Hướng tới tương lai dệt may không rác thải

Anh Thịnh

Biên tập viên

Không rác thải, không lãng phí, UNEP kêu gọi tái thiết ngành thời trang theo hướng bền vững để cứu hành tinh khỏi khủng hoảng.

Mỗi năm, ngành dệt may thải ra khoảng 92 triệu tấn rác thải. Sản lượng rác từ ngành này đã tăng lên gấp đôi chỉ trong 15 năm (từ 2000-2015). Trong khi đó, ngành thời trang lại đang đối mặt với tình trạng “thải bỏ” quần áo nhanh hơn.

“Thời trang không bền vững đang làm trầm trọng các cuộc khủng hoảng về  biến đổi khí hậu, thiên nhiên, mất đất đai và đa dạng sinh học, ô nhiễm và chất thải”, Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết. “Chúng ta cần tập trung vào cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn coi trọng sản xuất, tái sử dụng và tính bền vững. Khi cùng nhau hợp tác, người tiêu dùng, ngành công nghiệp và chính phủ có thể hỗ trợ thời trang thực sự bền vững và giúp giảm dấu chân thời trang của chúng ta”.

Quấn áo, vải vóc được vứt bỏ tại một bãi rác thải ở Anh. (Ảnh: Pexels/Pixabay)

Ảnh hưởng từ ngành thời trang

UNEP lưu ý cả thế giới đang chịu tác động từ cuộc khoảng rác thải, gây ra bởi hoạt động sản xuất và tiêu dùng không bền vững.

Trong đó, mô hình kinh doanh tuyến tính của ngành thời trang và dệt may đang thúc đẩy tình trạng sản xuất quá mức và tiêu dùng quá mức, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng ô nhiễm chất thải toàn cầu.

Được thúc đẩy bởi một trong những động cơ tiếp thị mạnh mẽ nhất trên Trái đất, mô hình kinh doanh của ngành thời trang và dệt may là một câu chuyện đầy tham vọng về sự đổi mới, tính tức thời và sự tiện lợi. Chính xu hướng này đang  dẫn đến tình trạng tiêu thụ quá mức và lãng phí hàng loạt đối với sản phẩm thời trang.

Sản lượng và khối lượng tiêu thụ hàng dệt may đang tăng nhanh chóng, làm chệch hướng lộ trình đảm bảo tính  bền vững của các sản phẩm và hoạt động của ngành.

Theo số liệu của UNEP, mỗi năm, 92 triệu tấn chất thải dệt may được tạo ra trên toàn thế giới, tương đương với một xe chở rác đầy quần áo bị đốt hoặc đổ vào bãi rác mỗi giây.

Trên toàn cầu, người tiêu dùng đang tiêu tốn khoảng 460 tỷ USD mỗi năm do thải bỏ quần áo sớm. Trong đó, một số sản phẩm thời trang bị thải bỏ sau 7 – 10 lần sử dụng.

Sau khi thải bỏ, quần áo cũ thường được vận chuyển tới các quốc gia thu nhập thấp, nơi thiếu cơ sở hạ tầng quản lý chất thải. Theo đó, rác thải thời trang tại đây chủ yếu được xử lý bằng việc đổ, đốt, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường và xã hội.

Ngoài ra, rác thải dệt may và thời trang ở các thành phố thường được đưa đến các bãi chôn lấp, nơi phải mất hàng thập kỷ để phân hủy và thải ra khí nhà kính có hại. Theo đó, hướng tới “tương lai không rác thải” là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi ngành thời trang thành ngành tuần hoàn hơn.

Các mô hình sản xuất và tiêu thụ hàng dệt may không bền vững hiện tại của nhân loại đang góp phần gây ra 3 cuộc khủng hoảng hành tinh: Khủng biến đổi khí hậu, khủng hoảng mất đất đai và đa dạng sinh học, khủng hoảng ô nhiễm và chất thải

Về biến đổi khí hậu, mỗi năm,  ngành dệt may thải ra 2 – 8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, tiêu tốn 215 nghìn tỷ lít nước và đóng góp 9% ô nhiễm vi nhựa chảy đại dương.

Trong lĩnh vực đa dạng sinh học, ngành thời trang gây áp lực lên các hệ sinh thái. Đến năm 2030, dự kiến ​​ngành thời trang sẽ sử dụng thêm 35% diện tích đất để sản xuất sợi, tương đương với 115 triệu ha.

