Đồng Nai phát hiện một ca tử vong do bệnh sởi
Ngày 21/5 CDC Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa xảy ra một ca tử vong do bệnh sởi là bé N.T.M.K (6 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, TP Biên Hòa). Đây là bệnh nhi có nhiều bệnh nền, trong đó có bệnh tim bẩm sinh.
Trước đó, ngày 21/4, bệnh nhi có các triệu chứng khó thở, đau nhức chân, không sốt, được người nhà đưa đi khám và điều trị tại bệnh viện. Sau đó, bệnh nhi có thêm các triệu chứng sốt, ho, được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Elisa, kết quả dương tính với sởi.
Đến ngày 12/5, do tình trạng bệnh nhi diễn tiến nặng, người nhà xin đưa bé về và ngày 16/5, bệnh nhi tử vong tại nhà.
Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, khi mới sinh, bệnh nhi đã được tiêm vaccine lao và phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh. Đến ngày tiêm chủng theo lịch, người nhà đưa bé ra trạm y tế để tiêm, nhưng khi biết bé có bệnh tim, trạm y tế đã giới thiệu bé đến BV Nhi đồng Đồng Nai để tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng người nhà bận nên không đưa đến.
Bé cũng chưa được tiêm các vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng như ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ, viêm não Nhật Bản…
Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng sởi hiệu quả – ảnh minh họa
Theo thống kê từ CDC Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 20/5, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hơn 4.700 ca mắc sởi, trong đó có 1 ca tử vong.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Hoa – Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm CDC Đồng Nai cho biết, trường hợp tử vong do bệnh sởi mới ghi nhận có nguyên nhân là do bệnh nhi mắc nhiều bệnh nền, dù đã được các bác sĩ khuyến cáo, tuyên truyền nhưng gia đình không đưa bé đi tiêm vaccine phòng sởi. Bệnh nhi đã 6 tuổi nhưng vẫn chưa được tiêm các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bác sĩ Hoa cũng khuyến cáo, với những trường hợp trẻ có nhiều bệnh nền, không đủ điều kiện tiêm chủng ở các trạm y tế, người dân nên tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, đưa trẻ đến các bệnh viện để trẻ được tiêm đầy đủ các loại vaccine.
“Đối với những trẻ chưa được tiêm vaccine và đang điều trị tại bệnh viện, khi đủ điều kiện xuất viện, trẻ sẽ được tiêm vaccine trước khi ra viện” – Bác sĩ Hồ Thị Hoa cho biết
Bên cạnh đó, theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Bình – Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai thì cho rằng, sau khi ghi nhận ca tử vong do bệnh sởi, ngành Y tế tỉnh này đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng ngừa bệnh sởi – yếu tố quan trọng nhất để kiểm soát bệnh.
“Ngành y tế tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh như đeo khẩu trang ở nơi đông người; vệ sinh cá nhân, môi trường đúng cách; khi có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ cần chủ động cách ly và đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời” – Bác sĩ Bình khuyến cáo.
Theo CDC Đồng Nai, số lượng vaccine trong Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại Đồng Nai đã hết do đợt 3 năm 2025, Bộ Y tế cấp cho địa phương 9.500 liều vaccine sởi (tiêm được hơn 7.600 trẻ), trong khi nhu cầu của tỉnh là 32.000 trẻ.
Tuy nhiên, vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 9 tháng tuổi vẫn còn, do đó ngành Y tế vẫn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân đưa trẻ trong độ tuổi đến các cơ sở y tế tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
Bệnh sởi là gì và có nguy hiểm không?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Bệnh này vô cùng nguy hiểm bởi khi mắc bệnh, virus xâm nhập vào cơ thể khiến trẻ sốt cao liên tục trong khoảng thời gian dài làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, nếu không chữa trị kịp thời trẻ em có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa; Viêm loét giác mạc; Viêm não cấp tính; Tiêu chảy… Ngoài ra, sởi còn gây suy giảm miễn dịch, khiến người bệnh dễ bội nhiễm các loại vi khuẩn khác như lao, ho gà, thủy đậu, thậm chí có những trường hợp kéo dài vĩnh viễn như viêm màng não, mù lòa,…
Ở phụ nữ mang thai mắc sởi sẽ tăng nguy cơ tử vong cho thai phụ, gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Nếu mắc sởi vào cuối thai kỳ, trẻ sinh ra có nguy cơ nhiễm sởi, tỷ lệ tử vong cao do biến chứng viêm phổi, viêm gan cấp, viêm não cấp.
Ngoài ra, bệnh sởi còn có một năng lực vô cùng nguy hiểm là “xóa trí nhớ miễn dịch” khi có thể phá hủy trung bình 40 loại kháng thể trong cơ thể người.
Đặc biệt, bệnh này là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Sởi là căn bệnh dễ lây lan, dễ bùng phát thành dịch lớn vì nó thường lây qua đường hô hấp, khi tiếp xúc trực tiếp với chất tiết mũi, họng của bệnh nhân.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), sởi dễ lây lan đến mức có đến 90% người chưa có miễn dịch với sởi sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. 1 bệnh nhân sởi sẽ lây cho 12-18 người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm phòng. Đặc biệt, bệnh này chỉ có thể chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đạt 95% trở lên.
Về cách phòng chống bệnh sởi, nhiều chuyên gia cho rằng cách tốt nhất là tiêm vaccine và giữ gìn vệ sinh để tránh lây nhiễm từ người bệnh sang người bình thường…
Theo bác sĩ Phạm Hồng Thuyết – Quản lý Y khoa vùng 1 Mekong của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Một trong những cách phòng bệnh sởi tốt nhất, an toàn và chủ động hiện nay được khuyến cáo là tiêm đầy đủ, đúng lịch từ 2 mũi vắc xin sởi cho trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn. Nghiên cứu cho thấy vắc xin sởi hiệu quả và có độ an toàn cao. Một mũi vắc xin sởi có hiệu quả khoảng 93% trong việc ngăn ngừa bệnh sởi nếu tiếp xúc với virus sởi. Hai mũi sẽ đạt hiệu quả vượt trội lên đến 97% giúp bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm này”.