Lần đầu tiên người nông dân trở thành trung tâm của một chiến dịch đọc sách

Lần đầu tiên, người nông dân trở thành trung tâm của một chiến dịch đọc sách quy mô lớn. Những cuốn sách không chỉ mang tri thức, mà còn gieo hy vọng đổi đời trên từng mảnh ruộng quê hương.

Không phải là doanh nhân, không phải là trí thức thành thị, lần đầu tiên người nông dân trở thành nhân vật chính trong một chiến dịch đọc sách quy mô lớn. 

Giữa phố sách Hà Nội 19/12 tấp nập, những cuốn sách mang tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế được gói ghém bằng cả niềm tin và sự trân trọng, chuẩn bị lên đường về với làng quê, nơi có những bàn tay chai sạn đang cần thêm tri thức để đổi đời. 

Một chiến dịch chưa từng có, mở ra một hành trình mới: nơi tri thức không chỉ dành cho số ít, mà được trao tận tay những người âm thầm vun đắp cho đất nước từng ngày.

Mới đây, trên hành trình lan tỏa tư duy khởi nghiệp, kết nối tri thức đến tận các miền quê Việt Nam, Halotimes đã chính thức khởi động dự án “Một triệu cuốn sách làm giàu cho nông dân Việt Nam”. 

Sự kiện không chỉ dành cho những người yêu sách, mà còn là điểm khởi đầu cho một hành trình lớn – hành trình đưa tri thức đến với những người lao động chân chính, ngay trên mảnh đất quê hương, đó chính là những người nông dân.

Hưởng ứng sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Cục trưởng Cục xuất bản, in và phát hành chia sẻ: “Ngày nay, rất nhiều gia đình, rất nhiều bạn bè, anh em chúng ta đến với sách. Từ lúc chúng ta sinh ra đến lúc trưởng thành, tất cả chúng ta đều cần đến sách và đặc biệt nhất là những dự án sách mà có sự tham gia của cộng đồng đưa sách đến với những bạn đọc là điều rất quý. 

Chúng ta có rất nhiều dự án sách, ví dụ như sách cho gia đình, dòng họ, sách cho đối tượng thanh thiếu niên và hôm nay là một chương trình sách dành cho một đối tượng vô cùng đặc biệt, từ trước đến nay ít khi đặt ra vấn đề là người nông dân đọc sách”.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục xuất bản, in và phát hành phát biểu.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Cục trưởng Cục xuất bản, in và phát hành phát biểu.

Sự kiện đã thu hút đông đảo người tham gia, từ các đại biểu, chuyên gia, sinh viên cho đến người dân yêu sách. Không khí tại phố sách Hà Nội 19/12 đặc biệt ấm áp và đầy cảm xúc.

Nhiều người không khỏi xúc động trước những thông điệp sâu sắc được truyền tải – về khát vọng vươn lên từ tri thức, về niềm tin rằng mỗi cuốn sách được trao đi hôm nay sẽ góp phần thay đổi tương lai cho người nông dân Việt Nam.

Chị Liên – người yêu sách tại phố sách Hà Nội chia sẻ: “Sách là nơi chắt lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại nên đối với những người nông dân hay là làm ở lĩnh vực nào chăng nữa thì có thời gian bên trang sách sẽ là những điều tuyệt vời và nuôi dưỡng cái tình yêu ấy không chỉ cho bố mẹ mà còn cho thế hệ mai sau”.

Hình ảnh Chị Liên - người yêu sách tại phố sách Hà Nội.
Hình ảnh Chị Liên – người yêu sách tại phố sách Hà Nội.

Xuất hiện tại sự kiện còn có những em nhỏ với những chia sẻ vô cùng đáng yêu: “Con có thói quen đọc sách hàng ngày, con thấy không khí hội sách hôm nay rất nhộn nhịp, đông người. Con nghĩ rằng người nông dân đọc sách thì có thể tiếp cận được với nhiều điều thú vị hơn trong cuộc sống”.

cac-em-nho-yeu-sac-tham-gia-su-kien
Các em nhỏ yêu sách tham gia sự kiện.
Các em nhỏ yêu sách tham gia sự kiện.

Nhiều bạn sinh viên khi đến tham dự sự kiện cũng đã ký tặng những cuốn sách vô cùng ý nghĩa, với mong muốn mỗi cuốn sách có thể được trao tận tay người nông dân, trở thành người bạn đồng hành trên hành trình làm kinh tế, khởi nghiệp và phát triển bền vững.

Đó không chỉ là món quà tri thức, mà còn là lời gửi gắm yêu thương, niềm tin và hy vọng của thế hệ trẻ dành cho những người đang ngày đêm lao động trên đồng ruộng quê hương.

Là sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bạn Lê Lâm Hà cũng đến tham gia sự kiện với tâm thế vô cùng háo hức: “Hôm nay em xin gửi tặng cuốn Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo.

Cuốn sách này có thể giúp những người nông dân có một bước khởi nghiệp mới, mở ra một con đường mới cho nông dân Việt Nam”.

Bạn Lê Lâm Hà, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Bạn Lê Lâm Hà, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Hưởng ứng dự án “Một triệu cuốn sách làm giàu cho nông dân Việt Nam”, ông Dương Trung Quốc – Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay cũng đã có bài phát biểu đầy cảm xúc: “Một triệu cuốn sách – nghe qua có vẻ là con số rất lớn. 

Nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh hiện tại, khi người nông dân chiếm số lượng đông đảo trong xã hội (ước tính khoảng 60 triệu), thì con số ấy lại trở nên quá nhỏ bé, “lọt thỏm” giữa một cộng đồng rộng lớn. 

Tuy nhiên, tôi tin rằng, giá trị thực sự của những cuốn sách này không nằm ở con số, mà ở khả năng đánh thức một thái độ, một nhận thức và một tinh thần hành động mới trong xã hội, đối với người nông dân”.

Một triệu cuốn sách – một triệu hạt giống tri thức đang chờ được gieo trồng. Chiến dịch hôm nay không dừng lại ở một buổi lễ, mà là sự khởi đầu cho một hành trình bền bỉ và đầy ý nghĩa. Nơi người nông dân không chỉ biết cày sâu cuốc bẫm, mà còn mở ra chân trời tri thức mới để làm giàu từ chính đôi tay và khối óc của mình. 

BÀI LIÊN QUAN