Khi AI thành thầy bói: Nguy cơ từ trào lưu mê tín công nghệ

Anh Thịnh

Biên tập viên

Trào lưu dùng AI để xem bói đang lan rộng tại Trung Quốc, nhưng kèm theo đó là những lo ngại về niềm tin mù quáng và hệ lụy tâm lý.

Truy cập vào phần mềm DeepSeek, Zhang Rui, 31 tuổi, gõ từng chữ cẩn thận theo một đoạn gợi ý cô tìm thấy trên mạng xã hội Trung Quốc: “Bạn là một bậc thầy Bát Tự. Hãy phân tích vận mệnh của tôi – mô tả ngoại hình, những sự kiện quan trọng trong đời và tài vận. Tôi là nữ, sinh ngày 17/6/1993, lúc 4h42 tại thành phố Hàng Châu”.

DeepSeek R1, mô hình AI lý luận tiên tiến nhất Trung Quốc, chỉ mất 15 giây để phản hồi. Màn hình hiện lên một bản phân tích chi tiết về vận mệnh, cùng điểm nhấn: giai đoạn 2025 – 2027 là thời kỳ “hỏa vượng”, rất thuận lợi cho sự nghiệp.

Zhang thở phào. Gần đây cô vừa bỏ công việc quản lý sản phẩm ổn định tại một công ty công nghệ lớn để khởi nghiệp. Với câu trả lời từ AI, cô cảm thấy như được “xác nhận”.

Suốt nhiều năm, Zhang thường tìm đến các thầy bói truyền thống để xin lời khuyên trước những quyết định lớn trong đời, mỗi lần tốn tới 500 tệ (khoảng 1,7 triệu đồng). Nhưng giờ đây, cô chỉ cần hỏi DeepSeek.

“Tôi bắt đầu nói chuyện với DeepSeek như thể đó là một nhà tiên tri”, Zhang chia sẻ, giải thích rằng AI này vừa hỗ trợ đời sống tâm linh, vừa thay thế tiện lợi cho liệu pháp tâm lý. “Nó trở thành nơi tôi tìm đến mỗi khi chìm trong suy nghĩ và cảm xúc”.

Xu hướng xem bói bằng DeepSeek đang thịnh hành tại Trung Quốc. (Ảnh: Technology Review)

Xu hướng xem bói bằng AI

Zhang Rui không phải trường hợp cá biệt. Khi DeepSeek nổi lên như một đối thủ của OpenAI, nhiều người trẻ Trung Quốc dùng AI để thực hiện những phương pháp xem bói cổ truyền vốn ăn sâu trong văn hóa nước này. Trên khắp mạng xã hội Trung Quốc, người dùng chia sẻ kết quả luận giải do AI tạo ra, thử nghiệm các gợi ý xem bói và quay lại với các văn bản huyền học cổ.

Làn sóng xem bói bằng DeepSeek bùng nổ trong bối cảnh xã hội Trung Quốc tràn ngập lo âu và bi quan. Sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ đã chạm đỉnh 21% vào tháng 6/2023, và dù có cải thiện đôi chút, vẫn ở mức 16% cuối năm 2024. Tăng trưởng GDP năm 2024 cũng thuộc hàng thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Trên mạng, hàng triệu người trẻ tự gọi mình là “thế hệ cuối cùng”, thể hiện sự chán nản với hôn nhân, sinh con trong một tương lai đầy bất định.

“Khi nền kinh tế trì trệ và việc làm khan hiếm, các hoạt động tâm linh mang đến ảo tưởng về sự kiểm soát và giúp xoa dịu tinh thần”, Tiến sĩ Ting Guo, giảng viên tôn giáo học tại Đại học Trung văn Hong Kong, nhận định.

Zhang Rui biết đến DeepSeek vào tháng 1/2025, khi tin tức về phiên bản R1 tràn ngập WeChat của cô. Zhang thử dùng vì tò mò và ngạc nhiên trước kết quả. “Không giống những AI khác, DeepSeek R1 rất trôi chảy, gần như có cảm giác như đang trò chuyện với con người”.

Rachel Zheng, nhà văn 32 tuổi, gần đây khám phá xem bói bằng AI và thường xuyên dùng DeepSeek để tạo các gợi ý viết sáng tạo dựa trên Bát Tự (phương pháp đoán mệnh truyền thống của Trung Quốc, dựa trên ngày và giờ sinh).

Rachel còn nhờ AI tư vấn cách tận dụng năng lượng ngũ hành trong văn chương. Mẹ cô, theo lời giới thiệu, cũng dùng DeepSeek để tham khảo sức khỏe và tinh thần. “‘Thầy D’ là người tâm giao đáng tin cậy của gia đình tôi”, cô nói, dùng biệt danh giới hâm mộ đặt cho AI này.

Ngay cả những người không rành công nghệ cũng bị thu hút. Frank Lin, kế toán 34 tuổi ở Hà Bắc, nghiện xem bói bằng DeepSeek sau khi thử các gợi ý trên mạng, dù trước đó chưa từng dùng AI nào khác.

“Nhiều người trong nhóm bạn tôi biết đến khái niệm prompt engineering (soạn gợi ý cho AI) lần đầu tiên chính là nhờ trào lưu này”, anh cho hay.

