Kỳ lạ nơi cả thị trấn sống chung trong một toà nhà

Anh Thịnh

Biên tập viên

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến gần như toàn bộ cư dân thị trấn Whittier sống chung trong một tòa nhà 14 tầng.

Ở một nơi kẻo lanh của bang Alaska, Mỹ, có một thị trấn nhỏ mà cuộc sống của người dân dường như đi ngược lại mọi nguyên tắc đô thị thông thường. Đó là thị trấn Whittier, nơi gần như toàn bộ cư dân sinh sống và làm việc chỉ trong một tòa nhà duy nhất.

Toàn cảnh thị trấn Whitter, bang Alaska, Mỹ. (Ảnh: New York Post)

Thị trấn Whittier nằm ở một nơi hẻo lánh của bang Alaska, bên bờ biển Prince William Sound và được bao quanh bởi những dãy núi tuyết trắng quanh năm. Điều kiện thời tiết lạnh giá, tuyết rơi dày đặc và gió mạnh đã dẫn tới một kiểu định cư hiếm thấy. Gần như toàn bộ dân số Whittier sống trong một tòa nhà có tên Begich Towers.

Gần như toàn bộ cư dân thị trấn Whitter sống trong toà Begich Towers cao 14 tầng. (Ảnh: New York Post)

Begich Towers ban đầu được xây dựng vào năm 1957 với mục đích phục vụ quân đội Mỹ, và có tên gọi gốc là Hodge Building. Sau khi quân đội rút khỏi khu vực vào những năm 1960, tòa nhà này đã được cải tạo và chuyển giao lại cho người dân địa phương.

Đến năm 1972, công trình được đổi tên thành Begich Towers để tưởng nhớ nghị sĩ Nick Begich, người đã mất tích trong một vụ tai nạn máy bay.

Khu vực vui chơi dành cho trẻ em được bên trong tòa Begich Towers. (Ảnh: Weburbanist)

Begich Towers hiện là nơi cư trú của khoảng 85 – 90% dân số thị trấn Whittier, khoảng 200 người. Bên trong tòa nhà 14 tầng này có đủ mọi tiện ích như: trường học, siêu thị, bưu điện, đồn cảnh sát, trạm y tế, nhà thờ, phòng hội nghị, khách sạn, thậm chí cả hồ bơi.

Một tiệm tạp hóa bên trong tòa nhà. (Ảnh: Weburbanist)

Tòa nhà còn có hệ thống hành lang kín, giúp người dân di chuyển đến các khu vực lân cận mà không cần ra ngoài. Một số căn hộ được cải tạo thành cơ sở kinh doanh nhỏ như quán cà phê, hiệu may, hoặc tiệm bánh,… mang lại cảm giác như đang sống trong một thị trấn thu nhỏ bên trong một khối bê tông lớn.

Một đường hầm kết nối tòa nhà với khu vực lân cận, giúp người dân di chuyển an toàn và tiện lợi. (Ảnh: Unilad)

Trước đây vào mùa đông, cách duy nhất đến đây là bằng tàu hỏa nhưng chỉ trong điều kiện thời tiết cho phép. Ngày nay, du khách có thể đến thị trấn bằng đường hầm xuyên sông băng hoặc tàu thủy.

Ngoài ra, chính quyền bang đã cho chuyển đổi một đường hầm tàu hỏa trong Thế chiến II thành đường ôtô. Tuy nhiên con đường này nhỏ hẹp và để tránh tắc nghẽn, giới chức quy định đường chỉ có một chiều và mỗi giờ lại đổi chiều một lần. Đường hầm đóng vào 22h30 hằng ngày. Do đó, người dân muốn quay lại hay ra khỏi thị trấn phải khởi hành trước thời gian này.

BÀI LIÊN QUAN