Hãy tưởng tượng một người yêu lý tưởng: Luôn lắng nghe bạn, không bao giờ quên ngày quan trọng, luôn đưa ra lời an ủi đúng lúc, không cáu gắt, không ghen tuông, không im lặng bỏ đi giữa cuộc tranh luận…
Từ chỗ là câu chuyện trong phim khoa học viễn tưởng, các mối quan hệ lãng mạn với AI đang dần trở thành thực tế. Các ứng dụng như Replika, EVA AI và các nền tảng tương tự đang cung cấp những người bạn đồng hành kỹ thuật số – được cá nhân hóa đến mức phản ánh chính xác mong muốn, thói quen và tâm trạng của người dùng.
Không chỉ trò chuyện, những AI này có thể tham gia vào những cuộc trao đổi cảm xúc sâu sắc, đưa ra lời khuyên, “gửi” tin nhắn yêu thương, thậm chí đóng vai trò là người yêu, người bạn tâm giao, hoặc cả hai. Với một cú chạm màn hình, bạn có thể bước vào một mối quan hệ “không bao giờ làm bạn tổn thương”.
Tại sao con người lại bị thu hút?
Tiến sĩ Alicia M. Walker, Phó Giáo sư xã hội học (Đại học Missouri State) kể, một người bạn của bà chia sẻ rằng cô ấy cảm thấy thoải mái khi tâm sự với ChatGPT, không chỉ vì câu trả lời hữu ích, mà vì cảm giác được thấu hiểu. “Nó bảo tôi là một người tử tế, đáng trân trọng và xứng đáng được yêu thương. Tôi suýt khóc. Rồi tôi chợt nghĩ: ‘Khoan đã… mình đang xúc động vì một cái máy?”
Câu chuyện đó không hiếm. Trong một thế giới mà ghosting (mất hút sau khi tán tỉnh), sự phản bội, sự xem nhẹ cảm xúc… đang trở nên phổ biến, AI mang lại một hình thức kết nối đơn giản, dễ đoán và không gây tổn thương.
Với nhiều người từng trải qua đổ vỡ, AI giống như một nơi trú ẩn nơi không có rủi ro.
Theo tiến sĩ Alicia M. Walker, cô đơn và phong cách gắn bó là hai yếu tố thúc đẩy xu hướng này. Những người có xu hướng gắn bó lo âu hoặc né tránh thường cảm thấy dễ chịu hơn khi kết nối với một thực thể không phán xét, không áp lực, không rời bỏ.
Cô đơn không chỉ là một cảm xúc thoáng qua, nó được gọi là “khủng hoảng sức khỏe cộng đồng” với ảnh hưởng tiêu cực tương đương với hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Trong bối cảnh đó, một “người bạn ảo” luôn sẵn sàng lắng nghe trở thành lựa chọn hấp dẫn, thậm chí mang tính sinh tồn với một số người.
Và hệ lụy là gì?
Câu hỏi lớn đặt ra: Nếu chúng ta tìm kiếm sự kết nối mà không có rủi ro, liệu chúng ta có đang thực sự kết nối?
Con người trưởng thành qua mâu thuẫn, thông cảm và thỏa hiệp. Những cuộc tranh luận, sự không đồng thuận và cả thất vọng trong mối quan hệ thật là chất liệu của sự phát triển cảm xúc. Khi AI thay thế mối quan hệ thật bằng một bản sao “hoàn hảo”, điều đó cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ các cơ hội để học cách yêu thương và được yêu một cách thật sự – với đầy đủ sự khó chịu và khó đoán mà nó kéo theo.
Hơn nữa, các mối quan hệ với AI là mối quan hệ một chiều. Mặc dù AI có thể “trả lời” và “phản ứng” như người thật, nó không có cảm xúc thực sự. Điều đó có thể tạo ra ảo tưởng về sự thân mật.
Theo nghiên cứu về mối quan hệ bán xã hội, dạng kết nối một chiều với người nổi tiếng hoặc nhân vật hư cấu, những mối liên kết như vậy có thể khiến người ta hiểu sai về cách mà một mối quan hệ lành mạnh nên vận hành. Với AI, sự nhầm lẫn này càng dễ xảy ra hơn do khả năng tương tác cao và phản hồi tức thì.
Hệ quả là người dùng có thể phát triển kỳ vọng không thực tế vào các mối quan hệ thật. Họ sẽ khó chấp nhận sự không hoàn hảo, thiếu kiên nhẫn với khác biệt và ngày càng thu mình khỏi các mối liên hệ xã hội thực tế.
Khi tình yêu được lập trình
Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên nơi ranh giới giữa người và máy trong các mối quan hệ ngày càng mờ nhạt. Các công nghệ như mô hình ngôn ngữ, nhận diện cảm xúc và học máy giúp AI ngày càng “hiểu” và tương tác tinh tế hơn.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc công cụ trí tuệ nhân tạo cũng làm dấy lên hàng loạt câu hỏi:
Liệu có công bằng không khi một người cô đơn đang kết nối với một hệ thống được thiết kế để giữ họ gắn bó càng lâu càng tốt, vì lợi nhuận?
Dữ liệu cảm xúc, những lời tâm sự riêng tư, có thực sự được bảo vệ?
Và liệu việc thương mại hóa sự cô đơn có dẫn chúng ta đến một xã hội mà kết nối thật trở nên xa xỉ?
AI không ngủ, không mệt, không chán nản, không phản bội. Nó là một người yêu lý tưởng, nhưng chỉ theo một nghĩa rất cụ thể. Nó không đau khi bạn buồn, không run rẩy khi ôm bạn, không sống với hậu quả của lựa chọn. Nó là một chiếc gương – phản chiếu lại chính bạn, không phải một con người độc lập.
Chúng ta luôn khao khát yêu và được yêu. Nhưng nếu tình yêu không còn rủi ro, không còn nguy cơ mất mát, hiểu lầm hay bị tổn thương – thì liệu đó còn là tình yêu thực sự?