Hệ lụy khôn lường khi tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn phổ biến

Kiều Giang

Phóng viên

Việt Nam đang đối mặt với một trong những thách thức nghiêm trọng về cơ cấu dân số: mất cân bằng giới tính khi sinh. Thực trạng này cảnh báo những hệ lụy khó lường đối với kinh tế, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.

Theo báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch (giai đoạn 2021 – 2024) lần đầu tiên được công bố, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại và kéo dài trong nhiều năm vượt xa mức cân bằng là 104 – 106 bé trai/100 bé gái.

matcan banggioitinh

Tỷ lệ này những năm gần đây đã ở mức từ 109,5 đến 110,7 bé trai trên 100 bé gái.

Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các tỉnh khu vực phía Bắc mà điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Giang.

Đáng lo ngại, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ thừa khoảng 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn.

Theo Bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Cục Dân số – Bộ Y tế), hệ quả của tình trạng này kéo theo nhiều vấn đề xã hội nan giải.

Cụ thể là: Gia tăng nạn buôn bán phụ nữ và các tệ nạn như tảo hôn, gia tăng mại dâm; bạo lực gia đình, bất ổn tâm lý xã hội do khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời; Gánh nặng chăm sóc người già ngày càng đè nặng lên vai phụ nữ…

Đặc biệt, thực trạng này khiến Việt Nam khó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt mục tiêu bình đẳng giới.

BS Mai Xuân Phương nhấn mạnh: “Thực trạng mất cân bằng giới tính cần được nhìn nhận là một vấn đề nghiêm trọng, tác động đến phát triển kinh tế xã hội và cấu trúc gia đình Việt Nam trong tương lai.

Đây là minh chứng rõ ràng cho việc can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi đang diễn ra âm thầm nhưng hết sức phổ biến”.

Nguyên nhân sâu xa

Cũng theo BS Mai Xuân Phương, nguyên nhân sâu xa của thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh bắt nguồn từ quan niệm “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều gia đình, tư tưởng phải có con trai để “nối dõi tông đường” còn phổ biến, đặc biệt tại các vùng nông thôn, miền núi phía Bắc.

Trong khi đó, sự tiến bộ của y học như siêu âm, chẩn đoán giới tính sớm, thay vì phục vụ mục đích chăm sóc sức khỏe, lại bị lạm dụng để can thiệp giới tính thai nhi.

“Việc thiếu chế tài, xử phạt không nghiêm và giám sát lỏng lẻo đối với hành vi tiết lộ giới tính, phá thai vì lý do giới tính khiến cho tình trạng này càng nghiêm trọng”, BS Mai Xuân Phương nhấn mạnh.

Giải pháp nào để ngăn chặn thảm họa dân số trong tương lai?

Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần có những giải pháp đồng bộ.

Cần phải quyết liệt và phối hợp nhiều biện pháp, từ pháp luật, truyền thông, các chính sách an sinh xã hội… chứ không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền”- Bác sĩ Mai Xuân Phương nhấn mạnh.

Đầu tiên, là siết chặt công khai giới tính thai nhi. Hiện nay, nhiều cơ sở y tế vẫn cố tình lách luật, tiết lộ giới tính thai nhi một cách gián tiếp. Cần có chế tài mạnh mẽ, xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm, đồng thời nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế, để không tiếp tay cho hành vi lựa chọn giới tính.

Thứ hai là đổi mới truyền thông để chuyển hóa nhận thức và hành vi của người dân.

Các chương trình truyền thông cần chuyển từ khẩu hiệu sang hành động cụ thể, nhấn mạnh vai trò, giá trị của người phụ nữ trong gia đình hiện đại. Cần truyền đi những hình ảnh về phụ nữ thành đạt, những người con gái là niềm tự hào của cha mẹ để từng bước xóa bỏ định kiến lạc hậu.

Thứ ba, đưa giáo dục bình đẳng giới vào chương trình học từ sớm.

Lứa tuổi trung học cơ sở là thời điểm hình thành nhân sinh quan, thế giới quan của trẻ. Giáo dục giá trị của con gái phải bắt đầu từ nhà trường, phải để các em hiểu rằng giá trị của một con người không phụ thuộc vào giới tính mà ở nhân cách, tài năng và sự đóng góp cho xã hội.

Việc lồng ghép nội dung này vào các môn học về đạo đức, lịch sử, kỹ năng sống sẽ giúp thế hệ trẻ có cái nhìn công bằng, tiến bộ về giới tính, từ đó hình thành lối sống tôn trọng và bình đẳng.

Thứ tư, gắn chính sách dân số với an sinh xã hội, biến cam kết thành hỗ trợ thiết thực.

Những chính sách này cần ưu tiên áp dụng tại các địa phương đang có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao, nơi áp lực sinh con trai còn nặng nề.

Nên đưa chính sách hỗ trợ gia đình sinh toàn con gái áp dụng thí điểm vào các tỉnh phía Bắc, có chính sách khuyến khích cụ thể như miễn giảm học phí, hỗ trợ y tế, ưu tiên nhà ở xã hội …”, bác sĩ Mai Xuân Phương nêu ý kiến.  

Nếu không hành động quyết liệt, nhanh chóng và đồng bộ từ bây giờ, kết quả sẽ là những hệ lụy khó lường đối với kinh tế, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.

BÀI LIÊN QUAN