Kinh ngạc lễ hội tắm tập thể lớn nhất hành tinh

Anh Thịnh

Biên tập viên

Hàng triệu tín đồ Hindu ngâm mình dưới dòng nước thiêng trong lễ hội Maha Kumbh Mela, một trong những sự kiện tôn giáo lớn nhất hành tinh đang diễn ra tại Ấn Độ.

Cứ 12 năm một lần, lễ hội Maha Kumbh Mela hay còn gọi là lễ hội Bình đựng nước thiêng, được tổ chức trên bờ sông ở thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ.

Lễ hội năm nay dự kiến có hơn 400 triệu người tham dự. Những người theo đạo sẽ tắm ở Triveni Sangam, nơi hợp lưu của ba dòng sông linh thiêng – sông Hằng, sông Yamuna và sông Saraswati huyền thoại – để thanh tẩy tội lỗi và tiến thêm một bước tới “sự giải thoát về mặt tâm linh”.

Dự kiến hơn 400 triệu người tham dự lễ hội Maha Kumbh Mela kéo dài trong 6 tuần tại Ấn Độ. (Ảnh: Getty Images)

Kumbh Mela bắt nguồn từ thần thoại Hindu và truyền thuyết về trận chiến giữa các thần và quỷ để giành lấy chiếc bình chứa linh dược trường sinh. Trong trận chiến này, bốn giọt linh dược đã rơi xuống Trái đất tại Prayagraj, Nashik, Haridwar và Ujjain – cũng là bốn địa điểm luân phiên tổ chức lễ hội.

Lễ hội đặc biệt nổi tiếng vì thu hút đông đảo các thánh nhân Hindu, được gọi là sadhus, từ khắp nơi ở Ấn Độ. Sadhus là những người tu khổ hạnh, từ bỏ của cải và cuộc sống trần tục, thường nổi bật với mái tóc dài, thân thể phủ tro và trang phục sặc sỡ – đôi khi tối giản.

Sáng 14/1, nhiều sadhus ngâm mình trong dòng nước thiêng, đánh dấu một khoảnh khắc quan trọng mở đầu lễ hội.

Các tín đồ ngâm mình trong thánh lễ Maha Kumbh Mela ở Prayagraj, Ấn Độ, ngày 13/1/2025. (Ảnh: Reuters)

Lễ hội Kumbh Mela được UNESCO công nhận vào năm 2017 là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mời du khách khắp thế giới tham gia lễ hội. Chính quyền địa phương không chỉ quảng bá sự kiện này như một lễ hội tôn giáo mà còn như một sự kiện văn hóa, từng thu hút cả các ngôi sao Bollywood và Hollywood.

Lễ hội năm nay được lên kế hoạch trong nhiều năm và tiêu tốn hàng triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ lượng lớn khách đến Prayagraj, một thành phố có khoảng 6 triệu dân.

Khoảng 160.000 lều trại, 150.000 nhà vệ sinh và đường ống cung cấp nước uống dài 1.249 km đã được lắp đặt trong một khu lều tạm rộng 4.000 hecta, tương đương diện tích của 7.500 sân bóng đá.

Người hành hương và du khách tắm thánh. trong lễ hội. (Ảnh: Reuters)

Năm 2013, hàng chục người đã thiệt mạng và bị thương trong một vụ chen lấn tại ga tàu khi các tín đồ đổ về thành phố. Những sự cố chết người tại các lễ hội tôn giáo ở Ấn Độ không hiếm, thường phản ánh sự thiếu kiểm soát đám đông và các biện pháp an toàn.

Năm nay, giới chức cho biết đã tăng cường các biện pháp an toàn tại Prayagraj, bao gồm các vòng an ninh với trạm kiểm soát do hơn 1.000 cảnh sát đảm trách.

Hơn 2.700 camera an ninh sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ được triển khai quanh thành phố, được giám sát bởi hàng trăm chuyên gia tại các điểm quan trọng.

Máy bay không người lái sẽ giám sát từ trên cao, và lần đầu tiên, các thiết bị lặn không người lái có thể hoạt động ở độ sâu tới 100 mét sẽ được sử dụng để đảm bảo an ninh 24/7.

Lễ hội thu hút nhiều thánh đạo nhân Hindu khắp Ấn Độ. (Ảnh: Getty Images)

Một lượng lớn khách hành hương dự kiến đến khu vực này bằng tàu hỏa, vì vậy chính quyền đã bổ sung 3.000 chuyến tàu đặc biệt và 13.100 dịch vụ đường sắt.

Bang Uttar Pradesh cũng đã xây dựng thêm 14 cầu vượt và hầm qua đường, 11 hành lang đường bộ mới, triển khai thêm 7.000 xe buýt, 550 xe buýt trung chuyển, 7 bến xe mới và 30 cầu phao để cải thiện khả năng kết nối.

Lễ hội sẽ kết thúc vào ngày 26/2.

BÀI LIÊN QUAN