Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang trở thành động lực then chốt kết nối ba trụ cột: Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, mở ra cả cơ hội bứt phá lẫn thách thức to lớn cho Việt Nam.
Việt Nam đang đứng trước những ngưỡng cửa then chốt của kỷ nguyên mới, nơi công nghệ không còn là lựa chọn mà là con đường tất yếu. Song để biến các khẩu hiệu thành hành động, còn đó hàng loạt điểm nghẽn về thể chế, vốn, thị trường và con người.
Các vấn đề này đã được phân tích sâu tại buổi tọa đàm “Đột phá khoa học: Trụ cột đưa Việt Nam cất cánh” do Halotimes tổ chức ngày 02/7/2025 tại Hà Nội, với sự tham gia của GS.TS Phạm Văn Đức và PGS.TS Bùi Quang Tuấn (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam). Sau đây là tổng hợp những điểm nổi bật, hé lộ cả cơ hội lẫn thách thức khi Việt Nam quyết tâm đặt khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm mạch nối cho ba trụ cột phát triển đất nước.
Vì sao phải có một nghị quyết riêng?
Không phải ngẫu nhiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, thời điểm này là một “thời khắc lịch sử”. “Hiện nay chúng ta đứng trước ngưỡng cửa rất đặc biệt, một kỷ nguyên mới của rất nhiều chuyển đổi lớn, mà nổi bật là chuyển đổi số. Cả thế giới đang cạnh tranh khốc liệt trên lĩnh vực này; chúng ta không thể đứng ngoài cuộc”, ông nhấn mạnh.
Thực tế, công nghệ đã trở thành mặt trận chính của cạnh tranh toàn cầu, thay thế dần cho chiến tranh thương mại thuần túy.
“Các cuộc xung đột Mỹ – Trung thực chất là cuộc chiến công nghệ, nhằm giành vị trí dẫn đầu, biến công nghệ thành động lực mới cho tăng trưởng”, ông Tuấn phân tích.
Bên cạnh đó, Việt Nam đối mặt trực tiếp với những sức ép khổng lồ từ biến đổi khí hậu. Là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất, nếu không dựa vào công nghệ để xanh hóa, giảm phát thải, sẽ khó lòng thực hiện cam kết trung hòa carbon.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, nếu Việt Nam tiếp tục đi theo quỹ đạo tăng trưởng hiện tại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình rất lớn: “Chỉ khoảng 31 quốc gia trên thế giới thoát được bẫy này; còn lại đa số loay hoay ở mức trung bình, rất khó vượt lên nếu không có thay đổi căn bản”.
Thể chế, vốn, con người: Ba điểm nghẽn dai dẳng
Một loạt con số cho thấy khoảng cách đáng lo ngại. Việt Nam hiện chỉ đầu tư khoảng 0,6% GDP cho khoa học công nghệ, trong khi mặt bằng chung thế giới là 2,2%. Hàn Quốc duy trì trên 4%, Israel lên tới 5%.
Ông Tuấn chia sẻ: “Muốn có đột phá về công nghệ, bắt buộc phải đầu tư. Trong khi chúng ta vừa thiếu vốn, vừa có vô số rào cản thể chế khiến đồng tiền không được giải ngân”.
Cơ chế quản lý hiện tại cũng còn nhiều bất cập. “Sáng tạo dễ bị coi là thay đổi cái cũ, mà thay đổi có thể bị xem là sai quy định. Sai với mới đôi khi chỉ cách nhau một ranh giới mập mờ. Chúng ta không có chính sách rõ để phân biệt, đó đã là cản trở rất lớn rồi”, ông nhấn mạnh.
Ngay cả về tài chính, cách quản “có tiền là phải có sản phẩm ngay” buộc nhà khoa học mất nhiều thời gian cho hồ sơ, thủ tục thay vì nghiên cứu.
Vấn đề thị trường khoa học công nghệ cũng chưa hình thành đúng nghĩa. “Thị trường là chỗ để ai mạnh thì nhận tài nguyên. Nhưng chúng ta chưa phát triển được thị trường công nghệ, không có cơ chế cạnh tranh để nguồn lực chạy đến đúng người có năng lực”, ông Tuấn chỉ rõ.
Đáng lo nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam có dân số vàng nhưng chưa chuyển thành lợi thế công nghệ. “Những em đạt giải Olympic cuối cùng đi hết. Chúng ta không giữ chân được, không tạo chính sách thu hút. Đấy là lãng phí khủng khiếp nguồn lực con người”, ông Tuấn bày tỏ.
