IQ và EQ: Cái nào quan trọng hơn?

Kiều Giang

Phóng viên

Điều gì quyết định thành công trong cuộc sống: học thức hay sự khôn khéo? Câu hỏi này đề cập đến một vấn đề từng làm nổ ra những cuộc tranh luận gay gắt, đó là thành công phụ thuộc nhiều hơn vào trí thông minh (IQ) hay kỹ năng cảm xúc(EQ)?
Trang-50

Những người đề cao “học thức” tin rằng IQ là yếu tố quyết định lớn nhất ảnh hưởng đến thành công của một người. Ngược lại, những người ủng hộ sự khôn khéo lại cho rằng EQ mới là yếu tố quan trọng hơn.

Vậy IQ và EQ khác nhau như thế nào? Chúng được đo lường ra sao? Và điều gì thực sự ảnh hưởng đến khả năng thành công trong cuộc sống?

IQ và EQ là gì?

Trong cuốn sách “Trí tuệ cảm xúc”, tác giả là nhà tâm lý học Daniel Goleman, cho rằng EQ thực sự có thể quan trọng hơn IQ.

Nhiều nhà tâm lý học đồng tình rằng IQ là thước đo quá hẹp để đánh giá toàn bộ năng lực của con người.

Giáo sư Howard Gardner đã đưa ra khái niệm “đa trí tuệ”, khẳng định con người có nhiều dạng trí thông minh khác nhau: từ logic, ngôn ngữ, đến âm nhạc, vận động, cảm xúc…

IQ (Chỉ số thông minh)

Chỉ số thông minh (IQ – Intelligence Quotient) là con số dùng để biểu thị năng lực trí tuệ tổng thể của một người, được xác định thông qua các bài kiểm tra tiêu chuẩn.

Ngày nay, điểm IQ thường được tính bằng cách so sánh kết quả của người làm bài với điểm trung bình của những người cùng độ tuổi.

IQ đo lường các khả năng như:

  • Xử lý hình ảnh và không gian
  • Kiến thức chung
  • Lý luận logic
  • Trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ làm việc
  • Khả năng suy luận định lượng

EQ (Trí tuệ cảm xúc)

Là khả năng nhận diện, kiểm soát và thể hiện cảm xúc của bản thân cũng như thấu hiểu cảm xúc của người khác.

EQ đo lường khả năng:

  • Nhận biết cảm xúc
  • Đánh giá cảm xúc của người khác
  • Kiểm soát cảm xúc cá nhân
  • Giao tiếp xã hội hiệu quả
  • Đồng cảm và tạo dựng mối quan hệ

Khái niệm EQ bắt đầu được biết đến rộng rãi từ những năm 1990 và dần trở nên phổ biến trong các lĩnh vực như giáo dục và quản lý doanh nghiệp, đồng thời được đưa vào chương trình học thông qua các hoạt động giáo dục cảm xúc – xã hội (SEL) ở nhiều trường học tại Mỹ.

EQ – Trí tuệ cảm xúcIQ – Trí thông minh logic
Đo năng lực cảm xúcĐo năng lực tư duy logic
Liên quan đến cảm xúc, mối quan hệLiên quan đến học tập, lý luận
Ảnh hưởng đến sự đồng cảm, tự kiểm soát, giao tiếp xã hộiẢnh hưởng đến tư duy phản biện, trí nhớ, kỹ năng học tập

Vậy EQ hay IQ quan trọng hơn?

IQ

IQ vẫn được xem là một yếu tố quan trọng đối với thành công, đặc biệt trong lĩnh vực học tập.

Người có IQ cao thường học tốt, có thu nhập cao hơn và nhìn chung cũng có sức khỏe tốt hơn. Tuy vậy, các chuyên gia ngày nay đều thừa nhận rằng IQ không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công trong cuộc sống.

Thành công là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có cả trí tuệ cảm xúc (EQ).

Ngày nay, nhiều doanh nghiệp đã đưa việc đào tạo EQ vào chương trình phát triển nhân sự và sử dụng các bài kiểm tra EQ trong quy trình tuyển dụng.

Một điểm quan trọng khác cần lưu ý là môi trường sống có ảnh hưởng rõ rệt đến cả IQ lẫn EQ. Đây không phải là những con số cố định. Các yếu tố như dinh dưỡng, chất lượng giáo dục, tình trạng kinh tế xã hội, tình trạng sức khỏe và mức độ động lực… đều có thể ảnh hưởng đến điểm IQ của mọi người.