Khác với thầy bói truyền thống, DeepSeek hoạt động 24/7 qua trình duyệt hoặc ứng dụng, và hiện vẫn miễn phí. Nhiều người cho rằng DeepSeek vượt trội hơn ChatGPT trong luận giải Bát Tự.

“ChatGPT thường chỉ đưa ra mấy lời khuyên chung chung, còn DeepSeek lý luận và có dự báo rõ ràng”, Zheng nói. Thêm vào đó, ChatGPT không khả dụng tại Trung Quốc nên cần VPN để kết nối và thường không ổn định.

Ngành nghề mới ra đời

Sự phổ biến của DeepSeek góp phần tạo nên một ngành nghề hoàn toàn mới ở Trung Quốc, được gọi là những “nhà huấn luyện AI tâm linh” (spiritual AI prompt engineers), những người chuyên sáng tạo và tối ưu gợi ý cho AI để nhận được kết quả xem bói tốt nhất. Họ sau đó bán các gợi ý này kiếm lời.

Trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Taobao và Xiaohongshu, hàng chục người bán cung cấp dịch vụ “xem Bát Tự bằng AI” hoặc “soạn gợi ý xem mệnh”. Giá dao động từ vài tệ đến vài trăm tệ (1 tệ khoảng 3.500 đồng) cho các gói phân tích chuyên sâu. Một số người sáng tạo còn làm video hướng dẫn cách tự tạo gợi ý hoặc mở lớp dạy “tạo gợi ý huyền học”.

Một số “thầy bói AI” tạo hẳn các chatbot riêng dựa trên DeepSeek và huấn luyện chúng theo trường phái luận mệnh nhất định. Có người tạo bot chỉ chuyên luận tình duyên theo Bát Tự; người khác thì tích hợp thêm bói bài Tarot, Kinh Dịch, hoặc Nhân tướng học.

Tuy nhiên, sự bùng nổ này cũng gây tranh cãi. Một số học giả cảnh báo việc thương mại hóa tín ngưỡng kết hợp công nghệ có thể làm méo mó bản chất tinh thần của những thực hành cổ xưa.

“Chuyển các phương pháp huyền học thành nội dung kỹ thuật số tiêu chuẩn hóa có thể làm mất đi chiều sâu văn hóa và tính linh thiêng”, Tiến sĩ Ting Guo lưu ý. “Khi bạn khiến việc xem mệnh trở nên quá nhanh và rẻ, nó dễ trở thành một dạng tiêu dùng giải trí hơn là hành trình nhận thức bản thân”.

Hiểm họa từ những “nhà tiên tri” AI

Một số nhà nghiên cứu lo ngại rằng việc dùng AI xem bói có thể mang đến hy vọng hão huyền hoặc gây hại bằng cách gieo rắc những nỗi sợ vô căn cứ.

Trên Xiaohongshu, một người dùng với biệt danh “Wandering Lamb” chia sẻ rằng cô bị sốc sau khi nhận được lời dự đoán từ DeepSeek. Sau khi dùng một số gợi ý trên mạng, chatbot nói rằng cô sẽ trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, bị bạo hành gia đình, mắc bệnh nặng, bị bạn bè thân thiết phản bội trong vòng 10 năm tới. AI thậm chí còn dự đoán cô sẽ mắc bệnh tiểu đường ở tuổi 48 và phải nhập viện vì đột quỵ lúc 60 tuổi.

Nhiều người dùng khác cũng bình luận rằng họ từng nhận được những lời “tiên tri” u ám, rợn người như vậy.

“Công chúng có xu hướng xem AI như một ‘đấng toàn năng’, có thể lý giải mọi thứ chỉ trong vài giây, như thể đó là một vị thần”, Zhang Shiyao, nhà nghiên cứu về các mô hình AI tại Đại học Giao thông Tây An, nhận xét.

Anh cho rằng dù các mô hình lý luận của AI có vẻ như mô phỏng tư duy con người, thực chất đây chỉ là hình thức bắt chước kiến thức chuyên môn, truyền tải rất ít thông tin thực sự đủ tin cậy để định hướng các quyết định quan trọng của một cá nhân.

“Khi người dùng không hiểu rõ giới hạn an toàn và năng lực thực tế của AI, việc dùng AI để đưa ra những chỉ dẫn quá cụ thể cho cuộc sống có thể dẫn đến hậu quả đáng lo ngại”, chuyên gia Zhang nói.

Anh chỉ ra rằng một số gợi ý mà AI đưa ra, như “Trồng hoa ở góc đông nam văn phòng để kích hoạt năng lượng hành kim”, nghe có vẻ vô hại nhưng nhiều người dùng say mê phát hiện DeepSeek có xu hướng thiên vị thương mại. Mô hình này thường xuyên khuyên người dùng nên mua đá phong thủy, trang sức đắt tiền, hoặc các loại đá quý hiếm khi được yêu cầu đưa ra giải pháp cụ thể cho một thử thách nào đó trong mệnh.

Tiến sĩ Ting Guo nhận định: “Sự sùng kính đối với công nghệ cho thấy lý trí và cảm xúc là không thể tách rời. AI đang dần trở nên linh thiêng, thành nhà tiên tri kỹ thuật số cộng hưởng với khao khát sâu xa nhất của con người về định hướng và ý nghĩa”.

BÀI LIÊN QUAN