Đầu tháng 3, mạng xã hội rầm rộ chia sẻ đoạn clip dài hơn một phút về cậu bé nhỏ nhắn đang học bài với dáng vẻ đăm chiêu, tập trung cao độ. Lúc chống cằm trầm tư, lúc nghiêm nghị như một “giáo sư chấm bài thi”.
Cộng đồng mạng trìu mến đặt biệt danh cho cậu bé là “giáo sư tí hon”. Thế nhưng, đằng sau hình ảnh đáng yêu ấy là một hành trình đầy gian nan mà cậu bé cùng gia đình đã trải qua suốt 7 năm qua.
Gia đình bàng hoàng phát hiện con mắc bệnh hiếm gặp
Tạ Tiến Minh (7 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chỉ nặng 8,4kg, cao 77cm, nhỏ bé như một đứa trẻ mới chập chững biết đi. Chị Bùi Lan, mẹ của Minh nghẹn ngào kể lại hành trình tìm kiếm căn bệnh đã cướp đi sự phát triển bình thường của con.
Mang thai Minh, chị Lan thăm khám đầy đủ, thai nhi phát triển tốt, chào đời khỏe mạnh với cân nặng 3,5 kg. Nhưng chỉ 5 ngày sau, Minh bị viêm ruột sơ sinh, phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương 15 ngày. Khi xuất viện, Minh bắt đầu có dấu hiệu lạ: không tăng cân dù ăn ngủ bình thường.
Từ 6 tháng tuổi, Minh bị tiêu chảy kéo dài, nhiều lần nhập viện nhưng các xét nghiệm nhiễm sắc thể và rối loạn chuyển hóa đều không tìm ra nguyên nhân. Gia đình lang thang khắp các bệnh viện lớn, hy vọng tìm được lời giải cho tình trạng của con. Nhưng mọi kết quả vẫn chỉ là một dấu hỏi lớn.
Cuối cùng, các bác sĩ tư vấn gia đình gửi mẫu gen của bé sang Hàn Quốc là cơ hội cuối cùng để tìm ra bệnh. Khi Minh được 2 tuổi rưỡi, kết quả trả về khiến gia đình bàng hoàng: bé mắc bệnh ruột búi (loạn sản biểu mô ruột) do đột biến gen EPCAM – một bệnh di truyền hiếm gặp với tỷ lệ chỉ 1/50.000 đến 1/100.000.
Căn bệnh này khiến các tế bào ruột không phát triển lông nhung để hấp thụ chất dinh dưỡng, dù ăn bao nhiêu, cơ thể bé vẫn không thể phát triển. Ở nước ngoài, bệnh nhân thường được điều trị bằng cách truyền dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, nhưng với bé Minh, nguy cơ nhiễm trùng quá cao.
Căn bệnh của bé Minh như 1 cú sốc đối với chị Lan, chị bàng hoàng khi mãi vẫn không tin được căn bệnh hiếm gặp này lại rơi vào đúng con trai mình.
5 năm đầu đời, Minh gần như chỉ có thể ngồi một chỗ, không thể nói chuyện. Bố mẹ đặt kỳ vọng vào việc tập nói, nhưng các chuyên gia khuyên nên ưu tiên tập vận động, vì vận động kích thích phát triển ý thức.
Tháng 8/2022, gia đình đưa Minh đến trung tâm phục hồi chức năng. Nhìn con nhỏ bé, yếu ớt, vợ chồng chị Lan lo sợ Minh sẽ không đủ sức theo đuổi các bài tập. Những ngày đầu tiên, cậu bé gào khóc khi phải tập những động tác cơ bản như nằm, ngồi, chống tay, giữ thăng bằng.
“Về nhà tôi tự tập cùng con, nhưng cứ chạm vào là con khóc. Tôi áp lực vô cùng, nhưng biết mình không thể bỏ cuộc” – Chị Lan kể.
Sau 4 tháng kiên trì, Minh có tiến bộ đáng kinh ngạc: từ đứa trẻ đặt đâu ngồi đấy, bé đã có thể trườn, bò thành thạo, thậm chí bắt đầu tập đứng. Các bác sĩ chỉ định Minh đi giày chỉnh hình để hỗ trợ đôi chân nhỏ yếu. Nhưng đôi giày nặng và cứng như muốn ghì chặt cậu bé xuống đất.
Nhiều lần ngã, trầy xước chân tay, Minh mệt mỏi òa khóc. Chị Lan dỗ dành: “Con có thấy các bạn đi học vui không? Con phải cố gắng tập đi để còn đi chơi với mọi người chứ!”. Lời động viên của mẹ trở thành động lực cho Minh. Cậu bé gạt nước mắt, lại lẫm chẫm bước đi, dù mỗi bước chân đều là một cuộc chiến. Ngày Minh đi được những bước đầu tiên, cả gia đình gần như bật khóc.
Hành trình đến trường của “cậu bé tí hon”
Năm 2022, chị Lan sinh bé trai thứ hai, đặt tên là Tạ Bình An, với mong muốn hai anh em được bình an, mạnh khỏe. Nhưng sự xuất hiện của em trai đôi lúc khiến Minh tủi thân. Một lần, Minh vuốt ve đôi chân bụ bẫm của em rồi ngước lên nói: “Con cũng muốn chân to giống chân em”.
Câu nói ngây thơ khiến chị Lan bật khóc nhưng một lần nữa chị Lan cố nén cảm xúc để giải thích cho con.
Dù vậy, hành trình gian nan của Minh cũng đã dần có trái ngọt. Cậu bé ít nhập viện hơn, ăn được nhiều món hơn thay vì chỉ uống sữa và ăn cháo loãng. Một cột mốc quan trọng đến vào ngày 20/3, khi một trường tiểu học công lập nhận Minh vào lớp 1 sau nhiều nỗ lực tìm kiếm trường của gia đình.
“Ngày cầm giấy nhập học của con, tôi như trút bỏ được một nỗi lo. Tôi không quá kỳ vọng Minh sẽ học giỏi, chỉ mong con khỏe mạnh và vui vẻ” – Chị Lan tâm sự.
Dù còn cả chặng đường dài phía trước, nhưng với tình yêu thương của gia đình, sự quyết tâm và ý chí kiên cường, Minh đang từng ngày viết nên câu chuyện cổ tích của riêng mình. Câu chuyện về cậu bé “giáo sư tí hon” không chỉ khiến mọi người khâm phục mà còn truyền đi thông điệp mạnh mẽ: Chỉ cần không từ bỏ, điều kỳ diệu vẫn có thể xảy ra.