Trí tuệ cảm xúc cũng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường. Mặc dù nghiên cứu cho thấy tính khí bẩm sinh có thể đóng vai trò nhất định, nhưng các yếu tố như cách nuôi dạy, trải nghiệm sống, nền tảng văn hóa và cả những sang chấn tâm lý đều có thể tác động mạnh đến EQ của một người.

Có thể cải thiện IQ và EQ không?

“Nếu trí tuệ cảm xúc thực sự quan trọng, liệu chúng ta có thể rèn luyện hoặc cải thiện nó không? Câu trả lời là: hoàn toàn có thể.

Một nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em tham gia các chương trình giáo dục cảm xúc – xã hội (SEL) không chỉ đạt thành tích học tập cao hơn, mà còn ít bị đình chỉ học, đi học đều đặn hơn và có hành vi kỷ luật tốt hơn.

Trước đây, IQ từng được xem là chỉ số cố định, khó thay đổi. Tuy nhiên, ngày nay các chuyên gia đồng thuận rằng IQ cũng là một năng lực có thể được cải thiện và phát triển thông qua rèn luyện và môi trường phù hợp.

Cách cải thiện chỉ số IQ:

Rèn luyện trí nhớ: Tham gia các hoạt động như trò chơi ghép hình, trò chơi rèn luyện sự tập trung hoặc Sudoku có thể giúp cải thiện trí nhớ và nâng cao một số khía cạnh của chỉ số IQ.

Phát triển kỹ năng suy luận: Những trò chơi hoặc bài tập đòi hỏi tư duy logic và suy luận bậc cao sẽ giúp bạn rèn luyện khả năng phân tích và phản xạ trí tuệ.

Tăng cường tư duy liên kết: Việc luyện tập cách nhận diện mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng, chẳng hạn thông qua so sánh, phân loại hoặc lập sơ đồ tư duy… có thể giúp cải thiện khả năng tư duy hệ thống và nâng cao chỉ số IQ.

Học ngôn ngữ mới: Việc học và sử dụng một ngôn ngữ mới không chỉ mở rộng vốn hiểu biết mà còn kích thích các vùng não liên quan đến trí nhớ, sự tập trung và xử lý thông tin.

Cách cải thiện EQ:

EQ

Quan sát cảm xúc của chính mình: Nhận thức bản thân là nền tảng của trí tuệ cảm xúc. Hãy dành thời gian để lắng nghe cảm xúc của bạn, tự hỏi điều gì đã khiến bạn cảm thấy như vậy và vì sao. Viết nhật ký cảm xúc mỗi ngày là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để hiểu bản thân sâu sắc hơn.

Thực hành sự đồng cảm: Đồng cảm là một phần cốt lõi của EQ. Hãy tập đặt mình vào vị trí của người khác để tưởng tượng họ đang cảm thấy gì trong một tình huống cụ thể. Suy nghĩ như vậy giúp bạn phản ứng tinh tế và chân thành hơn trong các mối quan hệ.

Giữ thái độ cởi mở: Khi đối mặt với những tình huống hoặc quan điểm khác biệt, hãy cố gắng tiếp cận bằng sự cởi mở và không phán xét. Điều này giúp bạn hiểu rõ người khác hơn và tiếp nhận những góc nhìn mới mẻ, đa chiều.

Rèn luyện chánh niệm: Chánh niệm là kỹ năng tập trung vào hiện tại, ngừng lo lắng về quá khứ hay tương lai. Việc luyện tập chánh niệm đều đặn giúp bạn nhận diện cảm xúc tốt hơn, giữ được bình tĩnh và phản ứng tỉnh táo trong những tình huống căng thẳng.

Tóm lại, cả IQ và EQ đều có vai trò quan trọng, không chỉ là với sự thành công, mà còn với sức khỏe thể chất, tinh thần và với hạnh phúc nói chung.

Thay vì tranh luận cái nào quan trọng hơn, điều cần làm là phát triển song song cả hai khả năng tư duy và kỹ năng cảm xúc, để học tập tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn và sống trọn vẹn hơn mỗi ngày.

BÀI LIÊN QUAN