Mướp xanh tốt, nhưng thương lái không mua, phải bỏ trắng cả vườn, người nông dân đau đáu vì nếu bỏ luôn thì tiếc, giữ lại thì nặng gánh. Tuy nhiên, xơ mướp, thứ từng bị xem là “rác” trong mắt nông dân đã giúp họ tìm lại niềm tin và hy vọng vào tương lai.
Mướp bỏ phế cả vườn vì thương lái không mua
Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột và huyện Krông Búk của tỉnh Đắk Lắk mới dần cải thiện được cuộc sống nhờ liên kết trồng mướp với Công ty cổ phần Loofaa Việt Nam – chuyên chế biến xơ mướp thành các sản phẩm thời trang, vật dụng gia đình.
Những ruộng mướp xanh mướt là nguồn thu chính của người dân, nhưng ít ai biết rằng, trước đó những hộ nông dân này phải đứng trước bờ vực phải bỏ nghề trồng mướp vì đầu ra không ổn định, kinh tế gia đình lâm vào bế tắc.
Vợ chồng chị H’Wên Êban và anh Đỗ Ngọc Vũ thăm vườn mướp đang giai đoạn phát triển.
Đó là vợ chồng chị H’Wên Êban (26 tuổi) và anh Đỗ Ngọc Vũ (31 tuổi, phường Khánh Xuân), đây là một trong số 8 trường hợp đang liên kết với doanh nghiệp trồng mướp để lấy xơ.
Là nông dân chính hiệu, dù đã gắn bó với nghề trồng mướp đã nhiều năm nhưng vợ chồng anh chị từng phải đối diện với quyết định đau lòng là bỏ ruộng. Bởi giá mướp tụt dốc thê thảm, đầu ra bấp bênh, trong khi chi phí chăm sóc, phân bón cứ tăng không ngừng.
Những ruộng mướp xanh ngát ngày nào nay trở thành gánh nặng trên vai người nông dân. Mướp xanh tốt, nhưng bán không được vì thương lái không mua nữa, phải bỏ phế cả ruộng.
Chị H’Wên Êban đã yên tâm hơn trước đây khi vườn mướp đã có đầu ra nhờ sản phẩm xơ mướp được ưa chuộng.
“Nhiều vụ, thương lái không đến thu mua, khiến gia đình phải bỏ phế cả vườn mướp. Lúc đó chẳng còn hy vọng duy trì nữa, đau đáu khi bỏ đi thì tiếc, giữ lại thì nặng gánh. Gia đình tôi có 1 hecta đất, trước đây chỉ trồng bầu, mướp và bán trái tươi, mỗi năm thu hoạch được khoảng 20 tấn. Thị trường giá cả bấp bênh nên mỗi năm chỉ thu được khoảng 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì lãi không còn bao nhiêu”, chị H’Wên Êban nói.
Tuy nhiên, khi hai vợ chồng có ý định từ bỏ công việc trồng mướp, một cơ hội mới bất ngờ xuất hiện. Một doanh nghiệp chuyên thu mua và chế biến xơ mướp đã đến với vợ chồng anh chị và những nông dân trong vùng.
Từ năm 2022, vợ chồng chị H’Wên đã ký hợp đồng trồng mướp với doanh nghiệp chế biến xơ mướp với vọng tìm được đầu ra ổn định cho nông sản này. Kể từ đó, vợ chồng chị trồng 2 vụ mướp/năm, thu hoạch khoảng 60.000 trái để bán cho công ty chế biến xơ mướp.
Lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ xơ mướp kiểm tra chất lượng mướp của nông dân.
Theo hai vợ chồng, trước đây, khi thu hoạch xong, chỉ biết bán trái mướp, còn phần xơ thì bỏ đi. Nay, nhờ có doanh nghiệp này, anh chị đã biết cách tận dụng xơ mướp để tạo thêm thu nhập. Mỗi ngày thu hoạch không chỉ là niềm vui mà còn là cơ hội để cải thiện cuộc sống.