Chuyển đổi số: Cơ hội lớn nhưng cũng đầy thách thức
Một trong những điểm mới nhất của Nghị quyết 57 là đưa chuyển đổi số thành một nội dung riêng, tách khỏi khái niệm công nghệ thuần túy. Đây là xu thế không thể đảo ngược khi nền kinh tế số Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 18-20% mỗi năm, gấp 2-3 lần mức tăng trưởng truyền thống.
Theo ông Tuấn, chuyển đổi số mở ra cơ hội giảm chi phí, nâng năng suất, mở rộng thị trường xuyên biên giới. “Không gian số bây giờ không còn rào cản quốc gia như thời Covid cho thấy. Ai nắm được nền tảng số, người đó chiếm lĩnh thị trường toàn cầu”, ông phân tích.
Tuy nhiên, đi cùng cơ hội là vô số thách thức. Hạ tầng số, cơ sở dữ liệu lớn, an ninh mạng, an toàn thông tin cá nhân… tất cả đều đang ở mức yếu.
“Chúng ta muốn hóa đơn điện tử nhưng chữ ký số chưa được công nhận đầy đủ, cuối cùng vẫn phải in ký tươi. Đó là minh chứng của sự không đồng bộ, rất dễ bẻ gãy cả hệ thống”, ông cảnh báo.
Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số cũng chưa đủ cả về lượng lẫn chất. Đặc biệt, việc đảm bảo an toàn không gian mạng trở thành yêu cầu sống còn, khi nền kinh tế ảo dần lớn ngang kinh tế thực.
“Kinh tế ảo mà sụp đổ thì hậu quả chẳng khác gì kinh tế thực. Phải xây dựng môi trường số an toàn thì người dân, doanh nghiệp mới dám tham gia”, ông nói.
Bài học từ các quốc gia: Đầu tư cho con người, quản trị quyết liệt
Trong suốt cuộc trao đổi, ông Tuấn nhiều lần nhắc đến kinh nghiệm quốc tế. Singapore, Israel, Hàn Quốc và cả Trung Quốc là những tấm gương sống động.
“Singapore không có tài nguyên, chỉ có con người, nhưng họ biến con người thành trung tâm, thành ‘smart nation’ quốc gia số, với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thuộc hàng đầu thế giới”, ông Tuấn dẫn ví dụ.
Israel thì khác, giữa sa mạc họ khởi nghiệp, biến nước biển thành nước ngọt, đột phá cả nông nghiệp, công nghiệp quốc phòng. “Đó là một quốc gia khởi nghiệp thật sự, với chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ, vừa mạnh dạn đi vào khoa học công nghệ. Nhờ đó GDP của họ hơn hẳn chúng ta dù dân số chưa đến 10 triệu”, ông phân tích.
Hàn Quốc lại đi lên từ nghèo khó, nhưng quyết liệt cử người đi Mỹ học rồi ràng buộc gia đình phải đưa nhân tài về phục vụ đất nước. “Bây giờ GDP đầu người của họ ngang Nhật Bản, nhiều lĩnh vực công nghệ còn vượt Nhật”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngay cả Trung Quốc cũng để lại nhiều bài học. “Trung Quốc chuyển đổi số rất nhanh, rất sâu, doanh nghiệp năng động tràn ra thế giới. Họ cùng thể chế, cùng mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa như chúng ta, nên bài học lại càng sát. Vấn đề là chúng ta chọn lọc thế nào để tận dụng lợi thế người đi sau”, ông nói.
Phải đồng bộ ba trụ cột: Kinh tế, pháp quyền, dân chủ
Nhưng quan trọng nhất, theo ông Tuấn, là làm sao tránh chia cắt giữa các trụ cột. Nghị quyết 57 thực chất là để tạo nền tảng cho ba trụ cột mà Đảng đã đề ra: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nếu không có sự kết nối đồng bộ, tất cả sẽ chỉ dừng ở lý thuyết.
“Hiện nay cơ sở dữ liệu còn phân mảnh, mỗi bộ ngành tự giữ kho riêng, không có cơ chế chia sẻ. Khi triển khai chính sách lại đụng đủ loại văn bản chồng chéo. Đó chính là làm không đồng bộ, khiến doanh nghiệp, người dân mất niềm tin, chi phí tăng cao”, ông chỉ rõ.
Chuyển đổi số chính là cơ hội để Việt Nam giải quyết căn bệnh này. Từ đó, nâng chất dân chủ nhờ thông tin minh bạch, thị trường hiện đại nhờ giao dịch số, và nhà nước pháp quyền mạnh nhờ quản trị số.
“Nếu chúng ta không quyết liệt thay đổi, không ai làm thay chúng ta được. Muốn phát triển phải đồng lòng từ nhà khoa học, doanh nghiệp đến từng người dân”, ông Tuấn chia sẻ.