Trồng bông chiếm 3% diện tích đất canh tác của thế giới, ngành này nhưng lại sử dụng tới 5% tổng lượng thuốc trừ sâu, gây hại tới môi trường.  Ngoài ra, hơn 15.000 loại hóa chất có thể được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng dệt may, bao gồm chất tẩy rửa, chất chống cháy, chất chống vết bẩn, chất làm mềm và chất mang.

Nhiều loại hóa chất có khả năng tồn tại lâu dài trong sản phẩm trong khi một số khác là chất thải từ quá trình sản xuất. Một số loại hóa chất này có đặc tính dai dẳng và tích tụ trong môi trường trong nhiều thập kỷ, gây ra tác động đến môi trường, sức khỏe con người và động vật, ngay cả ở những nơi xa xôi hoặc xa nơi chúng được sản xuất hoặc sử dụng.

Tất cả các loại sợi, cả sợi tổng hợp và sợi tự nhiên, đều có tác động trong suốt vòng đời của chúng. Tất cả các loại hàng dệt may đều có thể bị phân mảnh sợi, góp phần gây ô nhiễm môi trường bằng cách thải ra các sợi siêu nhỏ trong quá trình sản xuất, giặt giũ, mặc của người tiêu dùng, tái chế và kết thúc vòng đời. Sợi tổng hợp – bao gồm polyester, nylon, elastane và các loại khác – chiếm lĩnh thị trường, chiếm khoảng 67% tổng sản lượng vào năm 2023.

Sợi tổng hợp, đặc biệt là polyester, cũng là một  nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của sản phầm quần áo dùng một lần và các mô hình kinh doanh thời trang nhanh đóng vai trò trung tâm trong sự tăng trưởng này.

Cách tiếp cận không rác thải

Hướng tới ngành thời trang không rác thải, thông điệp của UNEP đề ra một số giải pháp.

Đầu tiên, thúc đẩy quản lý chất thải trên toàn cầu và áp dụng phương pháp tiếp cận vòng đời là những giải pháp tiềm năng để phát triển ngành thời trang và dệt may bền vững. Các biện pháp này sẽ mang lại mức lợi nhuận ròng hàng năm lên tới 108,5 tỷ USD cho thế giới vào năm 2050.

Thứ hai, áp dụng các mô hình kinh doanh dệt may tuần hoàn. Các mô hình này có thể tạo ra 700 tỷ USD giá trị kinh tế vào năm 2030. Trong đó, các nhà sản xuất cần giảm khối lượng sản xuất và tiêu thụ tại các thị trường chính, loại bỏ hóa chất độc hại và thải sợi siêu nhỏ, và chuyển hướng hàng dệt may hiện có khỏi bãi chôn lấp thông qua tái sử dụng và tái chế. Đây cũng là những bước cần thiết đối với chương trình nghị sự không chất thải.

Thứ ba, thiết kế các sản phẩm có thể tái sử dụng và độ bền cao. Giải pháp này  không chỉ làm giảm cường độ sản xuất mà còn – cùng với việc tạo ra một môi trường thuận lợi – có thể khuyến khích người tiêu dùng thay đổi mô hình tiêu dùng. Trong đó, cần xem xét tính tuần hoàn trong giai đoạn thiết kế sẽ làm giảm việc sử dụng tài nguyên và tạo ra chất thải.

Tiếp theo, hoạt động  quản lý chất thải và dệt may hiện tại đang ảnh hưởng không cân xứng đến người nghèo thành thị, cộng đồng nông thôn và phụ nữ. Do đó, cần có các giải pháp thượng nguồn và phương pháp tiếp cận không chất thải rất quan trọng để giảm ô nhiễm trong khi tạo ra giá trị kinh tế

Về phía người tiêu dùng, việc tăng thời gian sử dụng quần áo sẽ giúp giảm 44 % lượng khí thải nhà kính.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách và luật pháp, ví dụ như các chính sách thúc đẩy trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), có thể giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

EPR là một công cụ chính sách dựa trên thị trường (có thể là bắt buộc hoặc tự nguyện) được sử dụng để thúc đẩy cải thiện môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm, bao gồm giai đoạn sau khi tiêu dùng. Các chương trình EPR, nếu được thiết kế đúng cách, có thể khuyến khích thiết kế sinh thái bằng cách giảm thuế quan phải trả cho các sản phẩm có trách nhiệm hơn với môi trường. Hiện nay, các chính sách EPR của Pháp, Hungary, Latvia và Hà Lan đã bao gồm hàng dệt may.

BÀI LIÊN QUAN