Hồi tháng 5, Bệnh viện Trung-Tây y kết hợp Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc, khai trương Phòng khám chán đi làm, nhằm hỗ trợ những người gặp lo âu và trầm cảm liên quan đến công việc.
Dịch vụ mới là sự mở rộng của Phòng khám Chán đi học, giúp các bậc cha mẹ Trung Quốc đối phó với tình trạng con cái chán học, bằng cách điều trị các vấn đề như căng thẳng học đường và rối loạn cảm xúc.
Bà Yue Limin, Trưởng khoa Giấc ngủ và Tâm lý học của bệnh viện kiêm chủ nhiệm phòng khám, cho biết: “Trước đây, khi các em nhỏ đến khám ở phòng Chán đi học, không ít phụ huynh hỏi liệu có dịch vụ tương tự dành cho người lớn hay không, cho những ai không muốn đi làm”.
Phòng khám hướng đến những người thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức, dễ xúc động hoặc cảm thấy công việc của mình vô nghĩa.
“Nếu gọi thẳng là lo âu hay trầm cảm thì có thể khiến bệnh nhân cảm thấy kỳ thị”, bác sĩ Yue nói. “Chúng tôi hy vọng với một cái tên như vậy, người bệnh có thể bước vào phòng khám mà không thấy áp lực”.
Theo bác sĩ, những triệu chứng chán đi làm thường bắt nguồn từ các yếu tố tâm lý hoặc xã hội phức tạp. Vai trò của phòng khám là xác định nguyên nhân, đánh giá và chẩn đoán có hệ thống, từ đó đưa ra phác đồ điều trị và hỗ trợ phù hợp.
Quy trình chẩn đoán bao gồm phỏng vấn để đánh giá trạng thái cảm xúc tổng thể, cùng với các xét nghiệm thể chất nhằm loại trừ các bệnh lý như cường giáp. Sau đó, bệnh viện sẽ xây dựng phác đồ điều trị cá nhân hóa cho từng bệnh nhân.
Dù thu hút sự quan tâm trên cả nước, bà Yue cho biết số lượng bệnh nhân thực tế vẫn khá khiêm tốn. Tuy vậy, chủ đề này lại tạo ra một làn sóng bình luận hài hước trên mạng xã hội Trung Quốc đại lục.
Một người bình luận: “Ai nghĩ ra phòng khám này đúng là thiên tài”.
Người khác hài hước viết: “Bạn bước vào thì chẳng thấy bác sĩ đâu, vì họ cũng… không muốn đi làm”.
Một bình luận khác phê phán: “Bạn tới phòng khám này để làm gì? Để sau khi khám xong thì tự nhiên yêu thích đi làm trở lại chắc?”.