách thức diễn ra và thông điệp lan tỏa riêng.
Về sức hút của những chương trình truyền hình về nông thôn, có thể lý giải qua những nguyên nhân như: Không gian tự nhiên, gắn với thiên nhiên với bối cảnh quay lý tưởng; Chất liệu văn hóa phong phú từ ẩm thực, phong tục,…; Sự mộc mạc chân thực dễ chạm đến người xem; Khán giả dần thay đổi thị hiếu, muốn xem những chương trình nhẹ nhàng, tránh xa những “drama” tranh cãi căng thẳng.
Nông thôn không chỉ là bối cảnh mà đang trở thành linh hồn nội dung cho chương trình truyền hình hiện đại. Đây không chỉ là trào lưu nhất thời mà có thể là xu hướng cho sản xuất truyền hình trong thời gian tới. Nơi những mái nhà tranh, con đường đất, bữa cơm quê giản dị… giờ đây đang bước vào khung hình, để chạm tới hàng triệu khán giả thành thị.
Mảnh đất màu mỡ nhưng có dễ chia của các nhà sản xuất nội dung?
Trên thực tế, những gì càng trào lưu thì có nhiều người muốn đi theo, với xu hướng sản xuất chương trình từ làng quê cũng tương tự. Về quê không chỉ làm mới format truyền hình mà còn mở ra cuộc cạnh tranh sáng tạo giữa các nhà sản xuất nội dung.
Sự bùng nổ của các chương trình truyền hình lấy nông thôn làm trọng tâm cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là sự trùng lặp về nội dung, đòi hỏi phải sáng tạo thu hút đến từ các nhà sản xuất.
Sao cho vẫn là hình ảnh ở thôn quê, vẫn là sự tham gia của các nghệ sĩ nhưng cần mới mẻ và chứa đựng một giá trị nào đó cốt lõi. Không đơn thuần chỉ là chương trình mang tính giải trí, thị trường mà không có tác động tích cực đến cộng đồng.
Không chỉ là cảnh quê mà cần câu chuyện thật, có góc nhìn riêng để giữ chân khán giả. Việc tôn trọng, tìm hiểu văn hóa, phong tục, con người ở mỗi địa phương, lồng ghép yếu tố nhân văn và đời sống thực tế là điều cần chú trọng với các chương trình truyền hình.
Đồng thời kết hợp với xu hướng công nghệ, truyền thông số, phát trên đa nền tảng, tương tác với khán giả…để lan tỏa chương trình. Những ai làm đúng hướng, có chất riêng sẽ có cơ hội phát triển với nội dung đặc biệt này.
Đó cũng là những điều mà “Về quê làm giàu” đang thực hiện để tạo ra điểm khác biệt giữa thị trường chương trình truyền hình thực tế, khi đưa hoạt động livestream đến từng địa phương, quảng bá rộng rãi sản vật đặc trưng mỗi tỉnh thành.
Các phiên livestream là nơi các nghệ sĩ nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng cộng đồng cùng doanh nghiệp địa phương đưa các đặc sản đến gần hơn với người tiêu dùng.
Rất nhiều sản phẩm đặc sản đã xuất hiện trên các phiên livestream của “Về quê làm giàu” như: nem chua, nước mắm, hương xạ, trà ổi, bánh đậu xanh,…Đây là hoạt động không phải chương trình truyền hình thực tế nào cũng thử nghiệm và “Về quê làm giàu” đang mạnh dạn triển khai. Ứng dụng công nghệ, nền tảng số vào việc thúc đẩy thị trường cho các mặt hàng sản vật địa phương.
Có thể thấy, nông thôn là mảnh đất màu mỡ nhưng không phải ai cũng dễ “gặt hái” thành quả. Thị trường chương trình truyền hình thực tế có sự cạnh tranh khốc liệt nhiều năm qua, khán giả cũng dần khắt khe hơn với những nội dung lựa chọn theo dõi. Nên trước hết cần sáng tạo nội dung sạch, có chất riêng và giá trị thông điệp cốt lõi.
Làm nội dung về làng quê không đơn giản là quay ruộng đồng, thiên nhiên, cây cỏ hay đưa người nổi tiếng về quê làm nhiều hoạt động để lên hình. Đó là hành trình khai phá giá trị của văn hóa, cảm xúc và sức lan tỏa, tác động đến cộng đồng.