Hói đầu vì lo toan những việc không phải của mình
Châu Thành Toàn là nhân viên của một Trung tâm Y tế. Nhưng với nhiều người, anh được biết đến bằng cái tên: “Anh Toàn từ thiện.”
Hơn hai mươi năm qua, ngoài giờ làm việc, anh dốc trọn quỹ thời gian rảnh rỗi của mình để chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.
Khi được hỏi, đi làm thiện nguyện liên tục vậy chắc vất vả lắm, Châu Thành Toàn cười hồn nhiên: “Nhìn nè, hói hết đầu rồi đó chớ đâu giỡn!”. Vừa nói, anh vừa kéo nón xuống, cúi đầu về phía trước.
Câu nói nửa đùa, nửa thật. Nhưng cái đầu hói là thật. Và những tháng năm vất vả, lo toan vì người khác của Toàn cũng hoàn toàn là thật.
Giản dị, năng nổ, nhiệt tình và chân tình, đó là những ấn tượng rõ ràng nhất khi tiếp xúc với Châu Thành Toàn.
Hơn 27 năm làm thiện nguyện, anh đã đặt chân đến không biết bao nhiêu nơi, gặp gỡ không biết bao nhiêu số phận bất hạnh. Càng đi, càng thấm, càng cảm thông, anh càng “dính” vào công việc này, và không thể dứt ra được.
“Có người nói mệt quá thì thôi, nghỉ đi. Nhưng mình còn thương mà… Thương thì phải lo, sao mà bỏ được!”, Toàn nói.
Khóc vì… không xin được tiền
Thời gian đầu, kiếm tiền để làm từ thiện là cả một vấn đề. “Không có ai tin mình. Xin mỗi người mười ngàn để làm món quà tặng cho bệnh nhân ung thư, mà không ai cho. Vừa ấm ức vừa buồn, mình đứng khóc ngon lành ngay giữa bệnh viện”, Châu Thành Toàn nhớ lại.
“Xin tiền” chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, dù không phải xin cho mình, mà để gom góp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Toàn kể, không ít lần, anh cảm thấy tủi nhục, tổn thương lòng tự trọng khi phải chạy chỗ này, chỗ kia xin tài trợ.
Có những lần anh còn bị đuổi, bị dọa đánh. Có những chuyến đi khiến anh lỡ cả đám giỗ mẹ, vì đã trót nhận lời gánh trách nhiệm đi giúp người.
Nhưng cũng chính vì chữ “thương” mà anh không nỡ bỏ ngang.
Không chỉ đi “xin”, Toàn và nhóm bạn trẻ SV07 làm đủ mọi việc hợp pháp để có tiền giúp người: đi vỗ tay thuê cho gameshow, đóng vai fan cuồng tặng hoa, gấu bông, sắm loa đi hát dạo trên phố…
Họ đã dành những năm tháng tuổi trẻ của mình để hát ở bệnh viện, trò chuyện với bệnh nhân ung thư, nấu những bữa cơm lành mạnh cho người bệnh, tổ chức tiệc Trung thu cho học trò nghèo, mang chút ánh sáng niềm vui đến cho người khiếm thị…
Khi có tiền, nhóm SV07 phân công người theo dõi tài chính, tất cả thu chi đều minh bạch rõ ràng.
“Chúng tôi làm dựa vào chữ tín, nên không chỉ được ủng hộ một lần mà nhiều người đã theo nhóm chúng tôi hơn cả 10 năm. Họ tin tôi, và vì họ tin, nên tôi càng phải sống sao cho xứng đáng với lòng tin đó”, Toàn chia sẻ.
Kỷ lục của người không muốn nổi tiếng
Năm 2020, Châu Thành Toàn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận là người có hành trình thiện nguyện lâu năm liên tục nhất cả nước.
Anh còn sở hữu cả một “bộ sưu tập” kỷ niệm chương: Vì sự nghiệp nhân đạo, Vì nạn nhân chất độc da cam…
Nhưng Châu Thành Toàn làm mọi việc đâu phải vì để được ghi nhận, mà chỉ vì:“Trời sinh tính tôi vậy, thích đi lo chuyện bao đồng”.
Nhờ cái “tính” đặc biệt đó mà suốt hai mươi mấy năm qua, hàng trăm học sinh nghèo đã có xe đạp đến trường, hàng chục mái nhà tình thương được dựng lên, hàng trăm vận động viên khuyết tật được hỗ trợ thi đấu, và rất nhiều người bất hạnh khác nhận được những bữa cơm, chiếc xe lăn, hay chỉ đơn giản là một cái nắm tay kịp lúc…
Giữa thời buổi người ta dễ dàng mất niềm tin vào hai chữ “sống đẹp”, Châu Thành Toàn vẫn chọn sự tử tế như một điều hiển nhiên: “Nếu có kiếp sau, Toàn vẫn làm thiện nguyện. Vì thấy ai khổ quá mà mình không giúp, thì trong lòng khó chịu lắm”.
Vì vậy mà anh vẫn tiếp tục “ráng”: Ráng nghĩ cho người khác, ráng lo cho người khác, ráng giúp đỡ người khác – ngay cả khi không nhận lại bất kỳ sự trả ơn nào.
Bởi với anh, được sống là mình, được làm điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời này, đã là một ơn huệ lớn.