Học sinh Trung Quốc nghĩ đủ chiêu trò dùng trộm điện thoại trong lớp

Anh Thịnh

Biên tập viên

Từ chai nước, từ điển, cho đến bình nước và gương, các vật dụng học đường thường ngày ở Trung Quốc giờ đây còn được dùng làm ngăn đựng bí mật, giúp học sinh lén mang điện thoại vào trường học.

Trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, một trong những sản phẩm bán chạy nhất là chai nước có ngăn bí mật, cho phép học sinh uống nước như bình thường trong khi có thể cất giấu điện thoại ở đáy chai.

Thiết kế mờ đục khiến sản phẩm gần như không thể bị phát hiện. Những cách “ngụy trang” khác bao gồm sổ tay với các trang rỗng bên trong, hộp đựng gương và pin dự phòng có ngăn giấu kín. Các sản phẩm này đặc biệt phổ biến với học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang tìm cách mang điện thoại vào lớp bất chấp lệnh cấm của trường học.

Một số vật dụng giấu điện thoại được bày bán trên nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc. (Ảnh: Weibo)

Trung Quốc quy định ngày càng nghiêm ngặt với việc học sinh sử dụng điện thoại thông minh.

Năm 2021, Bộ Giáo dục nước này cấm học sinh mang điện thoại đến trường trừ khi có sự đồng ý của phụ huynh và đơn xin phép chính thức gửi đến nhà trường. Ngay cả khi được chấp thuận, thiết bị phải được giao cho giáo viên khi đến trường và bị cấm sử dụng trong lớp học.

Quy định này được đưa ra sau những lo ngại ngày càng tăng về tình trạng nghiện điện thoại thông minh ở học sinh. Đến năm 2023, Trung Quốc có 196 triệu người dùng internet dưới 18 tuổi.

Các trường học cho rằng việc sử dụng màn hình quá nhiều làm ảnh hưởng đến sự tập trung, kết quả học tập, và sức khỏe tinh thần, dẫn đến việc thực thi nghiêm ngặt các lệnh cấm sử dụng điện thoại.

Điều này cũng dẫn đến việc ngày càng nhiều học sinh tìm đến các thiết bị gian lận để vượt qua các quy định. Các sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc được quảng cáo công khai là “không thể phát hiện”.

Tờ China Youth Daily đưa tin, một người bán mô tả sản phẩm gương giấu điện thoại là “an toàn và đáng tin cậy, ngăn được máy dò kim loại và giao hàng kín đáo”. Trong khi đó, cục sạc dự phòng được quảng cáo là “kín đáo hơn, đóng mở ngăn ẩn dễ dàng, vừa có thể làm đèn pin, vừa sạc được điện thoại”.

Tờ báo Guangming Daily chỉ trích việc sản xuất và bán các sản phẩm như vậy, cho rằng chúng khuyến khích hành vi vi phạm quy tắc và làm suy yếu nỗ lực của các trường học trong việc thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh có trách nhiệm.

Tuy nhiên, thị trường cho các thiết bị này vẫn rất sôi động. Một tìm kiếm trên nền tảng thương mại điện tử Taobao với từ khóa “thiết bị giấu điện thoại thông minh” cho thấy hàng trăm kết quả, với một số sản phẩm bán được hơn 1.000 chiếc mỗi tháng.

Với nhiều học sinh, việc giấu điện thoại đến trường giống như một nhu cầu thiết yếu hơn là hành vi vi phạm. Một học sinh trung học ở Thượng Hải thừa nhận nhiều lần mang điện thoại vào trường, coi đó là cách để thư giãn với các video ngắn và trò chơi điện tử, đồng thời truy cập tài liệu học tập trực tuyến.

Giáo viên Liu Chenxu tại trường nội trú tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc, cho rằng thanh thiếu niên còn thiếu tính tự giác nên cần sự hướng dẫn từ trường học và giáo viên. Việc cho phép mang điện thoại vào trường không chỉ làm gián đoạn sự tập trung trong lớp mà còn khiến một số học sinh nội trú thức cả đêm để chơi điện thoại.

“Chúng tôi từng là học sinh và hoàn toàn hiểu được sức hút của điện thoại thông minh. Nhưng theo thời gian, điều này có thể khiến học sinh rơi vào vòng luẩn quẩn”, cô Liu nói.

Cô cảnh báo rằng nếu không có các quy định phù hợp, việc sử dụng điện thoại quá mức có thể phá vỡ trật tự lớp học.

Cô Liu cũng chỉ trích các thương nhân lợi dụng nhu cầu về thiết bị giấu điện thoại. “Tôi nghĩ hành vi này vi phạm lợi ích công cộng. Nó cũng dạy học sinh cách lừa dối giáo viên và nhà trường”.

BÀI LIÊN QUAN