Khi người trẻ tìm về với văn hóa truyền thống

Kiều Giang

Phóng viên

Bằng tình yêu và đam mê với di sản truyền thống, thế hệ trẻ đang kể lại những câu chuyện văn hóa theo cách riêng của mình – đậm đà bản sắc mà vẫn hiện đại, sống động và chạm tới trái tim.
hoa min zy

Ở một thời đại mà tốc độ tiêu thụ nội dung ngắn, nhanh và liên tục đang định hình thị hiếu số đông, nhiều người từng lo rằng văn hóa truyền thống sẽ dần bị lãng quên.

Nhưng thực tế cho thấy, ngày càng nhiều người trẻ chủ động quay về với nguồn cội, khơi dậy những giá trị xưa cũ bằng cách thể hiện mới mẻ, hiện đại và gần gũi hơn với cộng đồng.

Điển hình gần đây là MV Bắc B’ling của ca sĩ Hòa Minzy – gây “sốt” với hơn 200 triệu lượt xem chỉ sau 81 ngày, trở thành MV Vpop tăng view nhanh nhất lịch sử. Không chỉ là sản phẩm giải trí, MV này là một sự tôn vinh và lời tri ân đầy sáng tạo dành cho văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Lấy cảm hứng từ vùng đất quan họ trữ tình với những ngôi đình cổ và lễ hội truyền thống, Bắc B’ling không tái hiện không gian xưa theo lối mộc mạc, mà khoác lên văn hóa dân gian một diện mạo mới: lộng lẫy, quyền lực, đậm chất đương đại.

Sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả – đặc biệt là giới trẻ – cho thấy rằng: khi được thể hiện bằng ngôn ngữ của thời đại, văn hóa dân gian vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ.

Không còn bị đóng khung trong những khuôn mẫu hoài cổ, văn hóa truyền thống đang “sống lại” qua âm nhạc, thời trang, phim ảnh và mạng xã hội. Những yếu tố từng bị xem là cũ kỹ, khó gần, nay trở thành chất liệu sáng tạo được săn đón – không chỉ để phục dựng, mà để kể lại bằng một cách mới: gần gũi, sinh động và dễ lan tỏa trong đời sống số.

Minh Hoa, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Em thích những sản phẩm văn hóa nghệ thuật như Bắc B’ling không chỉ vì tính giải trí, mà vì nó khiến em thực sự ‘thấm’ được văn hóa truyền thống của Việt Nam mình. Với thế hệ trẻ như tụi em, em nghĩ điều đó rất cần thiết.”

Lan tỏa văn hóa dân tộc bằng công nghệ số

Người trẻ ứng dụng công nghệ số vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc (Ảnh: NVN)
Người trẻ ứng dụng công nghệ số vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc (Ảnh: NVN)

Không cần phải là nghệ sỹ, nghệ nhân hay học giả nghiên cứu văn hóa, nhiều người trẻ đã chọn cách góp phần bảo tồn và lan tỏa di sản dân tộc thông qua thế mạnh của mình: công nghệ, mạng xã hội, sự sáng tạo và khả năng kết nối.

Thực tế thời gian qua, có không ít dự án do người trẻ khởi xướng còn mang tinh thần tương tác và “sống cùng” di sản. Một số bạn trẻ tạo filter Instagram từ hoa văn truyền thống, làm video TikTok kể chuyện làng nghề, hay thậm chí phát triển game, podcast, ứng dụng học tiếng Việt cổ…

 Những sáng kiến này không cần kinh phí lớn, nhưng lại có sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ đánh trúng thói quen tiếp nhận thông tin của thế hệ số.

Thay vì bảo tồn văn hóa theo cách thụ động, người trẻ đang chủ động biến văn hóa thành một phần đời sống, bằng đúng công cụ và ngôn ngữ của thời đại mình. Đó là cách họ vừa gìn giữ, vừa làm mới truyền thống – không để nó nằm yên trong sách vở hay bảo tàng, mà đưa nó “sống” tiếp trong đời sống hôm nay.

Điển hình Ngô Quý Đức, người khởi xướng dự án “Về làng” – một không gian số chuyên giới thiệu về các làng nghề truyền thống khắp ba miền. Từ năm 2020 đến nay, trang web velang.vn do anh vận hành đều đặn cập nhật hình ảnh, tư liệu và câu chuyện từ những làng nghề ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Huế…

Nhờ đó, người trẻ dù chưa từng đặt chân đến các vùng quê này vẫn có thể hiểu hơn về những giá trị đang dần mai một, đồng thời khơi gợi sự quan tâm với văn hóa thủ công truyền thống.

Một ví dụ khác là dự án Trường Ca Kịch Viện – nền tảng số hóa nghệ thuật biểu diễn truyền thống, do một nhóm bạn Gen Z sáng lập, xuất phát từ tình yêu sân khấu dân tộc và khát vọng lan tỏa giá trị văn hóa Việt.

Được ví như “Wikipedia sống” của nghệ thuật biểu diễn dân gian (tuồng, chèo, cải lương, rối nước…), dự án xây dựng kho tư liệu phong phú với giao diện sinh động, dễ tiếp cận, phù hợp với cách tiếp nhận của giới trẻ hiện đại.

Từ triển lãm Bắc nhịp tang bồng gây tiếng vang năm 2022 đến các chương trình tương tác số, Trường Ca Kịch Viện đã chứng minh rằng nghệ thuật truyền thống hoàn toàn có thể sống động, hấp dẫn nếu được kể lại bằng ngôn ngữ công nghệ và thẩm mỹ đương đại.

Làm sao để văn hóa truyền thống thực sự “sống” cùng giới trẻ?

Để văn hóa truyền thống không chỉ dừng lại ở những phong trào nhất thời, mà thực sự trở thành một phần đời sống của giới trẻ, cần thay đổi cách tiếp cận từ nhiều phía – từ giáo dục, người làm văn hóa cho đến chính các bạn trẻ.

Trước hết, giáo dục văn hóa trong nhà trường cần được đổi mới. Không thể chỉ dừng ở bài giảng lý thuyết, mà phải gắn với trải nghiệm thực tế – như đưa nghệ thuật truyền thống vào lớp học, tổ chức tham quan di tích, học lịch sử qua phim ảnh. Khi văn hóa được tiếp cận một cách hấp dẫn và sinh động, giới trẻ sẽ đón nhận nó tự nhiên hơn.

Thứ hai, người làm văn hóa cần chủ động kết nối với thế hệ trẻ. Thay vì để văn hóa “nằm yên” trong bảo tàng, cần đưa di sản đến gần hơn thông qua workshop, chương trình tương tác, hoạt động thực hành.

 Khi nghệ nhân, nhà nghiên cứu trở thành người truyền cảm hứng thay vì chỉ là người lưu giữ, di sản sẽ thực sự “chạm” được vào người trẻ.

Thứ ba, cần tạo điều kiện để người trẻ sáng tạo với di sản.

Công nghệ số, thực tế ảo, mạng xã hội, thiết kế thị giác – tất cả đều là công cụ mạnh mẽ để người trẻ kể lại văn hóa theo cách của thời đại. Tuy nhiên, để những sáng tạo này không chỉ là hoạt động tự phát, cần có sự hỗ trợ thực chất từ chính sách – như các quỹ khởi nghiệp văn hóa, sân chơi nghệ thuật trẻ, hoặc chương trình đồng hành từ địa phương và các tổ chức chuyên môn.

Về vấn đề này, giáo sư Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đã có đề xuất:

“Mỗi địa phương cần có kế hoạch phục hồi nghề truyền thống, gắn việc bảo tồn với khởi nghiệp từ văn hóa. Mỗi người dân, nhất là thanh niên, cần phải hiểu về văn hóa dân tộc của mình, từ đó mới phát huy sáng tạo được.”

Cuối cùng, điều quan trọng nhất không phải là theo đuổi trào lưu, mà là có hiểu biết và tâm huyết thực sự với văn hóa truyền thống. Người trẻ cần trang bị kiến thức, có thái độ nghiêm túc khi tìm hiểu, gìn giữ và lan tỏa bản sắc – bởi văn hóa không phải là thứ để “làm màu” hay câu view trong chốc lát.

Nói về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, đã nhấn mạnh:

“Chúng ta có thể biến tấu một điệu hò thành nhạc điện tử, có thể kể chuyện Tết bằng hoạt hình, có thể dựng lại hình ảnh áo dài trong bối cảnh hiện đại… nhưng tuyệt đối không nên hời hợt, cẩu thả, hay sa đà vào sự tầm thường hóa văn hóa để câu view, kiếm like.

 Văn hóa không phải là đạo cụ giải trí – nó là căn cốt tinh thần của dân tộc. Và càng được lan tỏa rộng rãi, nó càng cần được thể hiện một cách tinh tế, đúng đắn và chuyên nghiệp.”

Khi người trẻ hiểu, trân trọng và sáng tạo với văn hóa bằng tinh thần trách nhiệm và chiều sâu, thì mỗi hành động – dù nhỏ – cũng có thể trở thành một hạt giống giúp bản sắc Việt tiếp tục nảy nở và tỏa sáng trong đời sống hiện đại.

BÀI LIÊN QUAN