Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là nền tảng cho sự phát triển bền vững

Phạm Sinh

Phóng viên

Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đều có mục tiêu chung là thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Trong đó, kinh tế tuần hoàn là một phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu của kinh tế xanh.

Kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh là gì?

Đại hội XIII của Đảng (2021) đã xác định một trong những định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 – 2030 là đạt các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên quy mô lớn trong 10 năm tới.

Vì vậy, cần phải chuyển đổi quá trình điều chỉnh cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đây là cơ sở để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và cũng là bước chuyển để tiến tới nền kinh tế xanh. 

Theo mô hình kinh tế truyền thống (mô hình kinh tế tuyến tính) được bắt đầu bằng việc khai thác tài nguyên đầu vào cho hệ thống kinh tế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và cuối cùng là thải loại. Quá trình này sẽ biến tài nguyên thành chất thải, do đó tất yếu sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. 

Trong khi đó, mô hình kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình kinh tế tuyến tính. Mô hình này sẽ khắc phục những hạn chế và hệ quả của kinh tế tuyến tính, trong đó tác động tiêu cực đến môi trường được xem là hậu quả nặng nề, lâu dài và khó khắc phục nhất. Theo mô hình này, vòng đời của sản phẩm được kéo dài.

Cùng với đó, kinh tế tuần hoàn cũng góp phần giải quyết bài toán tài nguyên, nhân công, chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Vòng sản phẩm kinh tế tuần hoàn - ảnh minh họa
Vòng sản phẩm kinh tế tuần hoàn – ảnh minh họa

Nguồn gốc của mô hình kinh tế tuần hoàn được tổng hợp từ nhiều trường phái tư tưởng khác nhau như: Nền kinh tế dịch vụ chức năng (performance economy) của Walter Stahel; Triết lý thiết kế Cradle to Cradle của William McDonough và Michael Braungart; Mô hình Biomimicry của Janine Benyus; Hệ sinh thái công nghiệp của Reid Lifset và Thomas Graedel; Chủ nghĩa tư bản tự nhiên của Amory, Hunter Lovins và Paul Hawken và cách tiếp cận hệ thống nền kinh tế xanh của Gunter Pauli…

Giáo sư Lawrence R. Klein – Trường Wharton (Đại học Pennsylvania, Mỹ) định nghĩa “kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ khâu thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường”. 

Hay nói cách khác, mô hình kinh tế tuần hoàn có khả năng giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, giải quyết các vấn đề về khan hiếm và bảo tồn tài nguyên.

Trong khi đó, kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít carbon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Năm 2011, Báo cáo “Hướng tới nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo” của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đưa ra định nghĩa về kinh tế xanh được các tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi, đó là: Nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội”.

Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra định nghĩa kinh tế xanh là “phát triển kinh tế đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi tự nhiên, đẩy mạnh vai trò của quản lý nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên”.

Từ những vấn đề phân tích ở trên, có thể nói rằng kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh là hai khái niệm có mối quan hệ biện chứng và hỗ trợ lẫn nhau trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trong đó, kinh tế tuần hoàn đóng vai trò là một trong những giải pháp cốt lõi để hiện thực hóa kinh tế xanh. Cùng với đó, kinh tế xanh tạo môi trường thuận lợi để kinh tế tuần hoàn được áp dụng hiệu quả và lan tỏa rộng rãi.

Định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh tại Việt Nam

Theo Ngân hàng Thế giới cho biết, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam chiếm khoảng 5% GDP mỗi năm khi nó có tác động tiêu cực đến cả môi trường sống lẫn chất lượng phát triển kinh tế – xã hội.

Báo cáo Global Green Economy Index cập nhật năm 2024, cũng cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 79 trên 160 quốc gia về chỉ số kinh tế xanh.

Bên cạnh đó, theo báo cáo năm 2023 của Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), kinh tế tuần hoàn có thể giúp Việt Nam tiết kiệm được 0,5 – 1% GDP hàng năm bằng cách giảm chi phí nguyên liệu và quản lý chất thải.

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chiến lược và chính sách lớn như: Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020; Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn và các cam kết tại COP26 về giảm phát thải khí nhà kính; Nghị quyết số 55-NQ/TW nhấn mạnh ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, nhà máy sử dụng rác thải làm nguyên liệu sản xuất điện, nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.

 Chính phủ cũng cam kết mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 là một phần của chiến lược thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã quan tâm sát sao vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tích cực, chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững, đáp ứng các chính sách xanh của Liên minh Châu Âu.

Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cũng đã được Thủ tướng phê duyệt, xác định đây là xu hướng tất yếu và phù hợp với yêu cầu phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. 

Cụ thể, Thủ tướng đã ký Công điện số 17/CĐ-TTg ngày 20/02/2025, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp sau: 

Thứ nhất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên cơ sở tập trung vào việc chuyển đổi sang các mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo. 

Thứ hai, hỗ trợ kỹ thuật: Giúp doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Thứ ba là thương mại bền vững trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của Liên minh Châu Âu và các thị trường quốc tế khác. 

Thứ tư là nâng cao nhận thức: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về kinh tế tuần hoàn và vai trò của sản xuất, tiêu dùng bền vững. 

Thứ năm là hoàn thiện thể chế: Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là nền tảng cho sự phát triển bền vững - ảnh minh họa
Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là nền tảng cho sự phát triển bền vững – ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng cho rằng chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn là điều tất yếu trong tiến trình phát triển của nước ta để đảm bảo các cam kết về môi trường, khí hậu mà Chính phủ đã đưa ra trước đó.

Trước đó, vào tháng 6/2022, Hội nghị quốc gia lần thứ nhất về kinh tế tuần hoàn tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh mục tiêu giảm thiểu rác thải và thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh.

Tại hội nghị, Chính phủ đưa ra cam kết xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế tài chính để khuyến khích kinh tế tuần hoàn, trong đó có việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, như sự thiếu đồng bộ trong khung pháp lý, hạn chế về công nghệ tái chế, thiếu hụt nguồn lực tài chính và sự tham gia chưa đầy đủ từ cộng đồng và doanh nghiệp. Các thách thức này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có các nghiên cứu chuyên sâu nhằm đánh giá thực trạng, nhận diện những rào cản và đề xuất các giải pháp khả thi để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đang ngày càng được chú trọng trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh phát triển bền vững, gắn với các cam kết toàn cầu về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo nền tảng pháp lý và định hướng chiến lược rõ ràng cho việc triển khai kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay, Việt Nam đang định hướng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trên nhiều lĩnh vực của đời sống.

Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng xanh. Tuy vậy, để kinh tế tuần hoàn thực sự trở thành động lực cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng, công nghệ và khung pháp lý đồng bộ.

Đồng thời, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về lợi ích của kinh tế tuần hoàn, cùng với xây dựng các cơ chế khuyến khích phù hợp, sẽ đóng vai trò quyết định trong thúc đẩy mô hình này. Chỉ khi vượt qua được những thách thức nêu trên, kinh tế tuần hoàn mới có thể phát huy tối đa tiềm năng, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

BÀI LIÊN QUAN