Kỳ lạ những nơi trên thế giới người dân không được phép chết

Anh Thịnh

Biên tập viên

Việc chống lại các quy luật tự nhiên được cho là điều không thể nhưng một vài nơi trên thế giới vẫn thử làm điều đó, như "cấm" cái chết.

Itsukushima, Nhật Bản

Đảo Itsukushima của Nhật Bản, còn được gọi là Miyajima, được xem là vùng đất linh thiêng, nơi tọa lạc nhiều đền thờ và chùa chiền cổ kính.

Để duy trì sự thuần khiết của hòn đảo, cái chết (cũng như việc sinh nở) từng bị cấm cho đến cuối thế kỷ 19. Những cư dân cần sinh nở hoặc hấp hối sẽ được đưa tới các đảo lân cận để chăm sóc. Cho đến nay, đảo Itsukushima vẫn chưa có nghĩa trang hay bệnh viện.

Longyearbyen, Na Uy

Tại Longyearbyen của Na Uy, một trong những thành phố cực bắc của thế giới nằm trên quần đảo Svalbard, nhiệt độ lạnh giá và băng vĩnh cửu khiến thi thể không thể phân hủy.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền quyết định ban hành lệnh cấm chết từ năm 1950. Những người đang cận kề cái chết sẽ được đưa về đất liền Na Uy để sống những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Lanjaron, Tây Ban Nha

Năm 1999, ông Jose Rubio, Thị trưởng Lanjaron ở miền nam Tây Ban Nha, đã cấm cái chết do nghĩa trang của thị trấn quá tải. Khoảng 4.000 cư dân ở đây được khuyên nên cố gắng chăm sóc sức khỏe để “không chết” trong khi chính quyền tìm mua đất xây nghĩa trang mới. Tuy nhiên, không rõ sau đó thị trấn có tìm được nghĩa trang mới hay không.

Sarpourenx, Pháp

Năm 2008, thị trưởng làng Sarpourenx (Pháp) ban hành sắc lệnh cấm người dân chết trong làng nếu họ chưa sở hữu một phần đất trong nghĩa trang vốn đã quá tải.

Thị trưởng Gerard Lalanne cảnh báo những ai “vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc”. Ông cho biết mình buộc phải đưa ra biện pháp cực đoan này để phản đối phán quyết pháp lý cản trở việc mở rộng nghĩa trang cho ngôi làng.

Mọi người không còn cách nào hơn là phải tìm một nơi khác để chôn cất người chết ngoài thị trấn.

Biritiba Mirim, Brazil

Năm 2005, các quan chức thị trấn Biritiba Mirim ở Brazil đề xuất cấm cái chết vì nghĩa trang địa phương đã kín chỗ với 50.000 ngôi mộ, thậm chí có những hầm mộ buộc phải dùng chung.

Thị trưởng Roberto Pereira cho biết dự luật này nhằm phản đối quy định liên bang cấm thị trấn mở rộng nghĩa trang vì ảnh hưởng khu đất nông nghiệp.

Dự luật cảnh báo rằng những người “vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình” nhưng không nêu rõ hình phạt sẽ là gì, cũng như liệu đề xuất có được thông qua hay không. Trong lúc chờ đợi, ông Pereira khuyên cư dân hãy chăm sóc sức khỏe “để đừng chết”.

BÀI LIÊN QUAN