“Sau khi trừ chi phí đầu tư, chúng tôi thu lãi từ 250-260 triệu đồng/ha/năm. Kinh tế gia đình ngày càng cải thiện, nuôi 2 con ăn học đầy đủ. Nhờ nguồn thu nhập này, cuộc sống gia đình được nâng cao hơn”, chị H’Wên Êban phấn khởi.
Suýt bỏ đất, bỏ nghề nhưng nhờ xơ mướp thắp lên hy vọng
Xơ mướp, thứ từng bị xem là “rác” trong mắt nhiều nông dân, giờ đây đã giúp họ tìm lại niềm tin và hy vọng vào tương lai.
Nông dân tìm lại được hy vọng từ mướp, có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Khác với vợ chồng chị H’Wê Êban, do không có đất sản xuất, cách đây nhiều năm, anh Đỗ Xuân Nhanh (34 tuổi, phường Khánh Xuân) và một người bạn đã thuê đất để trồng hoa màu.
Tuy nhiên dù ruộng dưa leo, bầu, bí, thu hoạch từ 30-40 tấn/năm/hecta. Nhưng giá thị trường biến động, nhiều vụ bị xuống thấp khiến thu nhập cũng bấp bên. Ước chừng hàng năm chỉ thu được khoảng 200 triệu đồng, chưa trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, thu hoạch.
Xơ mướp đã giúp nông dân Đắk Lắk đổi đời, phát triển bền vững hơn.
Đang đứng trước ý định bỏ đất thuê, tìm kiếm công việc khác làm ổn định và đỡ vất vả hơn so với làm nông nghiệp thì một tia hy vọng mới lóe lên khi trái mướp bất ngờ có giá trị hơn vì được doanh nghiệp bao đầu ra sau khi thu hoạch.
Từ năm 2021, anh Nhanh ký hợp đồng trồng mướp với đơn vị thu mua chế biến xơ mướp và nhờ vậy anh có thể làm giàu được trên đất quê hương.
Anh Nhanh chia sẻ: “Nhờ liên kết được với doanh nghiệp chế biến xơ mướp nên tôi và bạn mình thu lời 300 triệu đồng/hecta/năm. Điều này đã giúp tôi cải thiện thu nhập, có thể cải thiện kinh tế, làm giàu trên đất quê hương”.
Anh Nhanh đã yên tâm canh tác vì vườn mướp cho thu nhập cao, bền vững.
Theo anh Nhanh, không chỉ dừng lại ở việc thu mua, doanh nghiệp còn hỗ trợ kỹ thuật canh tác, tăng năng suất và chất lượng mướp. Do vậy anh còn kỳ vọng vào một tương lai bền vững, nơi sản phẩm từ cây mướp không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế nhiều hơn.
Theo Công ty Loofaa, hiện đơn vị đang liên kết với 8 hộ nông dân trồng mướp, mỗi hộ 1 – 2 hecta diện tích trồng với cam kết thu mua với giá 5.000 đồng/trái, mỗi vụ sẽ cho ra khoảng 25.000 – 30.000 trái.
Khi trái mướp già sẽ được hái, tách vỏ để láy xơ chế biến các sản phẩm.
Sau khi thu hoạch, xơ mướp chế biến thành các sản phẩm thời trang, sản phẩm nội thất nhà bếp, nhà tắm thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe. Xơ mướp, một sản phẩm tưởng như vô dụng nhưng lại có tiềm năng lớn trên thị trường quốc tế.
Sản phẩm thời trang làm từ xơ mướp Việt Nam được thị trường quốc tế ưa chuộng.
Ông Trần Quốc Á – Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân thông tin, trước đây, người dân trên địa bàn trồng cà phê, hồ tiêu nhưng năng suất thu hoạch không cao.
Vài năm gần đây, nhiều hộ dân đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để trồng mướp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Quá trình liên kết đã giúp người dân được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, không còn phải phụ thuộc vào giá cả thị trường như trước. Nhờ vậy, thu nhập của nhiều hộ dân đã được nâng cao và sản xuất trở nên bền vững hơn”, ông Á nói và cho biết, chính quyền luôn khuyến khích doanh nghiệp và nông dân liên kết để sản xuất nông nghiệp bền vững nên sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho hai bên.
Tứ Quý/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM